| Hotline: 0983.970.780

Tận mắt thấy lính Mỹ hành nghề thợ xây, thợ mộc…, sơn lại những ngôi trường

Thứ Hai 08/08/2016 , 14:30 (GMT+7)

Đó là những người lính thuộc biên chế Hải quân Mỹ đang tham gia chương trình Đối tác Thái Bình Dương kéo dài trong 2 tuần tại Đà Nẵng.

Hình ảnh những chàng lính Hải quân Hoa Kỳ đổ mồ hôi giữa trưa nắng khi trở thành thợ xây, thợ mộc, thợ sơn… để xây, khoan, cắt, sơn lại những ngôi trường cho trẻ em khiến nhiều người thích thú.

Lính Mỹ thành “thợ đụng”

Hơn 2 tuần qua, cả chục "ông tây" quốc tịch Mỹ đột ngột xuất hiện ở khuôn viên trường mầm non Rạng Đông (đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) khiến không ít người tò mò thú vị. Những ông tây bà tây không mặc vest, mặc đầm mà mang quần áo rằn ri, có phù hiệu. Họ không mang ba lô, túi xách, va ly như những người nước ngoài khác mà tay chân đem theo nào bay, nào đục, máy khoan, máy cắt… Có người còn vác theo hàng chục thùng sơn đủ màu.

Họ là những người lính thuộc biên chế Hải quân Mỹ đang tham gia chương trình Đối tác Thái Bình Dương kéo dài trong 2 tuần tại Đà Nẵng. Và họ có mặt tại ngôi trường cũ kỹ Rạng Đông để tân trang lại ngôi trường nhằm chuẩn bị cho năm học mới hoàn toàn tự nguyện.

“Lúc đầu thấy họ đi ngang qua nhà để vô trường dân chúng tôi ở đây ai cũng tò mò không biết mấy ông tây ni muốn làm chi ở đây. Mấy người phiên dịch giải thích họ là lính Mỹ, đang giúp sửa chữa lại trường thì chúng tôi bán tín bán nghi. Nhiều người tò mò đứng xem họ làm việc nữa”, ông Hồ Văn Thuấn (trú đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà) kể.

Ông Thuấn cho hay ngôi trường Rạng Đông đã có tuổi đời gần 20 năm. Qua thời gian, trường đã bị hư hỏng nhiều nơi, mái ngói bị dột, tường bong tróc, cũ kỹ. Quận Sơn Trà và người dân nhiều lần họp bàn để tìm cách sữa chữa nhưng vướng vấn đề kinh phí nên chưa thực hiện được.

“Chúng tôi gửi con trong trường cũng lo lắm, nhất là khi năm học mới sắp bắt đầu. Mùa mưa, mấy đứa trẻ học trong lớp có khi bị nước nhỏ ướt thấy thương lắm. Dân chúng tôi ở đây nghèo nên chưa thể góp tiền sữa chữa được, may có mấy người lính Mỹ này đến giúp”, ông Thuần cảm kích bày tỏ.

Trước sự ngỡ ngàng của hàng chục người dân, những người lính Hải quân Mỹ phân công nhiệm vụ rồi cùng bắt tay vào việc sơn sửa lại ngôi trường đã xuống cấp.

14-27-33_nh2-linh-my-su-truong
Ảnh: Phương Điền

 

Căn phòng nhỏ chật hẹp ngổn ngang các vật dụng của những người lính Mỹ. Họ say sưa làm việc từ sáng đến chiều mà dường như chẳng biết mệt. Họ tỉ mỉ lăn lê, bò trườn trên nền đất để tô trát lại những mảng tường bị hư hỏng. Những người khác thành thạo sơn lại từng mét vuông bờ tường. Một nữ binh sĩ khác đang cẩn thận lót từng viên gạch men mới thay cho nền nhà cũ kỹ trước đó. Mái ngói được lợp mới hoàn toàn. Hệ thống điện được thay dây, bóng đèn mới cũng được thay thế.

Nhìn họ làm việc chẳng khác nào một công trường xây dựng đang khẩn trương thi công để hoàn thành kịp tiến độ. Thỉnh thoảng, có những tiếng trêu đùa khiến giọng cười họ vang lên rộn rã.

Ông Nguyễn Văn Quang, phiên dịch viên hỗ trợ nhóm “thợ đụng”, thỉnh thoảng lại dịch những câu hỏi ngộ nghĩnh của đám trẻ con tò mò cho các binh sĩ hải quân Mỹ.

“Ở Mỹ chú làm thợ xây à? Ba con cũng làm thợ xây nhà, chú làm giỏi như ba con vậy đó. Chú làm mỗi ngày lương bao nhiêu? Ba con làm một ngày lương được 200.000 đồng”, ông Quang dịch lại câu hỏi của một chú bé cho Robert, một thành viên trong nhóm.

“Chú là lính Mỹ, không phải là thợ xây nhưng được huấn luyện làm những việc này. Chú còn có thể cứu người khi họ gặp nạn, gặp thiên tai bão gió. Chú đến đây để giúp các cháu sửa trường chứ không lấy tiền công”, Robert nhoẻn miệng cười nói rồi nhờ ông Quang trả lời với cậu bé.

Jullia, nữ thành viên duy nhất trong nhóm, chia sẻ là lính hải quân phục vụ trên tàu bệnh viện Mercy của Mỹ, cô có cơ hội đi đến rất nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi nơi đến, cô được tiếp xúc với những nền văn hóa, con người, phong tục riêng biệt.

14-27-33_nh-1-nu-binh-si-my
14-27-33_nh-1-nu-linh-my
Nữ binh sĩ hải quân Mỹ tham gia sửa chữa trường Rạng Đông

 

“Đây là lần thứ 2 liên tiếp tôi được đến Việt Nam. Đất nước các bạn rất tuyệt, rất đẹp. Người dân rất thân thiện. Năm ngoái chúng tôi xây một ngôi trường mới mà tôi nhớ không nhầm là ở Ngũ Hành Sơn. Năm nay chúng tôi cố gắng sữa chửa 4 ngôi trường và 1 trạm y tế phường.

Tôi biết quá khứ của hai đất nước nhưng chúng ta nên bỏ qua quá khứ, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn”, Jullia bày tỏ.

Không chỉ trở thành thợ điện, thợ sơn, lính hải quân Hoa Kỳ còn phân công nhau sửa chữa đường ống thoát nước. Xong mỗi công đoạn, họ cùng nhau quét dọn sạch sẽ.

Ngôi trường thay áo

Hơn 1 tuần làm việc của những người “thợ đụng” đặc biệt đến từ Hoa Kỳ giúp cho ngôi trường Rạng Đông cũ kỹ có một diện mạo mới vô cùng sáng sủa.

Nhìn từ bên ngoài lẫn bên trong, ngôi trường như mới vừa xây xong. Trên những bức tường, mùi sơn mới còn thơm nồng. Sàn nhà lát gạch men bóng loáng. Điện sáng trưng, quạt quay liên tục. Nhà vệ sinh được lắp đặt mới hoàn toàn, hệ thống nước đã không còn cảnh rò rỉ, nhỏ giọt như trước. Hàng rào sắt bảo vệ cũng được quét mới tinh tươm.

“Thấy họ làm nhưng vợ chồng tôi cũng đi mưu sinh cả ngày nên chẳng giúp đỡ được gì. Mỗi ngày đi làm về, tôi lại thấy ngôi trường đổi khác. Sau 1 tuần thì tôi không còn nhận ra ngôi trường cũ sát vách nhà mình nữa. Nhìn nó như mới được xây xong vậy.

Mấy người Mỹ này quả thật làm việc rất chuyên nghiệp, nhiệt tình và hiệu quả. Tôi thay mặt bà con ở đây và các phụ huynh có con em theo học ở trường chân thành gửi lời cảm ơn họ. Tiếc là mỗi khi làm xong việc, họ lại nhanh chóng trở về nên chúng tôi chưa có quà gì cảm ơn cả”, ông Thuấn vui mừng nói.

Không riêng gì ông Thuấn, hàng chục gia đình nằm cạnh ngôi trường Rạng Đông cũng không ngớt lời khen ngợi lẫn cảm ơn những người lính Mỹ môi khi đi ngang qua.

“Gần tới năm học mới, trường được sửa sang đẹp như vậy đúng là mừng quá. Mấy đứa nhỏ đi học được sạch sẽ, an toàn. Mấy cái trò chơi cũng được họ dựng lại, chắc chắn hơn.

Nói thật, lúc đầu thấy họ đến làm, dân chúng tôi ở đây cứ tưởng họ làm màu, vẽ vời hoa lá cho có chuyện rồi đi. Giờ họ làm xong rồi mới thấy mình nghĩ oan cho họ. Trường Rạng Đông được thay áo mới, đúng là tươi sáng như cái tên”, chị Lê Thị Mai (trú đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà) chia sẻ.

Hai tuần tham gia chương trình đối tác Thái Bình Dương tại Đà Nẵng, Jullia cùng những thành viên của Hải quân Hoa Kỳ không chỉ tham gia sửa chữa trường học, trạm y tế mà họ còn tổ chức biểu diễn ca nhạc, vẽ tranh cùng trẻ em khuyết tật…

“Chúng tôi sẽ còn đến nhiều nơi khác trên thế giới nhưng những ngày ở đây sẽ luôn là ký ức đẹp. Tôi mong ước mình sẽ còn trở lại nơi đây. Nhiều đồng đội của tôi cũng có chung mong ước đó.

Việc làm của chúng tôi ở đây mong sẽ góp được phần nhỏ bé để tạo nên mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai đất nước. Tôi tin rằng mình sẽ trở lại đây trong năm sau hoặc năm sau nữa. Tôi sẽ được tận mắt thấy những đứa trẻ đáng yêu vui đùa, học tập trong trường Rạng Đông với nụ cười trên môi”, Jullia nói.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.