| Hotline: 0983.970.780

Tại Việt Nam, góa phụ Mỹ gặp lại người bắn hạ chồng mình

Thứ Bảy 15/06/2019 , 13:15 (GMT+7)

Câu chuyện xúc động đăng trên tạp chí quân sự Military.com về một góa phụ Mỹ sang Việt Nam tưởng niệm người chồng đã chết trong chiến tranh.

Bà gặp được chính người đã bắn hạ chiếc trực thăng của chồng mình. Nhưng sau tất cả, bà không hề cảm thấy giận dữ, thay vào đó là lòng biết ơn…

Đó là một khoảng trống nhỏ trên cánh đồng mía bên ngoài Thon Ba, một thôn nhỏ ở Việt Nam.

Hattie Ford, một giáo viên dạy toán ở Kalamazoo đã về hưu, đứng bên cánh đồng mía và nhìn ra xung quanh. Đã 50 năm kể từ khi cuộc đời bà thay đổi mãi mãi. Trung úy lục quân Deane Taylor Jr., chồng đầu tiên của Hattie bị bắn hạ khi đang điều khiển một trực thăng của quân đội Mỹ và thiệt mạng ngay tại cánh đồng mía này vào ngày 15/1/1969.
 

Góa phụ 22 tuổi

Hattie gặp Deane năm1964 khi cả hai học năm thứ nhất đại học tổng hợp Georgia. Cuối năm học đó, Deane bỏ học. “Trường lớp không phải là chỗ dành cho anh ấy”, Hattie nói. Deane có kế hoạch khác: anh muốn trở thành doanh nhân, tiếp quản cơ sở đại lý đồ gia dụng của gia đình ở Atlanta. Nhưng rồi anh bị gọi vào lính.

22-14-03_1
Hattie và Deane lấy nhau năm 1967. Ảnh gia đình.

Hattie và Deane lấy nhau tháng 6/1967. Được huấn luyện để trở thành một phi công trực thăng, Deane tới Việt Nam vào tháng 12/1968, hai tháng trước khi bị bắn hạ.

Cái chết của Deane là cú đánh trời giáng vào Hattie. Cô trở thành góa phụ khi mới 22 tuổi.

Và bây giờ Hattie ở Việt Nam để tưởng nhớ Deane. Bên cạnh bà là Jim Ford, người chồng thứ hai đã kết hôn 43 năm, cũng là người dàn xếp chuyến đi.

Cùng có mặt ở cánh đồng mía với Hattie là hai cựu binh Việt Cộng, bao gồm cả người bắn hạ Deane. Người phiên dịch kiêm hướng dẫn viên địa phương đã hỏi xung quanh Thon Ba để tìm xem có ai còn nhớ một máy bay trực thăng bị bắn hạ vào tháng 1/1969 hay không. Vì đây là thôn nhỏ nên khá nhanh chóng đã có người biết chuyện và dẫn hai người đàn ông này tới.

Họ đưa bà Hattie và ông Jim theo lối mòn ra tới một bờ sông. Rồi họ đi tới khoảng trống trên đồng mía. Một trong hai người đàn ông chỉ về nơi chiếc trực thăng rơi xuống. Thông qua người phiên dịch, người đàn ông mặc áo xanh dương nói hôm đó trời nhiều mây ngậm hơi nước nên trực thăng phải bay thấp và lực lượng Việt Cộng có cơ hội bắn hạ. Chiếc trực thăng bốc cháy và ba người Mỹ trên máy bay không qua khỏi. “Ông ấy không nói ông là người bắn và tôi cũng không hỏi điều đó cụ thể, nhưng tôi có lý do để tin chắc rằng ông ta làm việc đó”, bà Hattie nói.

Không có lời xin lỗi nào được đưa ra về cái chết của Deane. “Đó là chiến tranh và mọi thứ đã là quá khứ. Bây giờ chúng ta là bạn”, người đàn ông Việt Nam còn lại nói thông qua người phiên dịch.

Có bao nhiêu điều đã xảy ra ở Việt Nam và với cả Hattie trong nửa thế kỷ qua.

Sau cái chết của Deane, Hattie cảm thấy “rất trống rỗng, chơi vơi”. “Deane và tôi mới chỉ ở được với nhau một năm rưỡi. Chúng tôi mới chỉ vừa đặt nền tảng cho một cuộc đời bên nhau, cho một mái nhà và một gia đình. Và cái nền tảng ấy thậm chí còn chưa hoàn thiện. Tôi muốn có thêm thời gian”.

Nhưng Hattie cũng nhận ra rằng mình chỉ là một trong nhiều cuộc đời bị chiến tranh xé nát. Cô cố học xong chương trình đào tạo sư phạm ở trường đại học. Tìm được một chỗ dạy học ở quê nhà, cô sống trong một ngôi nhà xe kéo đặt trong trang trại trồng cây thuốc lá của gia đình.

5 năm sau khi Deane chết, cô gặp Jim, một sinh viên luật của đại học Georgia.

22-14-03_2
Ông bà Hattie-Jim.

Anh rất khác Deane. Thâm trầm hơn. Nhưng cũng như Deane, Jim từng là phi công quân sự tham chiến ở Việt Nam. Nhưng khác Deane, Jim kịch liệt phản đối chiến tranh và cho rằng người Mỹ không có việc gì ở Việt Nam cả.

Họ lấy nhau năm 1975 và chuyển tới Kalamazoo sau khi Jim học xong chương trình luật khoa và tìm được việc làm. Họ vẫn sống ở Kalamazoo từ đó đến nay. Hattie làm giáo viên toán ở trường trung học Loy Norrix. Họ có ba người con, và nay đã có 7 cháu.

Đó là một cuộc sống tốt. “Thế giới của tôi đã mở rộng tới mức tôi chưa hề mơ tới điều đó”, Hattie nói.
 

Chuyến đi Việt Nam

Mùa hè năm ngoái, Jim và Hattie bắt đầu nói về một chuyến sang Việt Nam. Hattie muốn thấy nơi Deane chết. Còn Jim tò mò muốn biết nơi ông đã có mặt hơn 40 năm trước. Mất một tháng, Jim mới lùng ra được nơi Deane chết sau khi tra các báo cáo của quân đội Mỹ và định vị trên bản đồ chiến tranh Việt Nam.

Xét nhiều khía cạnh, chuyến đi Việt Nam hồi tháng 1/2019 gây xúc cảm cho Jim nhiều hơn Hattie, theo lời cả hai.  “Đối với tôi trong suốt những năm qua,Việt Nam là một đất nước bị chiến tranh tàn phá, một đất nước nghèo nàn, bụi bặm”, theo lời cựu binh Jim Ford, phi công Mỹ tham chiến ở Việt Nam từ 1970 tới 1973. “Tôi đã rất xúc động khi chứng kiến sự đổi thay”.

Trong suốt chuyến đi, Jim hỏi nhiều người Việt rằng chiến tranh đã tác động thế nào đến gia đình họ.  Khi nghe kể câu chuyện cuộc đời của một góa phụ chiến tranh, ông đã không cầm được nước mắt. “Tôi đã không nhận thấy tôi mang nhiều gánh nặng như thế”, Jim  nói. Ông đã thu xếp chuyến đi tới Thon Ba nhân dịp tưởng niệm 550 năm ngày Deane qua đời.

22-14-03_3
Jim, Hattie và hai người đàn ông Việt Nam, những cựu binh bên kia chiến tuyến.

“Điều chúng tôi không ngờ là tìm thấy người đàn ông nhớ chi tiết  về vụ việc bởi vì ông ta là người đã bắn chiếc máy bay, giết chết ba người Mỹ”, Hattie nói. “Và tôi đứng đó với ông ta tại nơi xảy ra sự việc 50 năm trước”. Điều đó thật phi thường, cả Jim và Hattie nói.

Đêm đó, Hattie đã viết ra những suy nghĩ của mình. Bà cảm thấy “không đau buồn cũng không giận dữ”. Thứ mà bà cảm  thấy là lòng biết ơn. Biết ơn những người lính Việt Cộng đã “xếp quá khứ sang một bên và giúp những người từng là kẻ thù có được một phút tưởng niệm đặc biệt”, bà viết. Bà biết ơn Jim vì đã thu xếp chuyến đi. Chuyến đi cũng khép lại một số thứ, theo lời Hattie.

“Tôi đã đến được nơi Deane trải qua giây phút cuối đời mình, giành một phút tưởng nhớ anh ấy”, bà nói. “Chiến tranh Việt Nam thật là kinh khủng. Chiến tranh là thứ gớm ghiếc. Mọi người đau khổ. Đó là một phần lịch sử của chúng ta. Nhưng đó đã là quá khứ”.

(Kiến thức gia đình số 24)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Nga tuyên bố ‘không đàm phán gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen’

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các đại diện của Nga hiện vẫn chưa sẵn sàng tham gia đàm phán về việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).