| Hotline: 0983.970.780

Tại sao để khuyến cáo phản khoa học tồn tại?

Thứ Năm 14/06/2012 , 11:07 (GMT+7)

Theo các nhà chuyên môn, việc khuyến cáo của Cty CP BVTV An Giang về việc kết hợp “phun Boom Flower và Filia để vừa trừ bệnh, vừa kích hoạt cây lúa phục hồi nhanh nhứt” là phản khoa học, nhưng đáng tiếc điều này lại tồn tại từ năm 2011 cho đến bây giờ.

Theo các nhà chuyên môn, việc khuyến cáo của Cty CP BVTV An Giang về việc kết hợp “phun Boom Flower và Filia để vừa trừ bệnh, vừa kích hoạt cây lúa phục hồi nhanh nhứt” là phản khoa học, nhưng đáng tiếc điều này lại tồn tại từ năm 2011 cho đến bây giờ.

>> Những khuyến cáo... hại dân

Ghi nhận của NNVN, qua phản ảnh của nhiều nông dân ở các xã như Thới Sơn, Tân Lập, Tân Lợi, Vĩnh Trung thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang và huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, cách đây khoảng 20 ngày trong vụ hè thu năm nay, cây lúa trong thời kỳ đẻ nhánh đã bị bệnh đạo ôn tấn công rất mạnh. Trong khi đó, các đại lý bán thuốc cũng như báo, đài ở địa phương lại tập trung tuyên truyền, giới thiệu về hiệu quả của “công thức hỗn hợp” giữa phân bón lá cao cấp Boom Flower (Cty Devi Cropscience Private Limited, Ấn Độ) và Filia 525 SE (Syngenta) do Cty CP BVTV An Giang (viết tắt AGPPS) độc quyền phân phối, nếu sử dụng phun vào cây lúa bị bệnh sẽ đạt kết quả cao.


Kết quả phun thí nghiệm theo khuyến cáo của Cty CP BVTV An Giang tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, An Giang (lúa cháy nhiều hơn so với đối chứng)

Điều đáng nói là, giá bán trên thị trường của hai loại thuốc này đứng vào hạng “top-ten”. Cụ thể, Boom Flower giá 87 ngàn/chai 500ml (cao gấp 2-3 lần so với các sản phẩm phân bón lá của các DN khác - PV) với liều pha 40-50ml/bình 16 lít, phun 2 bình/1.000m2. Người nông dân thường phun 1 chai 500ml cho 5.000m2, tức 1 ha sử dụng 2 chai, tương đương số tiền 174 ngàn; còn Filia giá 104 ngàn/chai 250ml, liều pha 25ml/bình 16 lít, phun 2 bình/1.000m2, tức phun 1 chai 250ml cho 5.000m2. Nghĩa là 1 ha cũng “mất” 2 chai tốn 208 ngàn. Nhưng theo khuyến cáo của AGPPS,  không phải phun 1 lần là xong mà phun lúc nào hết bệnh thì thôi. Thế nên, nếu cộng cả hai khoản Boom và Filia, 1 ha lúa chí ít người nông dân phải mất chi phí cả triệu bạc để “chữa bệnh” đạo ôn.

Tuy nhiên, có đắt phải xắt ra miếng, đằng này cây lúa bị bệnh đạo ôn mà đưa công thức “hỗn hợp” này vào thì lúa cháy lá càng bạo, rút cục “tiền mất tật mang”! Điển hình là anh Lê Thanh Tâm ở ấp Tân Hòa, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên trồng 5 ha giống OM 4218 cho biết, lúc cây lúa ở giai đoạn đẻ nhánh vết bệnh đạo ôn còn chấm kim, nghe theo khuyến cáo của AGPPS, anh Tâm đã phun 6 chai Boom Flower và 6 chai Filia, nhưng sau 2 ngày nhận thấy vết bệnh càng lan rộng ra và phát triển nhanh, anh phát hoảng rồi ngưng. “Tui tốn mấy triệu đồng tiền thuốc của AGPPS nhưng không có kết quả, nay lúa đang làm đòng coi bộ yếu lắm, năng suất sắp tới chắc không đạt”. Anh Tâm tiết lộ.

Tương tự, anh Phạm Ngọc Kha cũng ở ấp Tân Hòa, trồng 4,2 ha giống OM 4218 hiện lúa đang trỗ, cách đây 20 ngày anh cũng sử dụng hỗn hợp “Boom Flower và Fillia” xịt vào cây lúa bị bệnh đạo ôn nhưng đã tốn tiền mà không có kết quả. “Người ta quảng cáo Boom như “sâm”, không chỉ là phân bón lá cao cấp mà còn tạo năng lượng, tăng cường sức khỏe cho cây trồng, còn Filia là thuốc đặc trị bệnh đạo ôn. Là nông dân tui nghĩ đơn giản đưa cả “sâm” và “thuốc bệnh” cùng dập một lúc thì bệnh sẽ giảm nhanh hơn. Hơn nữa, nhà phân phối cũng khuyến cáo theo phương pháp đó. Nhưng ai ngờ, càng xịt vào bệnh càng phát triển" - anh Kha nói.

Không chỉ ông Tâm, ông Kha, nhiều nông dân khác khi được hỏi đều có chung nhận định: sau khi phun hỗn hợp trên từ sau 2-3 ngày, bệnh đạo ôn chẳng những không thuyên giảm mà còn phát triển nhanh và nặng hơn so trước khi phun.

Ông Võ Minh Hùng, Trưởng trạm BVTV huyện Châu Thành, tỉnh An Giang cho biết, Chi cục BVTV tỉnh cũng đã lập thí nghiệm phun Boom Flower và Filia 1 lần, 2 lần và 3 lần so với không phun Boom Flower trên ruộng lúa của ông Nguyễn Phước Tấn ở ấp Phú Hòa 1, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành. Kết quả cho thấy, những lô phun hỗn hợp với Boom Flower thì lúa bị bệnh đạo ôn tấn công nặng hơn, cháy chỏm nhiều hơn so với đối chứng không phun.

+ “Tuyệt đối không được dùng chung phân bón lá với thuốc đặc trị nấm bệnh trong quá trình phun xịt trị bệnh đạo ôn trên cây lúa. Bởi phân bón lá sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh có điều kiện phát triển gây hại nặng hơn” (Tiến sĩ Vũ Anh Pháp - Trưởng Bộ môn Tài nguyên Cây trồng - Trường ĐH Cần Thơ) 

+ Từ đầu tháng 6 đến nay, đã có hơn 70.000ha lúa hè thu ở ĐBSCL bị bệnh đạo ôn. Bệnh xảy ra ở tất cả các tỉnh, nghiêm trọng nhất là đã có một số nơi như An Giang phải tiêu hủy hàng chục hecta do bệnh quá nặng (Nguồn: Trung tâm BVTV phía nam).

Hôm qua (13/6), khi được hỏi dùng chung thuốc đặc trị nấm với một loại phân bón lá để điều trị bệnh đạo ôn trên lúa được không, TS. Hồ Văn Chiến (GĐ Trung tâm BVTV phía Nam) khẳng định ngay rằng: không được kèm theo, đây là điều chắc chắn bởi kèm theo là “chết liền”.

Theo giải thích của TS. Chiến, trong khi cây lúa bị bệnh đạo ôn tức có dấu hiệu thừa đạm, trong khi phân bón lá hầu hết chứa tới 80-85% đạm nên khi phun vào thì hiện tượng cháy lá sẽ nặng thêm. “Riêng trường hợp của Boom Flower, trước đây báo NNVN đã nêu rõ rồi, tôi không đề cập nữa. Nó như đĩa rau muống ăn vào đã bị tiêu chảy thì đừng nên thọc đũa vào. Biết vậy nhưng mình không có quyền đem đổ nó đi. Ai ăn thì ăn, còn tôi làm thinh. Coi như tôi biết mà không quan tâm vậy!” - ông Chiến nói hình tượng.

Theo dự báo của Cục BVTV, cho đến hết vụ hè thu 2012, bệnh đạo ôn vẫn là đối tượng nguy hiểm cần hết sức cảnh giác khi có những chuyển biến thời tiết bất thường, đặc biệt là giai đoạn lúa sắp trỗ đến trỗ đều, ngậm sữa.

Thế nên hơn ai hết, bà con nông dân cần phải hết sức thận trọng trước những thông tin quảng bá, tiếp thị thuốc BVTV kiểu “nổ một tấc lên đến giời” như của AGPPS mà mải mê mua thuốc của họ, nhưng lại quên đi những khuyến cáo lâu nay của Bộ NN-PTNT và ngành BVTV trong quá trình sản xuất lúa, đó là: “Quản lý tổng hợp dịch hại - IPM”, “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm, 3 tăng là tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế), “1 phải, 5 giảm” (1 phải là dùng giống lúa xác nhận, còn 5 giảm là giảm lượng nước vừa đủ, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc BVTV và giảm phân bón). Trong đó, yếu tố giảm sử dụng thuốc BVTV luôn là một yêu cầu bức thiết.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất