| Hotline: 0983.970.780

Tan nát rừng giáp ranh

Thứ Sáu 14/10/2011 , 15:08 (GMT+7)

Trước mắt chúng tôi, những cánh rừng giáp ranh Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (xã Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk) bị lâm tặc tàn phá như chốn không người.

Trước mắt chúng tôi, những cánh rừng giáp ranh Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (xã Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk) bị lâm tặc tàn phá như chốn không người. Thậm chí, chúng còn tiến sâu vào khu vực bảo vệ nghiêm ngặt chặt phá gỗ quý và tận diệt động thực vật quý hiếm.

Giáp ranh = vô chủ

Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (xã Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk) là một trong những nơi còn sót lại nhiều loài động, thực vật quý hiếm như: bò tót, bò rừng, gỗ hương, cẩm lai, cà chít…Thời gian gần đây, không chỉ tàn phá những khu rừng giáp ranh “vô chủ”, lâm tặc đã xông vào vùng lõi để phá hại. 

Phần ngọn của cây cẩm xe có đường kính hơn 1m ở khu rừng “vô chủ” vừa bị lâm tặc đốn hạ

Sau hơn 4 giờ theo chân Đoàn kiểm tra của Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Ea Sô băng rừng, lội suối chúng tôi có mặt tại cột mốc số 20, nằm cạnh dòng sông Krông H’năng. Đây là địa điểm đánh dấu ranh giới giữa Khu BTTN Ea Sô với khu rừng thuộc địa giới hành chính của huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) và Sông Hinh (tỉnh Phú Yên). Khi cả đoàn mệt lả tìm chỗ nghỉ chân thì bất ngờ bắt gặp một nhóm người đang dùng rìu đốn hạ một cây gỗ hương.

Các kiểm lâm nhanh chóng bao vây, tịch thu tang vật và lấy lời khai. Tranh thủ trò chuyện với Ksor Tương (SN 1991, trú huyện Krông Pa, Gia Lai), một người trong nhóm cho biết: “Trong làng mình có hơn một nửa người dân đi làm gỗ vì dễ có tiền. Mỗi kg gỗ hương được thu mua tại bến sông có giá từ 5.000-6.000 đồng nên một người có thể làm được cả mấy trăm ngàn một ngày là chuyện thường”. 

Một cây cẩm xe vừa bị đốn hạ tại khu vực giáp ranh với khu bảo tồn

Khi được chúng tôi hỏi khu rừng này do ai quản lý thì anh Phan Văn Quang - Trạm phó Trạm kiểm lâm số 5 phân trần rằng đây là khu vực giáp ranh và không biết...do ai quản lý! Để chứng kiến những cánh rừng “vô chủ” bị băm nát như thế nào, chúng tôi tiến sâu vào khoảng 500m. Trước mắt là hàng trăm cây gỗ quý như hương, cẩm xe, cà chít… bị đốn hạ ngổn ngang. Trong số đó, có rất nhiều cây gỗ quý chỉ mới đốn hạ chứ chưa khai thác. 

Một cây hương có đường kính hơn 1m đã bị lâm tặc lấy sạch tại khu vực “nghĩa địa” gỗ hương

Chỉ tay về phía một cây cà chít có đường kính khoảng 80cm, dài hơn 7m, anh Quang cho biết: “Thấy vậy chứ những cây gỗ này đã có chủ hết rồi. Do chưa tìm được mối bán nên lâm tặc chưa mang đi thôi (!)”. Càng đi sâu vào trong, mới cảm nhận được sức tàn phá ghê gớm của con người. Dọc đường đi, chúng tôi nhiều lần phải nghe tiếng rít vang của máy cưa, tiếng rìu chặt gỗ và cả những tiếng cây rừng ào ào đổ xuống. Trên đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp từng nhóm từ 3 đến 5 người ngang nhiên đốn hạ cây rừng như chốn không người. 

Lâm tặc bắc cầu trong khu rừng nguyên sinh để thuận tiện cho việc vận chuyển gỗ

Hơn 4 giờ chiều, khi cả đoàn đang loay hoay tìm chỗ nghỉ qua đêm thì bất ngờ có 6 “lâm tặc” dùng 4 chiếc xe máy đã được độ chế chở 3 khúc gỗ hương dài hơn 1m, đường kính khoảng 30cm ào ào phóng từ trong rừng ra. Khi những người này bị bắt giữ, họ khai nhận số gỗ trên vừa mới được đốn hạ từ một cây gỗ hương ở gần đó. Do khu vực này thuộc địa phận quản lý của huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), cách trụ sở Khu BTTN Ea Sô gần một ngày đi bộ nên cán bộ kiểm lâm chỉ biết tịch thu tang vật để tiêu huỷ, còn người và xe máy đành thả cho về.

 Anh Quang cho biết thêm: “Trước đây, khu rừng này có rất nhiều thú rừng và gỗ quý hiếm. Nhưng từ đầu năm 2011 tới nay, lâm tặc đã lợi dụng sự “vô chủ”, đua nhau tràn vào khai thác gỗ khiến các loài thú cũng dần bỏ đi hết. Anh em chúng tôi vẫn quen gọi khu vực này là bãi ... nghĩa trang”. 

Một nhóm lâm tặc đang vận chuyển gỗ trên sông Krông H’năng về bến Hai Cả

Tấn công vùng lõi

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gỗ được khai thác ở những cánh rừng vận chuyển bằng hai con đường: Một là kết bè thả trôi theo dòng sông Krông H’năng về bến Hai Cả (thuộc địa bàn huyện Krông Pa, Gia Lai), hai là vận chuyển theo đường mòn bằng xe độ chế. Nhưng phần lớn gỗ được vận chuyển bằng cách kết bè thả xuôi theo sông Krông H’năng, sau đó được trục vớt gỗ tại bến Hai Cả vì cách này vừa an toàn, lại ít chi phí.

Theo một số đầu nậu thu mua gỗ cho biết, thời gian gần đây gỗ hương bán rất được giá. Chỉ cần tập kết tại bến đò Hai Cả là có người tới mua. Nếu gỗ hương xẻ hộp đẹp có khi lên đến 60-80 triệu đồng/m3, còn gỗ hương cong queo, nhỏ bằng bắp chân trở xuống thì bán theo ký trung bình từ 5.000 – 6.000 đồng/kg. Gỗ sau khi khai thác được “lâm tặc” dùng xe máy vận chuyển ra sông Krông H’năng tập kết. Sau đó, dùng thùng phuy, can nhựa, xăm xe ô tô kết lại thành bè, cột gỗ vào rồi thả trôi theo dòng nước. 

Trong chuyến đi thực tế, chúng tôi đã phát hiện hàng chục nhóm lâm tặc đang khai thác, vận gỗ chuyển trái phép trong khu vực giáp ranh với khu bảo tồn

Men theo sông Krông H’năng về phía hạ nguồn, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp một nhóm người đang bám theo bè gỗ. Anh Lê Xuân Tùng, Đội phó Đội kiểm lâm cơ động huyện Ea Kar lắc đầu ngao ngán, nói: “Vận chuyển gỗ trên đường bộ anh em chúng tôi còn dễ xử lý. Đằng này họ vận chuyển bằng đường thuỷ nên không bắt được. Còn tại bến Hai Cả, thuộc địa bàn của tỉnh khác chúng tôi không có chức năng bắt gỗ ở đây”.

 Bên kia dòng sông Krông H’năng là huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), gỗ sau khi đến bến sông Hai Cả được vận chuyển về các xưởng cưa trong vùng. Chỉ tính riêng thôn Tân Lập, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh đã có hàng chục xưởng cưa chuyên “nuốt” gỗ lậu.

Ông Lê Đắc Ý, Giám đốc Khu BTTN Ea Sô, cho biết: “Tại khu vực giáp ranh giữa khu bảo tồn và các huyện của tỉnh Gia Lai hiện có rất nhiều "lâm tặc” lấy danh nghĩa là người của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai dùng cưa máy vào khai thác gỗ trên diện rộng. Trong đợt kiểm tra mới đây, chúng tôi đã phát hiện hơn 30 cây gỗ hương với khối lượng trên 100m3 vừa bị khai thác. Hiện những khu rừng giáp ranh đang cạn kiệt gỗ quý, lâm tặc đã và đang tràn vào khu bảo tồn”. 

Có hàng trăm cây gỗ hương vừa bị đốn hạ tại khu vực “nghĩa địa” gỗ hương

Thú rừng bị tận diệt

Hiện tình hình săn bắn động vật trên lâm phần Khu BTTN Ea Sô diễn ra rất phức tạp. Chỉ tính riêng xã Ea Đah và Ea Púk (huyện Krông Năng, Đăk Lăk) đã có hàng trăm người chuyên đi săn thú. Trong năm nay, Hạt Kiểm lâm KBTTN Ea Sô đã bắt quả tang hàng chục vụ xâm nhập vào khu bảo tồn để săn bắn động vật hoang dã. Điều đáng nói, khi bị phát hiện, lâm tặc sẵn sàng chống trả quyết liệt để thoát thân.

Cuối năm 2010, Phạm Văn Ngân (SN 1958, trú huyện Ea Kar, Đăk Lăk) cùng con trai là Phạm Văn Đạt (SN 1989) đã mang 2 khẩu súng vào tiểu khu 628 để săn thú. Bị đuổi theo, Ngân đã quay lại và dùng súng CKC bắn vào lực lượng kiểm lâm. Hậu quả, kiểm lâm viên Hoàng Văn Nam bị thương tích 25% sức khoẻ.

Ngày 15/7/2011, Trạm Kiểm lâm số 2, Khu BTTN Ea Sô phát hiện 5 lâm tặc đang khai thác gỗ trái phép. Bị phát hiện, 1 lâm tặc đã ôm cưa máy chạy về làng, sau đó tổ chức người dân thôn Giang Đông (xã Ea Đah, Krông Năng, Đăk Lăk) bao vây và giải thoát cho các đối tượng bị bắt đồng thời chuyển tang vật về làng. Để trả thù, nhóm lâm tặc tổ chức hàng trăm người dân tiếp tục kéo đến Trạm Kiểm lâm số 2, một đối tượng đã dùng súng bắn 7 viên đạn vào người anh Vương Thế Cao, làm anh Cao thương tật 25%.

Trước đó, ngày 26/2/2008, một nhóm lâm tặc đã tràn vào tiểu khu 623 và 630 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu BTTN Ea Sô để khai thác gỗ. Tại hiện trường, có 79 cây gỗ căm xe bị đốn hạ, trong đó có 27 cây đã bị lấy hết phần thân, tổng khối lượng hơn 68m3

Trước đó, ngày 25/4/2010, 4 nhân viên của Trạm Kiểm lâm số 2 bắt được 3 đối tượng, trú xã Ea Đăh, Krông Năng, đang cầm trên tay 1 con nai trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt. Các kiểm lâm viên đã bắt được 2 lâm tặc, sau đó hàng chục đối tượng đã bao vây chống trả làm anh Lê Tấn Hoàng thương tật 31%.

Ông Ý cho biết: “Hiện nay, phía Tây của Khu BTTN Ea Sô, tình trạng dùng súng, bẫy để săn thú đang diễn ra hết sức phức tạp. Các đối tượng lâm tặc đang truyền tai nhau rằng, Khu BTTN Ea Sô đã giải thể cùng với rừng phòng hộ Krông Năng. Việc săn bắn thú rừng không bị ngăn cấm nên nhiều người đã nghe theo và ồ ạt vào rừng săn bắn. Từ đầu năm 2011 đến nay, chúng tôi đã bắt giữ 12 vụ săn bắn động vật rừng trái phép trong lâm phần của khu bảo tồn, xử lý 16 đối tượng, thu giữ, phá huỷ hàng ngàn bẫy thú”.

Tình trạng săn bắt động vật, khai thác gỗ đang diễn ra hết sức phức tạp tại Khu BTTN Ea Sô. Nếu không sớm có sự phối hợp giữa các địa phương lân cận, không lâu khu bảo tồn này sẽ vắng bóng những loài động, thực vật quý hiếm, có tên trong sách đỏ.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.