| Hotline: 0983.970.780

Tan hoang rừng trồng Quảng Bình sau bão

Thứ Tư 20/09/2017 , 13:35 (GMT+7)

Theo ông Tuyên, toàn xã có 920 hộ dân nhưng chỉ có 40 ha đất canh tác nông nghiệp. Thế mạnh là đất rừng. Bão qua, người dân bị thiệt hại gần 1.500 ha rừng keo tràm.

Anh Nguyễn Xuân Trường - Trưởng thôn Tân Tiến (xã Cao Quảng - huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình) đưa chúng tôi ra vùng rừng trồng đầu nguồn sông Rào Nan. Vạt rừng đang vào kỳ khai thác đã bị bão số 10 quật ngã tan hoang. Những cây keo có đường kính trên 20cm bị bão bẻ gập thân, ngọn đổ ra tứ phía.

13-38-44_2
Anh Trường bên vạt rừng bị bão làm hư hại

Phía khác, những cây dài đườn đưỡn nằm xếp lố, lá quắt héo dưới cái nắng gắt. Anh Trường bảo: “Nhà tôi có hơn 10 ha, trước bão bán 2 ha được 120 triệu đồng. Giờ bão làm gãy đổ sạch. Kêu bán chưa có ai mua cho”.

 

Tiêu tan hy vọng

Xã Cao Quảng với lợi thế vùng đồi núi nên người dân chú trọng phát triển rừng trồng và đó cũng là định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Ông Mai Xuân Tuyên - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cao Quảng cho hay, từ năm 2010, người dân trong xã đã phát triển rừng trồng kinh tế được gần 1.000 ha. Khi cây chuẩn bị đưa vào khai thác thì bão số 10 (năm 2013) tràn qua. Cơn bão lớn đã đè sạch những gì trên đường nó đi qua. Hàng ngàn ha rừng trồng của người dân Cao Quảng chỉ còn lại những đống gỗ tận dụng. “Người dân bàng hoàng khi chỉ qua một đêm đã mất tiền tỷ” - ông Tuyên nhớ lại.

Lấy lại tinh thần, bà con lại phục hồi mở rộng rừng trồng và xác định chỉ có rừng mới thoát khỏi nghèo khó. Trong vòng 5 năm, Cao Quảng đã có diện tích rừng trồng đáng nể. Toàn xã có được gần 1.800 ha, trong đó có hơn 1.000 ha đến tuổi thu hoạch.

Con đường nối từ xã Quảng Sơn (huyện Quảng Trạch) lên xã Cao Quảng dài hơn 20 km, chạy uốn lượn theo dòng chảy của sông Tào Nan. Hai bên đường, bạt ngàn cánh rừng trồng bị gãy đổ nằm rạp. Anh Trường - Trưởng thôn Tân Tiến trèo qua mấy đám cây gãy, đến đứng thần người trước vạt cây xếp lớp đè lên nhau. “Thôn tui có hơn trăm hộ, ai cũng vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng rừng. Cả thôn có hơn 500 ha. Năm nay là thu hoạch khoảng 350 ha. Nhưng bây giờ thì cây đó, gỗ đó mà chẳng có ai mua cho. Nhà nào cũng ra nhìn thấy rừng là khóc. Người nhiều thì có trên chục ha, người ít vài ha. Mỗi nhà mất ít nhất là trăm triệu đồng”.

Điều không may của bà con Cao Quảng bởi năm nay mưa nhiều. Nước trên sông Tào Nan lúc nào cũng cuộn chảy. Gần nửa diện tích rừng trồng đang vào kỳ thu hoạch lại nằm phía bên kia sông. Chính vì vậy, bà con phải chờ nước sông hạ xuống mới vận chuyển được gỗ rừng trồng về.

Ông Nguyễn Đức Sự (thôn Tân Tiến), mắt đỏ hoe, vác cây rựa đi trước để đưa chúng tôi vào vạt rừng nhà ông. Ông chẳng nói gì, cứ phát cành mở đường. Khi đến bên mấy cây keo lớn bị bão vặn gãy ngang thì ông đứng lại như chẳng còn sức mà đi nữa. Bão năm 2013, nhà ông có 5 ha rừng trồng mới hơn năm nên bão chỉ xô nghiêng còn phục hồi được. Sau đó, ông đầu tư trồng thêm được hơn chục ha. Nhẩm tính năm nay bán hết, gom tiền phần trả nợ, phần làm lại căn nhà cho khang trang vững chắc.

13-38-44_1
Ông Sự: “Rừng bị thiệt hại hơn nửa tỷ đồng”

“Người tính không bằng trời tính. Hơn chục ha rừng rạp đất như vầy thì coi như mất đứt hơn nửa tỷ đồng rồi” - ông Sự cay đắng.

Ở Cao Quảng, hầu như ai cũng biết rừng cao su của ông Nguyễn Văn Quang (thôn Cao Lãnh). Gia đình ông vay mượn đầu tư trồng hơn 10 ha cao su. Cây trồng đã được hơn 5 năm, xanh tốt cả một vùng. Tuần trước, ông về xuôi mua bát và dụng cụ để chuẩn bị làm lễ mở miệng khai thác. Cả buổi sáng nghe bão gầm rú mà sởn cả tóc gáy. Bão tan ông chạy sấp ngửa lên vườn cao su. Dù bị vấp té ngã mấy lần mà ông vẫn chưa tin nổi ở mắt mình. Vườn cao su không còn mấy cây nguyên vẹn.

13-38-44_3
Cây keo lớn bị bẻ gãy ngang

Cũng như gia đình ông Quang, nhiều hộ dân khác như ông Võ Trọng Triển, Nguyễn Văn Nguyên…, mỗi gia đình có trên 10 ha rừng chuẩn bị khai thác thì bị bão cứa ngang. Bây giờ, ai cũng lâm cảnh nợ nần.
 

Liệu có còn bão lớn?

Theo ông Tuyên, toàn xã có 920 hộ dân nhưng chỉ có 40 ha đất canh tác nông nghiệp. Thế mạnh là đất rừng. Bão qua, người dân bị thiệt hại gần 1.500 ha rừng keo tràm. Dù có vớt vát được chút nào đi nữa thì tính sơ cũng thiệt hại trên 70 tỷ đồng về rừng.

13-38-44_4
Rừng keo tràm bị đè vật xuống

Mấy hôm sau bão trời nắng như nung. Theo bà con Cao Quảng, cây bị nắng làm cho khô thì lại càng khó bán. Lãnh đạo xã cũng đang chạy đôn chạy đáo tìm kiếm doanh nghiệp thu mua. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được mối nào.

Trao đổi với NNVN, lãnh đạo xã Cao Quảng cũng chưa có kế sách gì để gỡ bí cho người dân. Đất rừng không trồng rừng thì trồng được cây gì thay thế. Trồng lại rừng rồi không biết vài ba năm nữa có xảy ra bão lớn như mấy năm gần đây không?

13-38-44_5
Keo bán cũng không có người mua

Tuyên Hóa thiệt hại hơn 9.000 ha rừng trồng

5 năm trở lại đây, Tuyên Hóa phát triển gần 13.000 ha rừng trồng, mỗi năm mang lại nguồn thu cả trăm tỷ đồng cho người dân. Sau bão số 10, hơn 9.000 ha rừng coi như xóa sổ.

Ông Lê Nam Giang - Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết: “Địa phương chỉ đạo tận thu gỗ để bán cho các nhà máy dăm gỗ nhưng khó là chưa có điện nên nhà máy chưa hoạt động. Về sinh kế lâu dài, huyện chủ trương chuyển sang trồng các cây gỗ lớn để có sức chống chịu bão, giảm bớt thiệt hai do thiên tai gây ra.

“Tuy nhiên, việc chuyển đổi sẽ gặp nhiều khó khăn vì người dân Tuyên Hóa đa số là hộ nghèo. Vì vậy, việc đầu tư rừng có thời gian thu hoạch kéo dài là điều rất khó. Trước mắt, Tuyên Hóa đề nghị tỉnh hỗ trợ giống lâm nghiệp để bà con khôi phục lại diện tích rừng bị thiệt hại” - ông Giang cho hay.

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm