Ảnh minh họa |
Cho dù chồng/ vợ bạn đã nói hoặc làm cái gì đó khiến bạn bị tổn thương. Nó có thể là chuyện nhỏ hoặc có thể là một sự phản bội khủng khiếp. Bằng nhiều cách, lòng tự trọng của bạn gầm thét lên: ta phải trả thù! Có khi không trả thù ngay lập tức mà bạn biến nó thành một thứ "bảo bối" mai phục một thời cơ. Nhưng nếu bạn mong muốn một cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững thì đừng làm như vậy. Có những cách hay hơn.
Chỉ nói chuyện khi cả hai đồng ý
Nếu bạn cảm thấy quá bức xúc cần phải nói chuyện ngay lập tức với kẻ có lỗi, bạn cần phải kìm nén lại, đừng tự ý nêu vấn đề bất cứ lúc nào mình muốn dù đối phương chưa sẵn sàng. Làm như thế không giải quyết được vấn đề mà chỉ tăng thêm thù hận. Bạn hãy chờ cơ hội thuận lợi để bàn luận một cách ôn hoà. Đó là hàn gắn mối quan hệ chứ không phải để phỉ báng, xúc phạm nhau.
Khi chúng ta đang nóng nảy và tức giận, ta có thể nói hay làm những điều mà về sau phải hối tiếc. Vì thế hãy chờ đến khi tâm trạng bạn ổn định, tìm được một cơ hội thích hợp hãy nói đến chuyện đó. Như thế sẽ tạo điều kiện cho bạn tìm kiếm một giải pháp, hơn là chỉ cần một dịp “xả” nỗi tức giận của mình. Nếu chồng hay vợ bạn cần đợi một vài ngày để cảm xúc dịu xuống, bạn không nên đòi phải nói chuyện ngay. Nếu bạn là người có lỗi, cũng không nên sử dụng một lời xin lỗi ngắn gọn để tránh một cuộc nói chuyện nghiêm túc. Tốt nhất là đợi cho cái đầu “hạ hoả” hãy nói chuyện mới có thể đi đến kết quả mong muốn.
Khoanh hẹp phạm vi nói chuyện
Tại một thời điểm chỉ nói một vấn đề. Bạn đừng liệt kê một danh sách tội lỗi từ ngày nảo ngày nào nhằm hạ gục đối thủ. Một khi muốn giải quyết vấn đề hiện tại, bạn hãy quên chuyện cũ đi. Lưu ý rằng không đưa ra một lô tội lỗi của người kia, cũng không nên nêu lên một loạt ưu điểm của mình. Làm như thế chỉ đào sâu thêm cái hố ngăn cách giữa hai người. Bạn đừng nghĩ rằng đây là dịp thanh toán tất cả những sai lầm của người bạn đời và yêu cầu họ phải sửa chữa. Nó chỉ làm người ta chán nản, vì vượt quá khả năng của họ. Bạn chỉ nên đưa ra một vấn đề giải quyết tại thời điểm này. Mục đích là làm sao cho mối quan hệ tốt hơn chứ không phải là xấu đi.
Đừng nén chặt nỗi ấm ức trong lòng
Cần chia sẻ những nỗi buồn của nhau mà có thể trong cuộc sống bận rộn bạn đã không có thì giờ chia sẻ. Làm sao để người này hiểu được nỗi lòng của người kia. Sẽ đến lượt bạn nói những đau đớn mà bạn trải qua hoặc làm bạn cảm thấy chán chường. Đây cũng là cơ hội để người có lỗi giải thích tại sao họ mắc sai lầm. Nếu bạn thông cảm được và có biện pháp khắc phục thì đó chính là cách bạn đi về phía giải quyết vấn đề.
Làm cho quan hệ trở nên thân mật hơn
Đôi khi chúng ta chỉ nhìn thấy những thiệt thòi của mình mà mất tầm nhìn về một viễn cảnh tương lai. Có những cuộc hôn nhân tan vỡ do cãi nhau chỉ vì không tìm thấy cái bàn chải đánh răng hay thiếu giấy vệ sinh ... những chuyện hết sức lặt vặt. Bạn hãy xếp những chuyện đó lại nếu bạn vẫn còn yêu. Khi người ta yêu thì người ta dễ nghĩ người kia có cái đúng của họ.
Hãy sống với tấm lòng độ lượng
Nếu bạn định sống với ai 20, 30, 50 năm sau, thì tin chắc bạn sẽ phải tha thứ nhiều lần. Tại sao bạn nên tha thứ? Thù hận không chỉ làm đau người bạn đời của bạn, mà nó làm đau chính bạn! Triết gia Corrie Ten Boom từng nói: "Tha thứ là phóng thích kẻ tội phạm mà cũng là giải phóng chính mình”. Trong thực tế có những nỗi đau dường như không bao giờ quên được nhưng thời gian và sự độ lượng sẽ cho nó đi vào quên lãng. Đừng chỉ nghĩ đến trừng phạt hay làm cho vết thương lở loét. Nhiều khi trừng phạt không kết quả mà tha thứ lại thành công.
Thời gian và thêm thời gian nữa
Lầm lỡ là một quá trình và sửa chữa nó cũng cần một quá trình. Vì vậy cần phải có thời gian chứ không thể đòi hỏi người khác phải sửa chữa ngay lập tức. Nếu ai đó nói là tôi đã sửa chữa rồi và chắc chắn từ nay không thế nữa, bạn đừng vội tin. Có thể lời hứa của họ chỉ là giải pháp tình thế. Hãy cho họ thời gian, tất nhiên là có hạn và theo dõi họ có biến chuyển thật sự hay không.