| Hotline: 0983.970.780

Tan nát vùng tôm

Thứ Sáu 04/10/2013 , 09:22 (GMT+7)

Ông Nguyễn Ngọc Phú kể trong nỗi buồn nát lòng: “Lúc bão đến, mưa khủng khiếp lắm. Nước trong hồ xả không xuể. Bão xoáy tạo nên áp lực lớn làm hai hồ nuôi (khoảng 1 ha) bị vỡ toác. Trong hồ là tôm thương phẩm chỉ khoảng tháng nữa là thu hoạch. Hồ vỡ, tôm cuốn sạch..."

Ông Nguyễn Ngọc Phú (người nuôi tôm ở Hải Ninh - Quảng Ninh -Quảng Bình) kể trong nỗi buồn nát lòng: “Lúc bão đến, mưa khủng khiếp lắm. Nước trong hồ xả không xuể. Bão xoáy tạo nên áp lực lớn làm hai hồ nuôi (khoảng 1 ha) bị vỡ toác. Trong hồ là tôm thương phẩm chỉ khoảng tháng nữa là thu hoạch. Hồ vỡ, tôm cuốn sạch. Hơn 1,2 tỷ đồng tưởng trong tầm tay lại hút bay nhanh như bão đến”.

DN lớn, thiệt hại lớn

Chi nhánh trại giống Quảng Bình (thuộc Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam - vốn 100% nước ngoài) nằm tại địa bàn xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy - Quảng Bình) được đầu tư xây dựng trên vùng đất rộng trên 3 ha, tổng mức đầu tư trên 120 tỷ đồng.

Chi nhánh trại giống (gọi tắt trại giống) có nhiệm vụ sản xuất giống tôm thẻ chân trắng với sản lượng 150 triệu post (con giống)/tháng. Đây được xem là nhà máy được đầu tư công nghệ hiện đại nhất của Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam tại thời điểm này. Sau 7 tháng đi vào hoạt động, trại giống đã cung ứng ra thị trường (từ tỉnh Quảng Ninh đến TT-Huế) 780 triệu con giống chất lượng cao.

Anh Nguyễn Hải, một công nhân kể lại: “Khoảng 16 giờ thì cơn bão hoành hành dữ nhất. Đầu tiên là hàng loạt cột điện li tâm của hệ thống điện nội bộ bị bẻ gãy. Tiếp theo là tôn (loại tôn 3 lớp nặng và chắc) bị bão cuốn hất lên và bay trên không trung như có ai tung một nắm giấy vụn lớn. Anh em công nhân ai cũng như nín thở, không dám ra khỏi khu nhà chính đổ mái bằng vì sợ”.


Trại giống tan nát sau bão

Sau khi bão tan, điện mất hoàn toàn. Dù trại giống có dự phòng máy phát điện nhưng do hệ thống điện nội bộ đã bị bão quét đứt lung tung nên không thể vận hành được. Chị Nguyễn Thị Thắm - lãnh đạo trại cho hay: “Lúc này, ở trại có 75 triệu con giống. Mất điện chỉ sau mười phút là toàn bộ con giống yếu sức và sau khoảng nửa giờ đồng hồ thì coi như chết hoàn toàn. Trị giá của số con giống này trên 7 tỷ đồng”.

Cũng theo chị Thắm, ngoài thiệt hại con giống thì hơn 3.000 con tôm bố mẹ được nhập khẩu từ Thái Lan về (trị giá mỗi con khoảng 1,5 triệu đồng) đã bị ảnh hưởng nặng. Đến ngày hôm sau, không thể khắc phục được để có điện nên số tôm bố mẹ này phần chết, phần yếu sức và cũng phải xử lý. “Riêng tôm bố mẹ bị thiệt hại trên 4,5 tỷ đồng”, chị Thắm tính.

“Sao Thần nông” kêu cứu!

“Sao Thần nông” năm 2009 Võ Đại Nghĩa có khu trang trại đa ngành ở xã Hải Ninh - Quảng Ninh - Quảng Bình. Vào vụ, trang trại có 32 hồ tôm (mỗi hồ khoảng 5.000 m2), trong đó có 8 hồ tôm khoảng 20 ngày nữa là cho thu hoạch. Trước đó, ông Nghĩa xuất bán hai hồ thu 3,2 tỷ đồng.

Dù có sự chuẩn bị ứng phó với bão khá kỹ, nhưng cũng không thể làm gì được khi bão giật trên cấp 12. Trong bão, ông Nghĩa ngậm nước mắt nhìn 7 hồ tôm bị bão lũ cuốn đi. Ngoài ra, khu hồ cá cũng bị mất trắng hơn 100 tấn. “Sơ bộ thì thiệt hại khoảng hơn 10 tỷ đồng; trong đó thiệt hại về tôm, cá khoảng 9,5 tỷ”, ông Nghĩa đau đớn.


Khu nuôi giống bị thiệt hại cơ bản

Hiện trang trại còn 25 hồ tôm (trong đó có 8 hồ gần xuất bán) đang phải kêu cứu... nhà điện. Theo ông Nghĩa, mặc dù ông có đến hai máy phát chạy dầu diezen nhưng cũng chỉ đủ chạy dè sẻn cấp ôxi các hồ tôm chứ không thể dùng chạy hệ thống máy bơm nước từ biển vào hồ xử lý để thay nước cho tôm.

“Hai máy này mỗi ngày chạy hết khoảng 50 triệu tiền dầu”, ông Nghĩa nói. Dù đã gặp Chi nhánh điện của huyện để đề nghị giúp đỡ. Tuy nhiên do bão lớn làm thiệt hại nên khắc phục được sự cố này phải mất hàng chục ngày. Để cấp cứu hồ tôm, ông Nghĩa thuê từ Đà Nẵng cấp tốc chở ra hai máy phát hỗ trợ máy bơm nước. Tiền thuê là 5 triệu mỗi ngày.


Ông Võ Đại Nghĩa: "Nếu bán bây giờ mỗi hồ tôm mất trông thấy 1 tỷ đồng"

Ông Nghĩa lắc đầu: “Nếu chạy bốn máy phát thì chi khoảng trăm triệu tiền dầu mỗi ngày. Trong khi đó, nếu có điện lưới thì chỉ mất 15 triệu đồng”. Tuy nhiên, với cách “cấp cứu” này mà không được thì ông Nghĩa phải bán non 8 hồ tôm để còn sức cứu những hồ tôm còn lại. “Nếu bán tại thời điểm này thì sản lượng thấp, giá cả cũng chỉ đạt khoảng 600 triệu/hồ. Kéo được đến kỳ thu hoạch thì chắc chắn có số thu 1,6 tỷ/hồ. Không thể kéo được thì mất trông thấy mỗi hồ 1 tỷ đồng".

Còn có cái để “kêu cứu” như ông Nghĩa dù sao còn hy vọng. Ông Nguyễn Ngọc Phú đầu tư nuôi hai ao tôm. Mấy năm trước, nuôi tôm cứ trầy trật nên cứ lỗ hay hòa vốn. Được vụ tôm thuận lợi, tôm phát triển tốt giá cả lên cao, ông Phú hy vọng được vụ thu hoạch cao, có tiền trang trải nợ nần. "Nhưng bây giờ hy vọng đó đã bị cơn bão cuồng phong đẩy hết ra biển", ông Phú buồn bã.

+ Hầu hết những người nuôi tôm ở Quảng Bình đều bị bão làm thiệt hại rất nặng. Người ít thì dăm bảy trăm triệu. Người nhiều lên đến vài tỷ, chục tỷ. Khoản nợ vay để đầu tư nôi tôm cứ đè nặng mãi.

+ Theo báo cáo nhanh của Sở NN-PTNT Quảng Bình, toàn tỉnh mất trắng hơn 1.500ha nuôi trồng thủy sản, tổng giá trị thiệt hại trên 200 tỷ đồng. Riêng hồ tôm có 200ha mất trắng với số tiền thiệt hại trên 120 tỷ đồng.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất