| Hotline: 0983.970.780

Tan giấc mơ XKLĐ Hàn Quốc

Thứ Hai 22/10/2012 , 09:19 (GMT+7)

Từ số lượng mỗi lớp học tiếng Hàn lên đến hàng trăm người, thì nay con số này là 10, 20, thậm chí chỉ còn vài người.

Ghé qua lớp đào tạo tiếng Hàn, chưa bao giờ chúng tôi thấy cảnh tượng vắng vẻ, đìu hiu như thời điểm này. Từ số lượng mỗi lớp lên đến hàng trăm người, thì nay con số này là 10, 20, thậm chí chỉ còn vài người.

>> Sau Hàn Quốc, tới nước nào?
>> Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam
>> Hàn Quốc tạm dừng tuyển lao động mới

Họ theo học bởi đã trót đóng tiền, học trong tâm lý hoang mang, chán nản bởi chẳng biết bao giờ mới được tuyển dụng... Thực trạng này đang diễn ra tại lớp tiếng Hàn của các trung tâm tuyển dụng xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Thanh Hóa.

Bị “đánh cắp” ước mơ

Thông tin phía Hàn Quốc tạm ngừng tuyển dụng lao động VN đang trở thành đề tài “nóng” sau lũy tre làng. Không những thế, nó khiến cuộc sống của không ít gia đình nông dân nghèo phần nào bị xáo trộn. Đó là những gia đình có con, em học tiếng Hàn và thi đỗ, được cấp chứng chỉ đang chờ tuyển dụng, những trường hợp khác đã học xong chờ gọi phỏng vấn, còn có hàng nghìn lao động đang học dang dở tại các trung tâm.

Từ cha mẹ, người thân đến bản thân người lao động đều chung tâm lý lo lắng, hoang mang. Bao nhiêu dự định cho 1 chuyến bay mang theo mơ ước sang “xứ sở kim chi” giờ chỉ còn là ước mơ...

Chúng tôi tới Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa), đây là địa chỉ "tin cậy" để người lao động tìm đến. Hàng năm, trung tâm đào tạo tiếng Hàn cho từ 400 - 500 lao động. Ông Lê Đăng Thanh, GĐTT cho biết: Từ đầu năm 2012 đến nay, trung tâm đã dạy tiếng Hàn cho trên 300 lao động. Từ tháng 8/2012, phía Hàn Quốc quyết định tạm ngừng tuyển dụng lao động VN, trung tâm không mở lớp đào tạo tiếng Hàn nữa. Vì vậy, chỉ còn một khóa tiếng Hàn đã dạy được hơn 2 tháng với trên 100 học viên.


Người lao động tìm cơ hội việc làm tại Trung tâm GTVL tỉnh Thanh Hóa

Theo ông Thanh, sau khi nhận được thông tin trên từ Bộ LĐ-TB&XH, trung tâm đã kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin đến từng học viên để người lao động hiểu biết cặn kẽ nguyên nhân, lý do của việc tạm ngừng tuyển lao động VN từ phía Hàn Quốc. Mặt khác để lao động ổn định tâm lý, tránh để họ thiếu hiểu biết nghe các đối tượng “cò” phải bỏ ra vài trăm triệu “chạy chọt” XKLĐ để tiền mất tật mang.

Gặp gỡ lao động tại lớp học của trung tâm trong giờ giải lao, trên khuôn mặt mỗi người đều thoáng nét buồn rầu. Anh Phạm Văn Tân (24 tuổi), quê xã Quảng Chính (huyện Quảng Xương) không giấu được sự chán nản: “Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, em lập gia đình, vay bạn bè, anh em để chăn nuôi gia cầm, mỗi năm xuất bán được vài trăm con ngan, vịt, trừ chi phí cũng thu lãi vài chục triệu đồng.

Nghe người em họ đã đi XKLĐ Hàn Quốc được hơn 1 năm điện về, nói có thu nhập cao. Mơ ước đổi đời nên em bàn với gia đình để sang bên đó một chuyến. Ai ngờ... Cách đây không lâu, cũng chính người em bên Hàn điện về nói nghỉ học đi kẻo mất công, nhưng đã theo được hơn 2 tháng nên đành cố học cho xong”.

Còn Nguyễn Ngọc Sơn (30 tuổi) ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Lớp học của chúng em ban đầu có hơn 70 người. Nhưng khi nhận được “hung tin”, họ đã nghỉ học hơn 2/3. Vào lớp thấy thưa thớt, lèo tèo, không khí học trầm lắng cũng nản lắm. Em còn có nghề lái xe, không đi được em lại quay về nghề cũ, gia đình lại ở thành phố nên đỡ vất vả. Chỉ thương các bạn ở quê xa, mất kinh phí học tiếng, lãng phí thời gian rồi có thể xôi hỏng bỏng không...”.

Vẫn nhiều thị trường lao động rộng mở

Được sự giới thiệu của Chi nhánh Trung tâm XKLĐ (đường Trần Cao Vân, phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa) thuộc Cty CP XNK Tổng hợp Sơn La, chúng tôi tìm về gia đình Nguyễn Văn Toàn (22 tuổi) ở xã Đông Khê (huyện Đông Sơn). Cùng với không khí rộn ràng của vùng nông thôn vào mùa thu hoạch, không khí tại gia đình Toàn cũng náo nức không kém. Bởi chỉ còn vài ngày nữa là Toàn đã thực hiện được ước mơ “xuất ngoại” sang Malayxia.

“Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị, thành phố kịp thời nắm bắt tình hình lao động ở các địa phương; tuyên truyền, vận động tới từng gia đình có lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc liên lạc, động viên, kêu gọi họ sớm về nước. Đồng thời, cung cấp thông tin, định hướng để lao động nông thôn biết, ngoài Hàn Quốc, có thể lựa chọn XKLĐ ở Nhật Bản, Đài Loan, Malayxia, các nước Trung Đông... Đây là những thị trường truyền thống, ổn định của VN”, ông Tích nói.

Trong suốt cuộc trò chuyện, niềm vui, sự hy vọng cứ ngời lên trong đôi mắt bà Lê Thị Thu, mẹ của Toàn. Bà cho biết, học xong phổ thông, thi vào các trường chuyên nghiệp không đỗ, gia đình tính cho Toàn đi XKLĐ Hàn Quốc, bởi được biết làm việc tại đây lương cao. Hơn 2 năm, tham gia 3 khóa đào tạo tiếng Hàn, trải qua 3 vòng phỏng vấn nhưng Toàn vẫn không vượt qua được “cửa ải” để được cấp chứng chỉ tiếng Hàn. Vậy là “đi đứt” mấy chục triệu vừa là kinh phí đào tạo, tiền ăn, ở, đi lại cho Toàn.

Quan trọng hơn là nhỡ mất hơn 2 năm không gặt hái được kết quả. Cuối cùng, gia đình lựa chọn cho Toàn đi Malayxia... Chỉ phải lo chi phí chưa đầy 30 triệu, sau 4 tháng học tiếng và chờ đợi, Toàn đã được tuyển dụng với mức lương cơ bản hơn 9 triệu đồng/tháng...

Ông Lê Quang Tích, PGĐ Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho hay: Thanh Hóa là thị trường lao động dồi dào. Chỉ tính năm 2011, XKLĐ đạt 9.000 người, 9 tháng đầu năm 2012, con số này là 6.700 người. Trong đó số lao động đi Hàn Quốc năm 2011 là gần 3.000 người và 2012 là 1.500 người. Các huyện có đông số lượng lao động đang làm việc tại Hàn Quốc như Đông Sơn, Hoằng Hóa... Việc Hàn Quốc tạm ngừng tuyển lao động VN đã ảnh hưởng đến 2.000 lao động Thanh Hóa đã đạt chứng chỉ tiếng Hàn, ảnh hưởng đến chỉ tiêu XKLĐ của địa phương.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 200 lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Với hàng chục nghìn lao động Thanh Hóa đã và đang làm việc tại Hàn Quốc thì con số này theo quy định của nước sở tại là chấp nhận được. Tuy nhiên, theo ông Tích thì "đây cũng là con số “cộng hưởng” khiến số lao động bất hợp pháp gia tăng, đang được sự quan tâm và hướng giải quyết tích cực từ phía các cơ quan, ban ngành và chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa".

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất