| Hotline: 0983.970.780

Tận cùng nỗi đau gia đình có 3 người mắc trọng bệnh

Thứ Sáu 08/09/2017 , 06:40 (GMT+7)

15 tuổi, Lê Thảo Vy (thôn Đồng Xung, xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã phải gác lại ước mơ được cắp sách đến trường để bươn bả mưu sinh nuôi gia đình.

Bố Vy bị khuyết tật, mẹ lại bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh, cách đây 4 tháng, tai họa ập xuống khi bố và em trai Vy gặp tai nạn giao thông.

16-57-18_c_b_nguoi_nh_nh_le_vn_tuyen_hien_dng_mc_trong_benh
Gia đình anh Tuyển rất mong nhận được sự giúp đỡ

Anh Lê Văn Tuyển (SN 1974) bị khuyết tật sau trận sốt cao không có tiền chữa trị dẫn đến tai biến, chân tay co quắp, không nói năng, đi lại được, phải phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc xe lăn hoen rỉ do hàng xóm thương cảm mua cho từ khi lên 10 tuổi. Anh Tuyển kết hôn với chị Lưu Thị Liên (SN 1974) bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh, chậm chạp. Cuộc hôn nhân được vun vén này rất hạnh phúc khi sinh được hai chị em Vy. Vy và em trai Lê Tuấn Anh (SN 2004) đều ngoan ngoãn, học giỏi.

Là con gái lớn, bố mẹ lại bệnh tật, Vy trưởng thành hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Em vừa đi học vừa làm việc nhà và đồng áng. Vất vả là thế nhưng em vẫn chăm học, chịu thương chịu khó, hiếu thuận với cha mẹ, chăm lo cho em trai. Nhưng khi bước vào lớp 7, bố ngày một yếu, tiền thuốc tiêu tốn nhiều, mẹ lại không làm được gì, một tay Vy lo liệu.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, em đưa ra một quyết định khó khăn là từ bỏ ước mơ cắp sách tới trường. Vy nghĩ rằng, nếu em tiếp tục đi học thì gánh nặng gia đình không ai lo toan.

Dù còn khó khăn, có những lúc phải giật gấu vá vai mới đủ cho 4 người sinh hoạt nhưng cô bé vẫn không hề than thở. Thế mà có ngờ đâu, niềm hạnh phúc bình dị ấy cuối cùng cũng không còn nữa.

Vào ngày 26/4/2017, không may anh Lê Văn Tuyển và con trai bị tai nạn giao thông phải đưa lên Hà Nội cấp cứu. Trong cơn hoảng loạn, cô bé 15 tuổi lảo đảo suy sụp vì không biết làm cách nào. Nhờ được hàng xóm và hai bên họ hàng giúp đỡ, em lấy lại tinh thần lên viện chăm sóc bố.

Tai nạn đã làm cho anh Tuyển không chỉ bị liệt tứ chi, suốt đời phải ngồi trên xe lăn mà còn không nói được. Em trai Vy bị chấn thương sọ não, dập não, gãy xương đùi, gãy xương sườn, dập phổi. Tuấn Anh hôn mê hơn một tháng mới tỉnh lại. Sau 3 tháng nằm viện, cậu bé đã trải qua 2 lần phẫu thuật, đến giờ vẫn chưa thể đi lại và nói được, một phần trí nhớ tạm thời bị mất.

Để lo tiền thuốc và viện phí cho bố và em, Vy đã phải đi vay gần 300 triệu đồng. Công việc của Vy cũng phải tạm ngừng để ở viện chăm sóc bố và em. Chỉ tới khi hai người xuất viện, Vy để mẹ ở nhà trông nom, cô bé mới có thể tiếp tục đi làm.

Do bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh nên chị Lưu Thị Liên chỉ có thể làm được những việc nhà đơn giản. Ngôi nhà nhỏ chỉ có duy nhất một chiếc giường cho cả nhà chen chúc. Hôm nào nóng quá, Vy trải chiếu xuống đất nằm.

Từ ngày xảy ra tai nạn, cuộc sống của cả gia đình đều do cô bé 15 tuổi lo toan, quán xuyến. Nhìn em già dặn và tháo vát hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa, chúng tôi rất cảm phục. Vy ao ước mình có một công việc ổn định để có thể gánh vác cho gia đình và trả dần gánh nợ viện phí.

Ông Phạm Kim Tiên - Trưởng thôn Đồng Xung chia sẻ: Gia cảnh anh Lê Văn Tuyển thuộc diện đặc biệt khó khăn. Hiện cháu Vy đã phải nghỉ học để đi làm thêm có tiền chữa trị trọng bệnh cho bố mẹ và em trai. Qua đây rất mong các nhà hảo tâm, các Mạnh Thường Quân quan tâm san sẻ để gia đình anh Tuyển - chị Liên bớt phần khó khăn.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về gia đình anh Lê Văn Tuyển (thôn Đồng Xung, xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa, Hà Nội); hoặc gửi về Văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL số 49 Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ, ĐT: 0292.3835431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm