| Hotline: 0983.970.780

Tạm trữ chậm do thiếu vốn

Thứ Ba 24/03/2015 , 20:46 (GMT+7)

Thị trường lúa gạo ở các tỉnh ĐBSCL những ngày qua ít sôi động, giá giảm, thương lái ít đi thu mua./ Tiến độ thu mua lúa, gạo tạm trữ rất chậm

Các DN được giao chỉ tiêu mua tạm trữ thu mua cầm chừng với lý do nguồn vốn phía ngân hàng giải ngân rất hạn chế.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến thời điểm này các Cty thành viên đã thu mua đạt khoảng 40% trong tổng số 1 triệu tấn lúa quy gạo tạm trữ vụ ĐX 2014-2015. Tuy nhiên, tại một số địa phương, tiến độ thu mua lúa gạo khá chậm do các DN chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay từ phía ngân hàng.

Tại tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 20/3, toàn tỉnh mới thu mua được 72.110/170.900 tấn quy gạo được phân bổ chỉ tiêu (đạt 45%). Theo báo cáo của Sở Công thương Đồng Tháp, trên địa bàn tỉnh có 29 đơn vị được phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ đợt này.

Trong đó có 3 DN được phân bổ chỉ tiêu nhiều là Cty Lương thực Đồng Tháp 22.000 tấn, Chi nhánh TCty Lương thực Miền Bắc 17.000 tấn và Cty TNHH Phương Thanh 12.000 tấn.

Nét mới của chương trình tạm trữ đợt này có sự tham gia của 2 HTX, đó là HTX Thắng Lợi (TP.Cần Thơ) và HTX Tân Cường (huyện Tam Nông, Đồng Tháp). Cả hai HTX đều được giao thực hiện thu mua tại địa bàn Đồng Tháp với sản lượng mỗi HTX 2.000 tấn quy gạo.

Ông Nguyễn Văn Trãi, GĐ HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường cho biết, vụ lúa ĐX 2014-2015, lần đầu tiên HTX được phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ lúa gạo, thay vì trước đây chỉ có DN tham gia.

Riêng HTX Tân Cường lần này được phân giao chỉ tiêu tạm trữ 2.000 tấn quy gạo trong tổng số 1 triệu tấn quy gạo tạm trữ toàn vùng. Thời gian HTX bắt đầu thu mua từ ngày 20/3 đến 15/4 sẽ kết thúc. Với chỉ tiêu được giao thì khả năng HTX phải mua thêm bên ngoài khoảng 500 tấn lúa nữa.

Theo ông Trãi, HTX thu mua lúa cho nông dân theo hình thức mua lúa tươi tại ruộng, tiến hành sấy và lưu kho, nông dân được tạm ứng tiền và quyết định thời điểm, giá cả bán lúa.

Gia đình ông Huỳnh Văn Tốt Em ở xã Phú Cường (huyện Tam Nông) là một trong những xã viên của HTX Tân Cường vui mừng trước thông tin này. Năm nay, nhà ông Em trồng 7 ha lúa Jasmine.

Mặc dù tất cả diện tích của HTX đều ký kết bao tiêu với Cty Lộc Anh với giá 5.180 đ/kg, cao hơn thị trường khoảng 200 đ/kg, không phải sợ bị thương lái ép giá nhưng khi nghe tin HTX được Nhà nước giao tạm trữ, gia đình ông cũng rất mừng vì là thành viên của HTX, nếu HTX tạm trữ có lãi thì cũng có phần lợi nhuận của xã viên trong đó. 

Ông Huỳnh Văn Thao, một xã viên của HTX Tân Cường chia sẻ thêm: “HTX tạm trữ lúa nhưng tôi định không ký gửi ở HTX mà bán luôn cho Cty theo giá ký kết đầu vụ là 5.180 đ/kg. Giá này so với vụ trước chưa liên kết đã cao hơn 300 đ/kg, tính ra với 9 ha lúa vụ này, tôi thu lợi hơn 30 triệu đồng từ việc liên kết.

Mặc dù không ký gửi tạm trữ tại Cty chờ giá, song HTX được tạm trữ chúng tôi cũng rất mừng vì lợi nhuận của HTX cũng là lợi nhuận của xã viên”.

Theo ông Trãi, vấn đề lo lắng là đến thời điểm này HTX vẫn đang trong quá trình làm thủ tục với ngân hàng để tiếp cận vốn. Nếu thuận lợi thì đây là cơ hội giúp bà con nông dân có lợi; giữ được chất lượng lúa, cũng như uy tín của HTX, xã viên có thể yên tâm bán lúa hay ký gửi tại HTX đều được.

Ông Phan Kim Sa, Phó GĐ Sở Công thương Đồng Tháp cho biết, so với tuần trước, giá lúa, gạo đã giảm từ 100-150 đ/kg, còn so với cùng kỳ năm 2014 thì giá lúa hiện đang thấp hơn bình quân 200 đ/kg và giảm 500 đ/kg đối với gạo.

Nhìn chung diễn biến thị trường lúa, gạo tại Đồng Tháp trầm lắng, hoạt động thu mua xuất khẩu gạo kém nhộn nhịp, giá lúa gạo những ngày qua theo chiều hướng giảm. Nguyên nhân là nhu cầu xuất khẩu hạn chế trong khi nguồn cung lúa gạo vụ ĐX đang khá dồi dào.

Theo ông Sa, mới đây UBND tỉnh kết hợp các sở, ban, ngành lập đoàn kiểm tra các DN thực hiện tiến độ thu mua trạm trữ lúa gạo trong dân. Nếu thấy DN nào được phân bổ chỉ tiêu nhưng vẫn chưa tiến hành thu mua, tỉnh sẽ báo lên Hiệp hội Lương thực VN đề nghị cắt chỉ tiêu, giao lại cho những DN khác có năng lực thực hiện tốt. 

Còn tại An Giang, vấn đề triển khai thu mua đến nay cho thấy, năm nay tình hình thu mua lúa tạm trữ trong dân có nhiều thuận lợi so với năm trước. 

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, GĐ Sở Công thương An Giang cho biết, đến ngày 21/3 các DN trong và ngoài tỉnh đã thu mua gần 132.000 tấn quy gạo tạm trữ vụ ĐX 2014-2015, đạt 52,46% chỉ tiêu được phân bổ. Trong đó, 18 DN trong tỉnh mua được 78.871 tấn và 16 DN ngoài tỉnh mua 53.041 tấn.

Đến thời điểm này các DN trong tỉnh mua đạt 57,57% chỉ tiêu, và DN ngoài tỉnh cũng đạt 46,35% chỉ tiêu được giao; trong đó có 3 DN hoàn thành chỉ tiêu thu mua, 4 DN thu mua đạt trên 80% chỉ tiêu. 

Giá lúa từ đầu vụ thu hoạch đến nay không tăng, hiện lúa tươi IR50404 dao động từ 4.400 - 4.500 đ/kg, lúa chất lượng cao 4.600 - 4.700 đ/kg, Jasmine là 4.900 đ/kg... trong khi giá thành sản xuất lúa gần 3.500 đ/kg.

Dự kiến, đến ngày 25/3 nông dân tỉnh An Giang sẽ thu hoạch rộ trên 60% diện tích, năng suất trung bình 7,2 tấn/ha, sẽ đáp ứng đủ sản lượng lúa cho các DN thu mua lúa gạo tạm trữ đủ số lượng 251.433 tấn quy gạo và đúng thời hạn quy định.

Mới đây, VFA đã có công văn gửi UBND tỉnh Hậu Giang, yêu cầu Sở Công thương, Sở Tài chính tỉnh tiến hành kiểm tra thực tế tình hình thu mua lúa, gạo tạm trữ của Cty Đại Phát. Nếu kiểm tra thấy DN không có khả năng thu mua tạm trữ thì VFA sẽ rút lại chỉ tiêu, phân giao lại cho các DN khác nhằm đảm bảo quyền lợi cho người nông dân.

Hậu Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa ít, trên 80.000 ha, sản lượng không quá lớn như các tỉnh khác nhưng quá trình thu mua tạm trữ cũng gặp một số bất cập.

Ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN-PTNT cho biết, đến thời điểm này nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được gần 80% diện tích lúa ĐX 2014 – 2015, chỉ ít ngày nữa là dứt điểm. Tuy nhiên, tiến độ thu mua lúa tạm trữ của các DN trên địa bàn tỉnh còn khá chậm, nông dân gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ do thương lái ít đi thu mua và giá thu mua cũng thấp.

Ông Nguyễn Văn Tới, ở Châu Thành A, Hậu Giang tâm sự: “Nông dân ai cũng chờ đợi đến thời điểm thu mua tạm trữ với hy vọng sẽ bán được giá hơn bình thường, nhưng không ngờ năm nay giá không tăng, hiện vẫn thấp hơn 200 đ/kg so với vụ ĐX trước.

Mấy ngày qua, có lúc giá giảm chỉ còn khoảng hơn 4.000 đ/kg lúa tươi cắt máy. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí thì nông dân lời không đáng kể”.

Theo Sở Công thương Hậu Giang, tỉnh được VFA giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ 15.000 tấn gạo, tương đương 30.000 tấn lúa, tăng 6.000 tấn so với vụ trước. Trên địa bàn tỉnh có 5 DN được chỉ định tham gia thu mua, trong đó có 2 DN thuộc tỉnh là Cty TNHH MTV Thủy sản Hoàng Long (5.000 tấn gạo) và Cty Đại Phát (2.000 tấn gạo).

Đến thời điểm này, tiến độ thu mua của các DN còn khá chậm. Tính đến ngày 20/3, mới có 4 DN thu mua được tổng số hơn 5.000 tấn gạo, đặc biệt là Cty Đại Phát vẫn chưa triển khai thu mua cho nông dân.

Trước hình tình thu mua tạm trữ quá... rùa, Sở Công thương tỉnh đã có công văn đôn đốc, nhắc nhở các DN được giao chỉ tiêu phải nghiêm túc thực hiện đúng cam kết. Riêng trường hợp Cty Đại Phát, Sở đã báo cáo về VFA để xem xét có hướng giải quyết.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.