| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 11/02/2021 , 17:15 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 17:15 - 11/02/2021

Tạm biệt năm cũ khó quên để bước vào năm mới nhiều ước vọng

Xin tạm biệt năm cũ Canh Tý 2020 và xin chào năm mới Tân Sửu 2021 với niềm tin bất tận về nước non ngàn dặm đang từng ngày thịnh vượng và an khang.

Mùa xuân tràn sức sống ở Nà Ka, huyện Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: Bá Thắng.

Mùa xuân tràn sức sống ở Nà Ka, huyện Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: Bá Thắng.

Vậy là năm Canh Tý 2020 đã thực sự khép lại sau lưng, với rất nhiều ngổn ngang và dang dở. Chẳng ai dám nói bản thân đã thành công tuyệt đối trong năm vừa qua, khi thực dạ nhìn sang những người xung quanh và chân thành nhìn khắp cộng đồng rộng lớn.

Covid-19 đã giáng một đòn quá khủng khiếp xuống chúng ta. Dịch bệnh có khác gì thiên tai, âu lo chia đều cho tất cả và mất mát cũng chia đều cho tất cả. Người ít bị ảnh hưởng hơn, thì cảm thấy mình may mắn để thêm thương yêu thân nhân, bạn bè và chòm xóm.

Việt Nam đã có một cuộc đối mặt ngoạn mục với đại dịch toàn cầu. Những biện pháp khẩn trương của Chính phủ và những hành động tích của người dân, đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia khống chế hiệu quả nhất trước những đợt càn quét của virus corona.

Ba đô thị lớn nhất ở ba miền là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng lần lượt hứng chịu những tác động của Covid-19 và lần lượt chứng minh sức sống mãnh liệt của con Rồng cháu Tiên.

Không ai nao núng, không ai đầu hàng và cũng không ai bị bỏ rơi. Giữa muôn vàn khó khăn Covid-19 vây bủa, bản tình ca bất diệt của tinh thần Việt Nam đã cất lên, hào hùng và trầm lắng, nghĩa tình và bất khuất, trung hậu và ấm áp.

Và tình trạng bình thường mới đã được thiết lập, chúng ta vừa chống dịch vừa lao động, chúng ta vừa ổn định kinh tế vừa nỗ lực sáng tạo. Bài toán tài chính của mỗi người là một câu chuyện nhiều trắc ẩn, nhưng khi bão lụt đổ vào miền Trung thì mọi toan tính ích kỷ đều không còn tồn tại.

Đau thương từ Trà Leng đã được trái tim cả nước xoa dịu. Không chỉ có những chuyến hàng “lá lành đùm lá rách” của các tổ chức nối nhau về Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam… mà còn nổi bật lên hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên lặn lội cứu trợ từng hộ gia đình gieo neo sau trận thiên nhiên thịnh nộ.

Thật sự, năm Canh Tý 2020, người Việt Nam đã trải qua nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Và khi năm Tân Sửu 2021 vừa gõ cửa, thì một đợt bùng phát mới của Covid-19 lại đe dọa cái tết cổ truyền.

Biến chủng SARS- CoV- 2 đem đến hệ lụy khiến nỗi hoang mang chờn vờn bếp lửa giao thừa thiêng liêng của người Việt Nam.

Có mệt mỏi không? Có!

Có bất an không? Có!

Có sợ hãi không? Không!

Người Việt Nam không sợ hãi trước diễn biến phức tạp của Covid-19 trước Tết Tân Sửu. Người Việt Nam sinh ra trong khốn khó. Người Việt Nam rèn luyện trong bom đạn. Và người Việt Nam trưởng thành từ những chật vật và nguy nan. Nhiều khu vực của Hải Dương, Quảng Ninh, Bình Dương, Hà Nội, Gia Lai… đã được phong tỏa để chống dịch. Cái tết lại nhen nhóm yêu thương bằng một nhịp điệu đặc biệt của một dân tộc luôn biết cách trân trọng từng mảnh vườn, từng bờ tre, từng gốc rạ.

Dẫu rằng, bữa cơm tất niên rất quý báu, dẫu rằng ngày tết sum họp rất quý báu. Người Việt Nam tha phương cầu thực luôn mong chờ ngày tết để được trở lại mái nhà ấu thơ. Thế nhưng, không có chuyến bay nào được cất cánh tùy tiện, và cũng không có chuyến xe nào được rời bến vội vàng.

Mọi người đều đắn đo và cân nhắc, cho mình và cho xã hội. Nếu không chắc chắn về một sự bảo đảm hoàn toàn cho công tác chống dịch Covid-19, thì mỗi công dân Việt Nam đều chấp nhận ăn tết xa xứ, lấy quê người làm quê mình, lấy màu vàng hoa mai thay sắc hồng hoa đào, lấy nắng phương Nam thay mưa phùn đất Bắc. Mọi sự gắng gượng thật nhẹ nhàng, mọi sự chia sẻ thật hân hoan.

Một thắc mắc thú vị: Người Việt Nam ở nước ngoài hướng về cội nguồn ra sao khi Tết Nguyên đán réo gọi từng phút giây? Các chuyến bay thương mại đều đang tạm ngưng khai thác, cho nên Việt kiều ở Mỹ hoặc châu Âu năm nay không có cơ hội trở về Việt Nam để ăn tết truyền thống. Ủng hộ chủ trương của Chính phủ, phần lớn người Việt có bà con ruột thịt ở nước ngoài đều kêu gọi thân nhân không nên mạo hiểm đi lại giữa mùa dịch bệnh.

Vì vậy, những Việt kiều có điều kiện kinh tế ổn định, đã thay đổi cách thức chia sẻ hạnh phúc ngày Tết của họ, bằng cách gửi tiền về nước để làm từ thiện.

Một Việt kiều Anh đã viết trên facebook mấy dòng chia sẻ xúc động: “Ở Luân Đôn rất buồn, trong giá lạnh bỗng nhớ da diết không khí tết tại Sài Gòn. Nếu về quê ăn tết, tôi phải bỏ ra chi phí khoảng 5 nghìn USD để đi lại và 5 nghìn USD để cách ly, mà vẫn phập phồng âu lo trở ngại. Tôi quyết định không ăn tết Việt Nam một lần, để dành khoản tiền kia cho ba má tôi giúp đỡ những người khốn khó nơi quê nhà”.

Cũng bởi lý do gắn kết với cố hương như vậy, mà lượng kiều hối của Việt Nam không mấy bị ảnh hưởng trong bối cảnh Covid-19. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối toàn cầu năm 2020 giảm khoảng 7%, mà Việt Nam vẫn nằm trong top 10 những quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất.

Theo con số chưa đầy đủ của các tổ chức tài chính, thì lượng kiều hối người Việt chuyển về nước trong năm 2020 đạt khoảng 15,7 tỷ USD. Nếu so với con số 16,7 tỷ USD của năm 2019, thì kiều hối của Việt Nam trong sóng gió Covid-19 chỉ giảm 1 tỷ USD.

Múa rồng ở lễ hội Tịnh điền ở Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam. Ảnh: Trọng Chính.

Múa rồng ở lễ hội Tịnh điền ở Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam. Ảnh: Trọng Chính.

Đón Tết Tân Sửu 2021, người Việt Nam cũng đón mừng kết quả tốt đẹp của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục đắc cử thêm một nhiệm kỳ, nghĩa là hành trình bài trừ tiêu cực và tham nhũng vẫn tiếp tục nâng cao sức mạnh của bộ máy chính trị.

Mỗi ngày cỏ dại bớt đi thì hoa thơm càng có dịp rực rỡ!

Không còn “tham nhũng vặt” và “ăn quá dày” thì nội lực đất nước sẽ vươn cao, vươn xa mạnh mẽ. Khi hạt thóc thấm đẫm mồ hôi thợ cày được nâng niu thì thành quả to lớn sẽ đưa đất nước hội nhập bền vững với năm châu. Hy vọng lại nối tiếp hy vọng, giá trị sẽ nối tiếp giá trị, tương lai sẽ nối tiếp tương lai.

Tết Tân Sửu 2021 đến đầu ngõ rồi!

Tiếng cười hồn nhiên của trẻ nhỏ và ánh mắt ân cần của người già đang làm thức dậy những khoảnh khắc văn hóa kỳ diệu mà tổ tiên người Việt Nam vun đắp bao đời. Bánh chưng, bánh tét vẫn còn nguyên ước mong no ấm. Cây nêu, câu đối vẫn còn nguyên ước mong bình yên.

Xin tạm biệt năm Canh Tý 2020. Và xin chào năm Tân Sửu 2021 với niềm tin bất tận về nước non ngàn dặm đang từng ngày thịnh vượng và an khang.

Bình luận mới nhất