| Hotline: 0983.970.780

Tạm trữ, cấp đông, mở lối thoát cho chăn nuôi lợn!

Thứ Năm 30/05/2019 , 15:10 (GMT+7)

Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT và các bộ ngành liên quan khẩn trương triển khai việc mua tạm trữ, cấp đông thịt lợn.

Đây được kỳ vọng là giải pháp mở ra lối thoát cho chăn nuôi lợn trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã và đang diễn biến hết sức phức tạp.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá: Một trong những giải pháp có thể hỗ trợ tích cực cho việc kiểm soát DTLCP hiện nay, đó là cần đẩy mạnh việc giết mổ, lưu thông và tiêu thụ lợn thịt sạch, không bị nhiễm bệnh DTLCP và đã tới tuổi xuất chuồng.

Trước tình hình này, việc mua để giết mổ, cấp đông dự trữ thịt lợn là một trong những giải pháp quan trọng mà Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT và các bộ ngành liên quan bắt tay triển khai trong thời gian tới.

Cần có các giải pháp hỗ trợ đồng bộ, khả thi cho các DN tham gia tạm trữ, cấp đông thịt lợn.

Hiện tại, Bộ NN-PTNT cũng đang gấp rút ban hành hướng dẫn việc giết mổ, vận chuyển lợn không bị DTLCP ở trong và ngoài vùng dịch nhằm tăng nhu cầu lưu thông và tiêu thụ tức thì.
 

Lợi đủ đường

Theo ông Dương, hiện nay, các nước xung quanh Việt Nam cũng có DTLCP như Trung Quốc, Camphuchia, giá thịt lợn của họ vẫn đang giữ ở mức cao, cụ thể giá lợn hơi Trung Quốc hiện giao động khoảng trên 50 nghìn đồng/kg, Campuchia khoảng 58-60 nghìn đồng/kg, trong khi giá lợn hơi tại nước ta hiện chỉ còn xoay quanh từ 30-35 nghìn đồng/kg.

Việc giá lợn hơi của Việt Nam hiện quá thấp, có nguyên nhân do tâm lí người tiêu dùng hiện nay vẫn chưa thực sự sử dụng thịt lợn một cách bình thường như nhu cầu thực sự vốn có.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chăn nuôi bán tháo lợn để “chạy” dịch, khiến nguồn cung tăng cục bộ trong ngắn hạn. Điều này có thể dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn vào những tháng cuối năm 2019 là hiển hiện. Đây là những khó khăn không nhỏ cho chính người chăn nuôi lẫn công tác phòng chống DTLCP.

Trước tình hình này, việc triển khai thu mua tạm trữ, cấp đông thịt lợn là chủ trương, giải pháp có ý nghĩa tích cực không chỉ nhằm tăng tiêu thụ, mà còn có nhiều ý nghĩa.

Một là giúp tiêu thụ lợn thịt đã đến tuổi xuất chuồng, làm giảm mật độ lợn hiện có, qua đó giảm các nguy cơ lây lan dịch bệnh, giảm áp lực cho phòng chống dịch, bởi trên thực tế lượng lợn hơi đến tuổi xuất chuồng hiện nay đang rất nhiều trong dân do không tiêu thụ được trong thời gian kéo dài.

Hai là chúng ta có thể dự trữ được một lượng thịt lợn để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng ở các tháng cuối năm 2019. Bởi theo tính toán, các tháng cuối năm giá lợn sẽ tăng cao do nguồn cung khan hiếm.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của DTLCP nên giá thịt lợn thế giới như Mỹ, Brazil, một số nước Châu Á.... cũng đang tăng đáng kể, có thể gây khó khăn ngay cả đối với việc NK thịt lợn.

Bên cạnh đó, trong kịch bản DTLCP tiếp tục phức tạp kéo dài, lây lan ra diện rộng, việc chủ động triển khai mua dự trữ, cấp đông thịt lợn để “chạy trước dịch” đối với nguồn lợn thịt đang còn khỏe mạnh sẽ góp phần giảm tải áp lực cho kinh phí hỗ trợ tiêu hủy.

Bởi tình huống xấu, thay vì kinh phí nhà nước phải bỏ ra để tiêu hủy lợn cho người dân trung bình 38 nghìn đồng/kg, việc mua tạm trữ để “chạy dịch” khi lợn còn khỏe mạnh, sẽ giúp người dân vừa hạn chế thiệt hại, mà nhà nước cũng không phải gánh kinh phí hỗ trợ tiêu hủy lợn quá lớn.

Đồng thời, điều này còn có ý nghĩa rất lớn để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường do tiêu hủy lợn với số lượng lớn, trên diện rộng, đặc biệt là khi mùa mưa đang đến gần.
 

Cần nhiều chính sách hỗ trợ DN

Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng: Trên thực tế, việc thu mua tạm trữ, cấp đông thịt lợn đã từng được đề cập và triển khai trong đợt “giải cứu” thịt lợn năm 2017 nhằm bình ổn, tăng cầu tiêu thụ.

Theo đó, cũng đã có một số DN vào cuộc, tuy nhiên số lượng DN lẫn số lượng thu mua tạm trữ còn rất hạn chế, hiệu quả theo đánh giá chưa thực sự như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ cho DN tham gia mua tạm trữ. Vì vậy, DN mua tạm trữ chịu nhiều thiệt thòi về chi phí do giá mua vào cao; chi phí tiền điện cấp đông; hao hụt trong quá trình cấp đông (khoảng 5%) khiến giá bán phải đội lên...

Cấp đông tạm trữ thịt lợn được kỳ vọng sẽ mở lối thoát cho chăn nuôi lợn trong bối cảnh DTLCP tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trong khi đó vào cuối năm 2017 khi sản phẩm tạm trữ đưa ra tiêu thụ thì giá thịt lợn trên thị trường lại không tăng do nguồn cung thịt lợn vẫn dồi dào, trong khi đó thị hiếu người tiêu dùng đối với thịt cấp đông vẫn rất hạn chế...

Vì vậy từ kinh nghiệm của đợt tạm trữ năm 2017, giải pháp để việc triển khai thu mua tạm trữ, cấp đông thịt lợn được khả thi, có hiệu quả hiện nay, đó là cần có những chính sách hỗ trợ đồng bộ cho DN tham gia tạm trữ.

Một là cần có chính sách hỗ trợ về giá thu mua lợn cho các DN đủ điều kiện tham gia mua tạm trữ. Theo đó, kinh phía nhà nước cần hỗ trợ trực tiếp ở mức nhất định cho DN thu mua tạm trữ, ví dụ: Gía thu mua lợn theo thị trường hiện nay là 35 nghìn đồng/kg, thì nhà nước hỗ trợ 5 nghìn đồng hay 10 nghìn đồng/kg để DN chủ động thu mua giết mổ theo năng lực cấp đông.

Hai là các cơ quan về thú y cần có chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ các chi phí về kiểm dịch, lấy mẫu xét nghiệm DTLCP đối với các cơ sở chăn nuôi cung cấp nguồn lợn thịt cho các DN thu mua lợn tạm trữ. Làm sao đảm bảo hướng dẫn, giới thiệu cho các DN tiếp cận với các cơ sở chăn nuôi có lợn sạch bệnh, âm tính với DTLCP, an toàn, đủ điều kiện xuất bán cho DN tham gia thu mua tạm trữ, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình vận chuyển, giết mổ, cấp đông của DN...

Ba là khi DN đưa sản phẩm thịt lợn cấp đông tạm trữ ra tiêu thụ (vào thời điểm khan hiếm cần tiêu thụ), cần có chính sách đưa thịt lợn cấp đông tạm trữ vào diện được bình ổn giá, đồng thời tăng cường công tác truyền thông để người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng, ủng hộ tiêu thụ thịt lợn tạm trữ trong nước.

Ở Trung Quốc, thịt lợn hiện nay là mặt hàng dự trữ quốc gia thiết yếu, được giết mổ cấp đông. Vì vậy về lâu dài, nhất là khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, Việt Nam sẽ có những cơ sở pháp lý để đề xuất đưa mặt hàng này vào nhóm dự trữ quốc gia thường xuyên để điều tiết cung cầu, chứ không chỉ đến khi có thiên tai dịch họa mới cần phải dự trữ.

Về năng lực của hệ thống các kho lạnh cấp đông thịt lợn, hiện nay không nhiều. Tuy nhiên, cần phải có chính sách khai thác triệt để hệ thống kho lạnh trên cả nước, nhất là các DN lớn, có năng lực về giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi tại phía Nam như Massan, Tổng Cty Nông nghiệp Sài Gòn, hệ thống kho lạnh của Saigon Co.op, các cơ sở bán lẻ lớn....

Ngay các hệ thống hệ thống siêu thị, nhà hàng nhỏ, hệ thống kho lạnh của lực lượng vũ trang..., nếu chúng ta vẫn có thể có cơ chế tốt, vẫn có thể tận dụng các hệ thống kho lạnh cỡ trung bình, cỡ nhỏ để tham gia tạm trữ cấp đông với số lượng nhiều trăm nghìn tấn, có tác động đáng kể tới thị trường và tăng cầu cho thịt lợn hiện nay.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất