| Hotline: 0983.970.780

Tám tháng Ba không quà!

Thứ Sáu 08/03/2019 , 08:51 (GMT+7)

Vượt qua những rào cản gia đình và định kiến xã hội, anh chị đến với nhau bằng tình yêu chân thành và dắt díu nhau đến một nơi xa xứ để lập nghiệp, tạo dựng cuộc sống mới, với hai bàn tay trắng. Một món quà tặng vợ nhân ngày 8/3 nghe có vẻ xa vời quá!

10-09-22_nh_tm_thng_b_-_1
Ảnh minh họa

Anh là một người đàn ông tốt, sống chan hoà, tình cảm và giàu ý chí, nghị lực. Chị là một người đàn bà đa cảm, đã từng trải qua những sóng gió, vụn vỡ cuộc đời nên luôn cảm thấy trân trọng những giây phút sống bên anh. Hai người như hai cây xương rồng bé nhỏ giữa sa mạc, tựa vào vai nhau và nắm chặt tay nhau mà sống. Cuộc sống của họ vì thế mà hoá giản đơn, bình dị, chẳng rực rỡ sắc màu và lấp lánh ánh sáng của phù du.

Ngày 8/3 đầu tiên kể từ khi rời thành phố xa hoa tráng lệ, lạ nước lạ cái, chị phải đi làm thêm, còn anh thì vùi đầu vào máy tính để tìm kiếm đề tài và xách xe rong ruổi trên những con đường, từng góc phố nhỏ để tìm hiểu hơi thở cuộc sống nơi đây mà hoà mình vào bắt nhịp để phấn đấu và tạo dựng một tương lai hoàn toàn mới.

Đêm về lạnh lẽo, trên đường đón chị tan ca, nhìn những cặp vợ chồng, tình nhân nhộn nhịp bên những hoa, những quà, chị thoáng chạnh lòng nhưng hẳn lòng anh sẽ cảm thấy nặng trĩu nỗi buồn nhiều hơn chị. Bởi từ trước đến nay, anh luôn là người chồng yêu thương, nuông chiều vợ, khá chu đáo và tâm lý, nhất là những dịp lễ, kỷ niệm như thế này!

Thế nhưng trong tay hai người chỉ còn vỏn vẹn 150 ngàn đồng khi đã nộp tiền trọ xong, nên chi tiêu việc gì cũng phải cân đo đong đếm, nhín nhịn. Vòng tay chị như xiết chặt anh hơn để cảm nhận hơi ấm của nhau, xua tan giá lạnh và cả nỗi thèm thuồng những bó hoa, món quà lung linh ngoài kia.

Đoạn đi qua một con hẻm nhỏ, chị thỏ thẻ: “Tối giờ anh ăn gì chưa?”. Anh lắc đầu: “Em đi làm, một mình anh cảm thấy ăn không ngon”. Thế là chị móc trong túi tờ 20 ngàn do một cô khách lớn tuổi, thương tình cho do không nhận tiền thừa khi thối lại mua một ổ bánh mì thịt và một ly sữa đậu nành cho anh.

8/3 tại căn nhà trọ, hai vợ chồng chia nhau nửa ổ bánh mì và uống chung một ly sữa đậu nành. Ấy thế mà ấm áp, ngọt ngào xen lẫn vị cay cay. Lâu lâu thi thoảng nhớ lại, anh bỗng thảng thốt: “Tui không nghĩ có lúc đời tui cũng “chó” đến thế. Vì bà mà tui phải khổ! Tui không nghĩ cũng có lúc túi tui sạch rỗng, chỉ còn đúng 150 ngàn. Nên dù sau này có khổ, có nghèo đến đâu tui cũng chịu được. Tui chẳng sợ gì miễn là có bà bên cạnh”.

Những lúc ấy chị chỉ biết mỉm cười: “Ông xã à! Anh là là món quà vô giá của đời em! Nếu không có anh xuất hiện để xoa dịu những vết thương tổn và nỗi đau trong quá khứ thì có lẽ em đã gục ngã trước những biến cố, sóng gió của cuộc đời! Cảm ơn anh, người đàn ông có tấm lòng vị tha, giàu ân nghĩa”.

Và giờ khi nhớ lại những gì đã qua, cả hai vợ chồng tự nhủ phải yêu thương nhau thật nhiều, hy sinh và tha thứ cho nhau nhiều hơn để nắm chặt tay nhau đi đến trọn con đường. Cũng kể từ ngày 8/3 không quà năm ấy mà chị không cho anh mua bất cứ món quà xa xỉ nào vào những dịp lễ, dù cuộc sống bây giờ cũng đã khá hơn.

Cả hai cùng cam kết nhau rằng, hãy xem tất cả những ngày trong năm là dịp lễ, kỷ niệm và ngược lại; để sống vui, sống có ích và sống có ý nghĩa hơn.

Có trải qua những tháng ngày khó khăn, thiếu thốn, chúng ta mới càng thêm thấu hiểu, trân trọng thời gian, tiền bạc và cả những người yêu thương. Dù trong nghèo túng hay giàu sang thì ta hãy cứ sống và làm việc với tất cả sự nỗ lực và trái tim. Tiền bạc rồi cũng sẽ hết, lúc đầy lúc vơi, duy chỉ có nghĩa tình trước sau là sống mãi theo thời gian…

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất