| Hotline: 0983.970.780

Tâm sự người bán thịt gà thải

Thứ Năm 22/11/2012 , 09:37 (GMT+7)

“Làm nghề thịt gà cung cấp cho nhà hàng, quán ăn ngót chục năm qua, nhưng thú thật với chú chưa khi nào gia đình tôi ăn thịt một con gà trọc của TQ. Tôi khuyên chú chân thành, đừng ăn loại gà này vì có nhiều vấn đề liên quan đến nó không thể giải thích nổi”.

“Làm nghề thịt gà cung cấp cho nhà hàng, quán ăn ngót chục năm qua, nhưng thú thật với chú chưa khi nào gia đình tôi ăn thịt một con gà trọc của TQ. Tôi khuyên chú chân thành, đừng ăn loại gà này vì có nhiều vấn đề liên quan đến nó không thể giải thích nổi”. Một người chuyên làm nghề thịt gà trọc tại Bắc Ninh tâm sự với tôi như vậy.

>> Bấn loạn vì gà lậu


Gà trọc tại nhà anh Công ở Cẩm Giàng, Hải Dương

SỐNG DAI NHƯ GÀ… TRỌC

Phải mất thời gian khá dài thân quen người chuyên làm nghề thịt gà thải tên là B tại phường Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) chúng tôi mới được dịp nghe anh ta kể những điều bí ẩn liên quan tới con gà trọc từ bên kia biên giới. Anh B chia sẻ, bên TQ gà trọc hay gà đẻ hết trứng là một dạng đồ thải nên bán rẻ như bèo, ngay tại biên giới có 10.000 - 15.000 đồng/kg. Nhưng khi đến tay người tiêu dùng nước ta giá loại gà này lại không hề rẻ tí nào. Bản thân anh B hiện vẫn phải mua với giá 60.000 - 70.000 đồng/kg mà hàng đang hiếm do vừa qua báo chí đưa tin nhiều nên trên biên giới làm chặt hơn.

Anh B cho biết, tại Bắc Ninh có hai đầu mối chuyên nhập gà trọc từ biên giới về bán lại cho những hộ làm nghề thịt gà như anh, nhưng mọi giao dịch đều diễn ra bất chợt ở ngang đường dọc sá vào ban đêm chứ tuyệt nhiên không có nơi cố định nào cả nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện và bắt giữ. Tôi thắc mắc tại sao mặt hàng gà thải loại bên phía TQ bán rẻ như cho mà về Việt Nam lại đắt vậy? Nghe xong, B cười và bảo do chi phí làm luật từ biên giới về đến các địa phương rất lớn nên phải bán với giá đó mới bù đắp được. Mặt khác, do phong tục văn hóa, tập quán dân Việt mình thích ăn thịt gà dai dòn nhưng thực chất toàn ăn những thứ các nước khác họ vứt đi hoặc làm thức ăn chăn nuôi.


Cận cảnh gà trọc nhập lậu từ TQ

Làm nghề ngót mười năm trời, “hóa kiếp” không biết bao nhiêu vạn gà trọc nên anh B hiểu rõ “nội tình” con gà trọc nằm lòng bàn tay. Anh B nói thẳng, sở dĩ cánh thợ thịt khoái gà trọc TQ vì khi mổ ra tỷ lệ hao hụt bao giờ cũng thấp hơn các giống gà thải loại của ta nên lợi nhuận cao. Nhưng điều khiến anh B không giải thích nổi ở con gà trọc là chúng sống dai một cách lạ thường. Chiếc thùng chuyên dụng anh B vẫn dùng để chở gà nếu là gà thải loại mua của các công ty trong nước chỉ nhốt được tối đa 8 con, nếu không chở nhanh từ chỗ mua về nhà có khi gà chết sạch. Ngược lại, giống gà trọc TQ vẫn cái lồng đó nhồi nhét đến 12 - 14 con, chở đi hàng chục cây số giữa trời nắng song lũ gà vẫn chẳng hề hấn gì? Thậm chí, có ông khách tới nhà anh mua gà trọc còn cho hẳn vào cốp xe máy chở về quê hàng chục cây số mà gà vẫn sống. Từ đó, anh B nghi có khả năng giống gà thải loại của TQ được cho ăn hoặc tiêm chất gì đó mới khỏe kỳ lạ đến vậy?

Một điểm kỳ lạ khác của gà trọc TQ là khi mổ ra buồng trứng gần như teo lại trong khi gà thải loại trong nước nhiều lúc mua về chưa kịp thịt có con đẻ cả trứng ra lồng. Nhiều người đặt dấu hỏi, có phải do gà trọc TQ được tiêm thuốc kích thích để đẻ hết trứng nên trong quá trình vận chuyển mới không bị chết? “Bản thân anh là thằng rất tò mò, nhiều lần sau khi mổ gà song anh thử cắt diều những con gà trọc ra thấy chúng ăn thứ gì đó như hạt vừng đen chứ không ăn cám hay thóc gạo như gà của ta. Chẳng qua là do nhu cầu xã hội và miếng cơm manh áo anh mới thịt giống gà này bán chứ làm nghề ngót 10 năm qua chưa khi nào anh ăn thịt giống gà này và anh cũng quán triệt người trong gia đình, bạn bè không nên ăn” - anh B bộc bạch.

Qua chia sẻ của một số lái buôn, chúng tôi lần về một đầu mối chuyên mua lẻ và bán gà trọc TQ tại xã Cao An, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương để tận mắt chứng kiến xem con gà trọc như thế nào. Chủ cơ sở này tên Công, chuyên cung cấp gà trọc cho hội đám, nhà hàng, quán ăn tại Hải Dương. Chỉ vào đàn gà trọc trụi lông xơ xác, Công bảo tôi đừng khinh thường vì trông vậy thôi nhưng giống gà này khỏe như voi, tha hồ quăng quật mà không bao giờ bị chết như gà thải loại mua trong nước. Công cho biết, trước giá gà thải loại TQ chỉ 60.000 đồng/kg, nay do biên giới làm chặt gà khó về hơn nên giá bán tăng lên 70.000 đồng/kg, muốn mua bao nhiêu cũng có, nhưng phải đặt hàng trước.

Bỏ ra hơn 100.000 đồng mua lại của Công một con gà thải loại chừng 2 kg, tôi thử mổ ra xem có thực như lời anh B ở Bắc Ninh nói không thì quả thực gà ít mỡ, buồng trứng đã teo và chuyển sang màu thâm đen. Lục phủ ngũ tạng trong tình trạng như bị xuất huyết, gan bở nát. Vậy không hiểu tại sao gống gà trọc của TQ lại sống khỏe một cách lạ thường đến vậy?


Anh Công phải bịt khẩu trang mới dám bắt gà cho khách


Nội tạng, buồng trứng gà thải loại sau khi mổ đều bị thâm đen

PHÁT HIỆN BÁO ĐỘNG!

Việc gà thải loại có tồn dư hóa chất độc hại, kim loại nặng hay không đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục vào cuộc. Nhưng gà loại thải có tồn dư kháng sinh đến thời điểm này đã có thể khẳng định bởi Chi cục Thú y TP Hà Nội cho biết vừa kiểm tra 5 mẫu gà thải loại nhập lậu tại chợ gia cầm Hà Vỹ về tồn dư chất kháng sinh cho kết quả: 100% số mẫu có tồn dư chất Sulfadiazin, cao hơn 7 - 19 lần mức cho phép. Sulfadiazin là một chất tẩy giun sán, nếu hàm lượng ở mức cao sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Ngoài ra, Chi cục Thú y Hà Nội cũng đã lấy mẫu xét nghiệm lưu hành virus cúm gia cầm trên đàn gà thải loại tại chợ Hà Vỹ. Kết quả xét nghiệm 480 mẫu Swabs gộp, trong đó có 44 mẫu dương tính với virus cúm A (chiếm 9,2%) và 3 mẫu dương tính với virus cúm A/H5N1 (chiếm 0,62%). Từ đó cho thấy, gà loại thải chính là một kênh làm lây lan dịch cúm gia cầm trong thời gian qua.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, thực tế khi kiểm tra tình hình dịch bệnh trên gia cầm cho thấy, dọc theo Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn về Hà Nội, cứ chỗ nào gà lậu đi qua là chỗ đó dịch CGC bùng phát và khiến người nuôi gà khốn khổ theo. Chính vì vậy, việc cho gà giống hay gà thải loại TQ vào Việt Nam dưới bất cứ hình thức nào theo ông Trọng đều không tốt và gây hại cho nền chăn nuôi trong nước.

Trong một cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, qua kiểm tra các mẫu gà nhập lậu phát hiện mẫu dư lượng thuốc kháng sinh quá giới hạn cho phép chiếm tới 20%. Vì gà loại thải luôn tiềm ẩn nguy cơ không an toàn cả về sức khỏe và dịch bệnh nên cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc nhập lậu và kiên quyết tiêu hủy khi bắt được, đồng thời khuyến cáo rộng rãi cho người dân biết để cân nhắc khi sử dụng.

Theo dõi sát sao ngành chăn nuôi thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam chia sẻ, dư luận thật bình tĩnh trước thông tin gà thải loại TQ có tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng cho phép. Bởi tại các nước phát triển hoặc ngay như phía TQ, gà thải loại vẫn được bày bán, tuy nhiên, phải thừa nhận người dân các nước gần như không tiêu thụ loại gà này. Nói gà thải loại có nguy hại gì tới sức khỏe người tiêu dùng hay không, theo ông Vang cần phải tiến hành phân tích, lấy mẫu mới có thể khẳng định. Tuy nhiên, về hàm lượng dinh dưỡng gà thải loại không thể bằng gà non, gà tơ và các nước phát triển đều coi gà thải loại thuộc nhóm thực phẩm có nguy cơ cao với sức khỏe con người. Vì vậy, nếu được phép lưu hành thịt gà thải loại phải ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ để người dân cân nhắc chọn lựa.

Còn theo PGS.TS Hoàng Văn Tiệu, nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi Quốc gia, việc gà thải loại không những có đất sống, thậm chí sống khỏe tại Việt Nam liên quan đến thói quen, phong tục văn hóa của ta. Trong khi các nước phát triển ăn uống theo chế độ khoa học sao tốt nhất cho sức khỏe mà vẫn cung cấp đủ năng lượng thì dân Việt mình lại ăn uống theo sở thích nên thịt gà loại thải trở thành món khoái khẩu của nhiều người vì da dòn, dai, ăn đã miệng. Chính vì vậy, mới có chuyện gà thải loại bên nước khác là mặt hàng thực phẩm hạn chế sử dụng nhưng tại Việt Nam chúng vẫn được bán với giá 60.000 - 70.000 đồng/kg, đắt hơn nhiều loại giống gà non khác.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm