| Hotline: 0983.970.780

“Tầm nhìn mới trong Nông nghiệp” tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới: Điểm sáng Việt Nam

Thứ Ba 14/06/2011 , 10:15 (GMT+7)

Cách đây 18 tháng, 17 công ty đa quốc gia trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã cùng nhau xây dựng “Tầm nhìn mới cho nông nghiệp”.

Cách đây 18 tháng, 17 công ty đa quốc gia trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã cùng nhau xây dựng “Tầm nhìn mới cho nông nghiệp”. “Tầm nhìn mới” nhấn mạnh vai trò đa dạng và tầm quan trọng của ngành nông nghiệp không chỉ sản xuất sản phẩm hàng hóa mà còn đóng góp phát triển xã hội và đảm bảo cân bằng sinh thái cho loài người trong quá trình công nghiệp hóa và hội nhập toàn cầu.

“Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” nhấn mạnh những thách thức mà loài người đang phải đối mặt hôm nay: Sản xuất nông nghiệp chiếm tới 70% lượng nước dùng và thải ra 30% lượng khí thải các-bon trên toàn cầu. Trong khi đó, trên trái đất hiện có một tỷ người thiếu đói, một nửa trong số đó là nông dân. ¾ người nghèo sống ở nông thôn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2050, nhu cầu lương thực của nhân loại sẽ tăng gấp đôi mức tiêu thụ hiện nay. Tầm nhìn mới hướng đến mục tiêu nâng cao sản lượng nông nghiệp lên 20%, trong khi giảm lượng phát thải các-bon 20% và giảm tỷ lệ đói nghèo xuống 20% sau mỗi thập kỷ trong tương lai.

 Để đạt được mục tiêu trên, Tầm nhìn mới trong nông nghiệp đề xuất các giải pháp như sau: Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo phương thức mới để có thể tháo gỡ các vướng mắc trong toàn chuỗi giá trị từ đầu tư vật tư, tổ chức sản xuất, chế biến và tồn trữ nông sản cho đến thương mại và tiêu dùng. Tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới quản lý được áp dụng để nâng cao giá trị trong toàn chuỗi sản xuất. Bốn yếu tố quan trọng cùng lúc được cải tiến là: đổi mới chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng kết cấu thị trường và áp dựng các công cụ mới về khoa học công nghệ và quản lý. Trong quá trình đó có sự tham gia của các đối tác: các DN quốc gia và quốc tế, nhà nước trung ương và địa phương, các thành phần của xã hội dân sự như các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan truyền thông… Tuy nhiên, đối tượng trung tâm và mục tiêu chính là người nông dân, người sản xuất và kinh doanh nhỏ ở nông thôn.

Việt Nam tiếp xúc với các sáng kiến trong “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” tại Diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á họp tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2010. Có 13 công ty đa quốc gia đã tham dự hội nghị cùng với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Chính phủ Việt Nam đã tỏ rõ cam kết của mình trong việc thực hiện Tầm nhìn mới trong nông nghiệp bằng việc thành lập 5 nhóm công tác gắn với các ngành hàng chính là: chè, cà phê, thủy sản, rau quả và một số ngành hàng chung.

Các thành viên 5 nhóm có đại diện Bộ NN-PTNT và thành viên đến từ 13 công ty đa quốc gia, 1 số công ty trong nước và đại diện một số địa phương. Sau 1 năm làm việc tích cực, cả 5 nhóm đều đạt được những kết quả khích lệ. Nhóm cà phê đã thành lập được 2 điểm trình diễn kỹ thuật và giống mới có chất lượng cao và bền vững về môi trường ở Lâm Đồng và Đăk Lăk với sự tham gia của 60 hộ nông dân. Nhóm chè đã thành lập Hội đồng về phát triển chè tại Phú Thọ và giới thiệu mức tiêu chuẩn chè áp dựng theo quy định của tổ chức “Rừng mưa” hiện đang được Công ty Unilever áp dụng trên toàn thế giới. Xét theo tiêu chuẩn này, Việt Nam đang ở mức 2,6 và dự kiến sẽ nâng lên mức 4,0 sau 5 năm để đưa toàn bộ sản phẩm đạt tiêu chuẩn vào xuất khẩu. Nhóm công tác rau quả đã xác lập khu thực nghiệm khoai tây với sự tham gia của 50 nông dân, thử nghiệm 4 giống mới. Nhóm các ngành hàng tập trung giới thiệu các giống mới của ngô và đậu nành, giới thiệu tiến bộ kỹ thuật về giống biến đổi gien. Nhóm công tác về thủy sản đã trình diễn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản mới đảm bảo kỹ thuật và vững bền về môi trường với sự tham gia của 100 người nuôi cá.

Sáng 12/6/2011, Diễn đàn kinh tế Thế giới về Đông Á họp tại thủ đô Jakarta, Inđônêxia với sự tham dự của 60 đại biểu đến từ 12 quốc gia trên thế giới, đại diện cho các công ty đa quốc gia và các Chính phủ ở Đông Á. Tại Diễn đàn,  Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã giới thiệu kết quả sau một năm họat động triển khai sáng kiến Tầm nhìn nông nghiệp mới ở Việt Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự tham gia tích cực của chính quyền trung ương và địa phương tại các điểm có mô hình trình diễn, nhấn mạnh vai trò chủ động của các công ty phối hợp với nông dân ở cơ sở tham gia các mô hình thử nghiệm và trình diễn.

Đại diện của Cty Metro, ông Brandy Guttery báo cáo kết quả họat động của từng nhóm công tác ở Việt Nam với các tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng tại các mô hình trình diễn, về việc 5 nhóm công tác đã phối hợp với Ngân hàng NN- PTNT VN để cho nông dân vay vốn triển khai sản xuất. Các thành viên tham gia Diễn đàn đã rất chú ý tới các thành công của mô hình tại Việt Nam, về những khó khăn của người nông dân khi tham gia vào chuỗi ngành hàng; trở ngại của lạm phát hiện nay gây ra cho nông dân và doanh nghiệp, khả năng tăng thu nhập thực tế của nông dân sau những thử nghiệm ban đầu. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và các thành viên trong đoàn đã tham gia trả lời các câu hỏi và thảo luận các vấn đề đặt ra.

Phần thứ 2 của Diễn đàn đã diễn ra sôi động với đề xuất cuả Inđônêxia về áp dụng hình thức đối tác công tư như của Việt Nam đã triển khai. Đại diện Chính phủ Inđônêxia đã đưa ra sáng kiến mới về thực hiện Tầm nhìn mới trong nông nghiệp để triển khai các chương trình liên kết công tư tại Inđônêxia với 8 công ty đa quốc gia. Một số ngành hàng trọng tâm có thế mạnh của Inđônêxia như dầu ăn, ca cao, cao su… sẽ được cải thiện cả về đầu tư, sản xuất và thương mại. Như vậy, trên thế giới đã có 4 nước tham gia vào sáng kiến Tầm nhìn mới cho nông nghiệp. Đó là: Tanzania, Việt Nam, Mexicô, và Inđônêxia. Các kết quả đáng khích lệ này sẽ được đưa ra trình bày trong các Diễn đàn Thế giới đóng góp vào nỗ lực chung để giải quyết vấn đề an ninh lương thực và biến đổi khí hậu toàn cầu trong thời gian tới.

Cùng với những thành tựu của Việt Nam về phát triển nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo, sau một năm hoạt động có kết quả “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” - đối tác liên kết công tư đã trở thành điểm sáng mới của nông nghiệp Việt Nam. Tại Diễn đàn này đã diễn ra nhiều cuộc gặp song phương giữa các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Metro và đại diện Diễn đàn kinh tế Thế giới với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhằm đưa ra các sáng kiến cụ thể để thu hút thêm nông dân, doanh nghiệp và đưa ra giới thiệu với các nước muốn tham gia sáng kiến này.

Chiều ngày 12/6, tại Diễn đàn đã diễn ra cuộc họp toàn thể do Tổng thống Inđônêxia Susilo Bambang Yudhoyono và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chủ trì. Hai nhà lãnh đạo đã đề cập đến những vấn đề chính mà các nước châu Á đang phải đương đầu và đề cao giải pháp liên kết công tư như là công cụ hữu hiệu và huy động vai trò kinh tế thị trường vào xử lý các vấn đề trên.

Ngay sau phiên họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát và Thứ trưởng Bộ Thương mại Inđônêxia đã cùng đại điện nông dân Inđônêxia, đại diện lãnh đạo của 2 tập đoàn Metro và Unilever tham dự phiên tọa đàm do Đài Truyền hình Đức thực hiện. Nội dung của cuộc tọa đàm này chủ yếu xoay quanh vấn đề an ninh lương thực toàn cầu. Các thành viên tham dự đã thảo luận sôi nổi về vai trò của các đối tác đóng góp vào chuỗi giá trị sản xuất lương thực, về cách thức các bên liên quan giải quyết mâu thuẫn và chia sẻ quyền lợi trong mối quan hệ cung cầu lương thực.

Cũng tại Diễn đàn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trao đổi và trả lời các câu hỏi của các thành viên tham dự về chính sách và thành tựu sản xuất lương thực và xóa đói giảm nghèo của Việt Nam trong thời gian qua. Rất nhiều lần bài học kinh nghiệm của Việt Nam được nêu lên như là một ví dụ về cách phối hợp hiệu quả giữa quản lý nhà nước và điều hành thị trường.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm