| Hotline: 0983.970.780

Tan nát những cánh rừng

Thứ Hai 15/08/2011 , 10:50 (GMT+7)

Từ cuối năm 2009, đặc biệt là năm 2010 và 2011, hàng chục hộ dân ở các xã: Xã Đông, Nghĩa An (huyện Kbang) và một hộ dân ở thị xã An Khê đã vào tiểu khu 152 phá đi hơn 20 ha rừng sản xuất.

Mất rừng chẳng ai hay

Như NNVN đã đưa tin, từ cuối năm 2009, đặc biệt là năm 2010 và 2011, hàng chục hộ dân ở các xã: Xã Đông, Nghĩa An (huyện Kbang) và một hộ dân ở thị xã An Khê đã vào tiểu khu 152 phá đi hơn 20 ha rừng sản xuất. Sự việc diễn ra trong thời gian dài, thế nhưng kiểm lâm địa bàn, chính quyền dường như… không hay biết. Hậu quả là những cánh rừng đã bị đốn hạ không thương tiếc.

PHÁ VỚI TỐC ĐỘ CHÓNG MẶT

Trong vai một người có nhu cầu mua đất để trồng cao su, chúng tôi được một người đàn ông ở xã Nghĩa An chỉ lên khu vực rừng bị phá. Ông cho biết: Bây giờ người ta đang trồng mì, nghe bảo sau đó sẽ trồng cao su. Đường rất khó đi, phải vượt qua hai trạm gác rừng của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp KaNăk (Gia Lai) và Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Bình Định) mới đến được. Men theo con suối nhỏ chừng 2 km, trước mắt chúng tôi là cả một cánh rừng bị chặt hạ. Nhiều cây gỗ có đường kính tương đối lớn, người dân đã tận dụng cưa xẻ để về làm gỗ xây dựng.

Tại khoảnh 2 tiểu khu 152 có đến gần 12 ha rừng bị người dân chặt phá, một số hộ dân đã trồng cà phê và mì lên xanh. Gần nửa trong số diện tích bị phá này có mật độ cây dày, đường kính từ 30- 50cm. Khi tham gia phá rừng người dân đã mang theo cả cưa máy lên để cưa gỗ và đốn hạ cây lớn. Nhiều đống củi khô chưa kịp đốt chứng tỏ thời gian gần đây vẫn tiếp tục có người phá rừng. Nhiều cây gỗ có đường kính lớn, bị cưa hạ chưa kịp xẻ ra vẫn nằm ngổn ngang giữa những cây mì đã lên xanh.

Không dừng lại ở đó, tại khoảnh 5 của tiểu khu này cũng có hơn 7ha rừng bị đốn hạ không thương tiếc. Khu vực này có mật độ cây không dày, người dân đã phát le và các loại dây leo để trồng chuối. Quan trọng hơn đã có hiện tượng “xí phần” đánh dấu để phá rừng của những người dân nơi đây. Nhiều cây gỗ đã bị người dân cạo vỏ để cây bị chết, sau đó cưa xuống và đốt. Điều này chứng tỏ người dân bằng mọi giá sẽ triệt hạ rừng để lấy đất sản xuất, mặc dù rừng ở khu vực này là rừng sản xuất nhưng nó có tính chất phòng hộ, giữ nước bảo vệ cho một khu vực đồng bằng rộng lớn phía hạ du.

Bên cạnh việc phá rừng do địa phương quản lý, thì người dân còn vào cả khoảnh 1 do Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý để chặt hạ cây rừng. Gần 2 ha bị phá gần trạm gác của đơn vị này nhưng cơ quan này vẫn…không hề biết(!?).

CÓ SỰ TIẾP TAY?

Có thể nói việc phá hơn 20 ha rừng ở tiểu khu 152 đã diễn ra từ nhiều năm nay. Thế nhưng sự việc vẫn qua mặt được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Dư luận đang đặt ra câu hỏi liệu có sự tiếp tay của chính quyền địa phương?

Trong nỗ lực đi tìm cho câu trả lời này, chúng tôi đã đến UBND xã Nghĩa An để làm việc với lãnh đạo xã. Liên lạc qua điện thoại thì được thông báo là bận. Đến khi chúng tôi liên lạc được với ông Chủ tịch xã thì ông cho rằng: “Cái này phải hỏi Kiểm lâm, xã không có quyền trả lời”. Câu trả lời của vị đứng đầu địa phương cho thấy họ còn rất…thờ ơ với rừng. Theo quy định của pháp luật thì Chủ tịch UBND xã là chủ rừng trên địa bàn mình quản lý. Sự việc phá rừng đã diễn ra nhiều năm, thế nhưng chính quyền địa phương đã buông lỏng hoặc giấu thông tin với cấp trên. Cùng với đó, gần 2 ha rừng thuộc diện quản lý của Cty TNHH Sông Kôn cũng bị chặt phá, mặc dù diện tích này rất gần với trạm cửa rừng của Cty này.

Sau khi phát hiện diện tích rừng bị phá, Huyện ủy Kbang đã thành lập đoàn công tác do ông Hồ Trung Hưng- Phó Bí thư Huyện ủy dẫn đầu để đi kiểm tra thực tế. Theo kết quả ban đầu thì có hơn 30 ha rừng bị phá, số liệu này do Kiểm lâm địa bàn cung cấp. Trên thực thế, số diện tích rừng bị phá mà Kiểm lâm đo được đã trùng lên diện tích mà huyện đã cấp bìa đỏ cho dân theo Quyết định 123. Việc này cho thấy, Kiểm lâm địa bàn đã không hiểu rừng và không hiểu được diện tích rừng do mình quản lý, phụ trách nên mới xảy ra việc đo đạc nhầm. Sự “không hiểu” ấy đã dẫn đến tình trạng rừng bị phá như hiện nay.

Qua quá trình thu thập thông tin phục vụ cho bài viết, chúng tôi phát hiện ở Kbang cũng đang xôn xao dư luận có một số cán bộ xã tham gia tiếp tay cho việc phá rừng, bởi hơn 20 ha rừng bị phá nằm tương đối gần UBND xã Nghĩa An, nhưng chính quyền xã lại không phát hiện được. Khi huyện đi kiểm tra thì mọi chuyện đã rồi.

PHÁ RỪNG DO…THIẾU ĐẤT SẢN XUẤT?

Lãnh đạo huyện Kbang đã bày tỏ sự cương quyết trong xử lý sự việc. Thế nhưng hiện nay ở Kbang vẫn còn một số làng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, nếu chính quyền các cấp không quan tâm giải quyết kịp thời vấn đề này thì việc phá rừng sẽ vẫn diễn ra. Cùng với đó, có hay không việc tiếp tay và trách nhiệm của các cấp liên quan cũng cần phải được xem xét, làm rõ.

Trong quá trình điều tra thu thập thông tin, chúng tôi được biết: Nguyên nhân chủ yếu của việc phá rừng nói trên là do người dân hai làng Quao và làng Lợt (xã Nghĩa An) thiếu đất sản xuất nên mới chặt phá rừng. Trong số diện tích rừng bị phá trước đó, UBND huyện đã có văn bản gửi các ngành liên quan và UBND tỉnh, xin chuyển đổi mục đích để giao cho dân sản xuất. Nắm được thông tin này, người dân đã “đi tắt đón đầu” bằng cách tự ý phá rừng. Nhiều nguồn tin cho rằng đã có những hộ người Kinh thuê người đồng bào dân tộc thiểu số vào phá rừng, sau đó cho mượn đất trồng mì và sẽ lấy lại để trồng cao su. Chính vì vậy mà tốc độ phá cũng như quy mô phá rừng mới diễn ra nhanh và nhiều đến như vậy.

Trao đổi với chúng tôi về vụ phá rừng ở tiểu khu 152, ông Phạm Xuân Trường- Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: “Sau khi phát hiện diện tích rừng bị phá, huyện đã thành lập đoàn công tác để kiểm tra việc này. Hiện nay có 148 hộ dân ở hai làng Quao và làng Lợt (xã Nghĩa An) thiếu đất sản xuất nên đã tự ý phá rừng để lấy đất sản xuất. Chúng tôi đang tiếp tục thành lập đoàn công tác để nắm rõ số cây bị cưa, số người tham gia phá rừng để có hướng xử lý”. Cùng quan điểm trên, ông Hồ Trung Hưng- Phó Bí thư Huyện ủy cho biết thêm: “Huyện ủy sẽ chỉ đạo làm sáng tỏ vụ việc trên. Quan điểm của chúng tôi là sẽ xử lý nghiêm minh, quy rõ trách nhiệm, không bao che, dung túng cho việc làm phi pháp này”.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân bị lật thuyền trên hồ thủy điện Sơn La

Chiều 22/4, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, thi thể 2 nạn nhân trong vụ lật thuyền trên lòng hồ thủy điện Sơn La đã được tìm thấy.