| Hotline: 0983.970.780

Tâm tư của nữ thương binh bị oan ức

Thứ Hai 12/08/2019 , 13:15 (GMT+7)

Vì nhu cầu làm ăn, vào năm 1990, bà Phạm Thị Kim Chung (SN 1957) ở khu vực An Thọ, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát (Bình Định) mua của ông Nguyễn Văn Lắm ở khu vực An Khương khoảnh đất dài 15m, ngang 25m tọa lạc tại khu vực An Thọ (thị trấn Ngô Mây).

Từ đó đến nay, bà Chung sử dụng canh tác trên khoảnh đất ấy không bị ai tranh chấp, chính quyền địa phương cũng không can thiệp.

13-56-17_img-3264
Bà Phạm Thị Kim Chung bức xúc trình bày với PV.

Bỗng dưng vào năm 2018, khoảnh đất của bà Chung bị chính quyền địa phương cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục bởi nó nằm trong Dự án chỉnh trang dòng suối Thó kết hợp đường giao thông và các khu dân cư thị trấn Ngô Mây, mà bà Chung không được nhận sự bồi thường, hỗ trợ nào. Bức xúc, bà Chung làm đơn khiếu kiện gửi đến các cơ quan chức năng…

Theo trình bày của bà Phạm Thị Kim Chung, bản thân bà là thương binh hạng 4/4, mẹ bà là liệt sĩ Nguyễn Thị Nương hy sinh vào ngày 29/12/1970, cha là Phạm Tuân cũng là thương binh 77%, chú ruột Phạm Tú là xã đội trưởng cũng là liệt sĩ, hy sinh vào ngày 10/4/1970. Cả mẹ và chú ruột của bà Chung đều hy sinh tại chiến trường xã Cát Thắng (huyện Phù Cát). Bà được sinh ra và lớn lên trong 1 gia đình có truyền thống cách mạng. Sau chiến tranh, gia đình bà Chung về định cư tại khu vực An Thọ, thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát).

Chồng bà Chung là công nhân ngành thủy lợi, thu nhập chẳng có là bao, nên gia đình bà rất chật vật nuôi 3 đứa con ăn học. Bản thân là thương binh, nhưng bà Chung phải bày cách làm ăn để kiếm thêm thu nhập. Hồi ấy, bà Chung làm nghề nấu nhớt tái sinh nên cần có chỗ để đổ chất thải, do đó bà mua của ông Nguyễn Văn Lắm khoảnh đất có chiều dài 15m, ngang 25m tọa lạc tại khu An Thọ, nay là thửa đất số 3, tờ bản đồ số 24 với giá 10.000.000đ. 

Việc mua bán được thể hiện bằng giấy viết tay. Từ đó đến nay, bà Chung sử dụng diện tích đã mua của ông Lắm để chôn sái nhớt, sau khi hết làm nghề nấu nhớt tái chế, bà Chung cải tạo, dựng hàng rào trồng mì, đậu phộng và cây ăn quả.

Vào ngày 7/5/2018, bà Chung được Nhà nước cho đi an dưỡng tại Đà Nẵng theo chế độ thương bệnh binh. Bà Chung mới đi được 3 ngày, đến ngày 10/5 thì UBND huyện Phù Cát cho xe ủi đến san bằng cây cối bà Chung trồng trên khoảnh đất bà mua của ông Lắm mà không đưa ra quyết định cưỡng chế và gia đình bà không nhận được bất cứ thông báo nào.

Bức xúc, bà Chung làm đơn khiếu kiện gửi đến các ngành chức năng cấp tỉnh. Trong khi sự việc chưa được xử lý thì vào ngày 31/1/2019, UBND huyện Phù Cát ra QĐ số 319/QĐ-XPVPHC xử phạt bà Chung 7,5 triệu đồng về vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tiếp đến, ngày 5/4/2019, UBND huyện Phù Cát tiếp tục ban hành QĐ số 682/QĐ-CCXP cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với bà Chung vì hành vi chiếm đất thuộc Dự án chỉnh trang dòng suối Thó kết hợp đường giao thông và các khu dân cư thị trấn Ngô Mây. 

Bà Chung tiếp tục khiếu nại 2 quyết định nói trên. Đến ngày 5/6/2019, UBND huyện Phù Cát ban hành QĐ số 1379/QĐ-HBXPVPHC hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính đối với bà Chung đã ban hành trước đó. 1 ngày sau, ngày 6/6/2019, UBND huyện Phù Cát tiếp tục ban hành QĐ 1390/QĐ-UBND hủy bỏ quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc khục hậu quả đã ban hành trước đó.

Thế nhưng đến ngày 17/6/2019, UBND huyện Phù Cát lại ban hành QĐ 1474/QĐ-NPNL áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả về hành vi chiếm đất của bà Phạm Thị Kim Chung làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của Dự án chỉnh trang dòng suối Thó kết hợp đường giao thông và các khu dân cư thị trấn Ngô Mây. Buộc bà Chung tháo dỡ toàn bộ công trình, cây cối, vật kiến trúc rên diện tích 921,36m2 mà bà Chung đã chiếm, đồng thời khôi phục lại nguyên trạng.

Trình bày về vấn đề này, bà Phạm Thị Kim Chung, tâm tư: “Sau khi tôi mua của ông Lắm diện tích đất là 375m2, sau đó tôi khai hoang thêm đất liền kề 200m2 nữa.

Đồng thời, do ông Lắm làm nghề thợ hồ thường xuyên đi xa nên làm giấy ủy quyền cho tôi canh tác tất cả diện tích đất liền kề do ông khai hoang, nên tôi rào chắn toàn bộ những diện tích ấy để canh tác lâu nay, do đó mới có con số 921,36m2 mà UBND huyện Phù Cát cho rằng đó là diện tích tôi đã lấn chiếm. 

Nếu bây giờ Nhà nước thu hồi những diện tích đất nói trên để làm công trình công cộng, tôi không phản đối, nhưng tôi chỉ mong Nhà nước hoàn trả lại khoản tiền tôi đã đầu tư và hoa màu tôi đã trồng trên khoảnh đất ấy, nhưng yêu cầu của tôi không được chính quyền địa phương đáp ứng nên tôi mới khiếu nại.

Thú thật, khoản tiền 80 triệu đồng tôi yêu cầu được hỗ trợ khi thu hồi đất là không nhiều, nhưng để tìm kiếm sự công bằng tôi đã bỏ tiền túi ra để đi Hà Nội kêu oan 2 lần rồi”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất