| Hotline: 0983.970.780

Tàn phá đê Phú Thọ, liệu có bảo kê? - Điểm mặt các doanh nghiệp vi phạm

Thứ Tư 09/09/2015 , 10:12 (GMT+7)

Lợi dụng chủ trương cho phép kinh doanh bến bãi tập kết cát sỏi, hàng loạt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ồ ạt mở các bến bãi trái phép, xâm hại cực kỳ nghiêm trọng đến hệ thống đê điều và hành lang thoát lũ trên địa bàn.

Hầu hết các huyện, thị, TP ở tỉnh Phú Thọ đều có thực trạng vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều, phổ biến nhất là ở TP Việt Trì, huyện Đoan Hùng, huyện Phù Ninh... Hàng loạt sai phạm diễn ra trong nhiều năm nhưng dường như có sự bao che của địa phương.

Bất chấp pháp luật

Nhóm PV NNVN có mặt tại địa bàn xã Phượng Lâu (TP Việt Trì), một trong những điểm nóng về thực trạng các DN kinh doanh bến bãi đang tàn phá đê điều, gây bức xúc trong nhân dân.

Đi dọc tuyến đê sông Lô, chúng tôi thực sự hãi hùng bởi những hành vi vi phạm hết sức ngang nhiên của các DN. Những chuyến xe tải kìn kìn nối đuôi nhau chở vật liệu xây dựng băm nát mặt đê, cát sỏi rơi vương vãi, bụi bay mù mịt.

Toàn tuyến đê chẳng khác gì một đại công trường khổng lồ, náo nhiệt. Những bãi tập kết cát sỏi chất cao như núi ngay sát chân đê, cao cách mặt đê hàng mét.

Theo điều tra của NNVN, trên địa bàn xã Phượng Lâu hiện có 5 DN được cấp phép kinh doanh bến bãi, bãi tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng.

Trong đó, có 3 DN thường xuyên vi phạm Luật Đê điều, gây ảnh hưởng đến an toàn đê sông Lô là Cty TNHH MTV Thương mại và Xây dựng An Khang, Cty cổ phần Tùng Ngọc và Cty cổ phần Thượng Long.

Năm 2014, trong một đợt kiểm tra của đoàn liên ngành vào ngày 18/12, Cty An Khang đã có các hành vi vi phạm nghiêm trọng như đắp lấn ra lòng sông, bãi sông, vi phạm khoản 7, điều 7 Luật Đê điều.

Chất tải vật liệu trong hành lang đê, mái đê, bãi sông khi chưa được cấp phép, vi phạm khoản 10, điều 7 và điểm g khoản 1 điều 25 và điều 29 Luật Đê điều. Sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ làm nơi tập kết, trung chuyển vật liệu, vi phạm Nghị định số 34/2010 của Chính phủ.

Cũng trong quá trình hoạt động, Cty An Khang không có Bản cam kết bảo vệ môi trường, phát sinh chất thải nguy hại như vỏ thùng, can bám dính dầu bôi trơn. Không đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư số 12/2011 của Bộ TN-MT, vi phạm Nghị định số 179/2013 của Chính phủ...

Ngoài ra, Cty An Khang còn tự ý chuyển mục đích diện tích 9.748,81m2 đất trồng cây hàng năm thuê của 93 hộ dân sang làm bãi tập kết kinh doanh bến bãi tại xã Phượng Lâu, vi phạm khoản 3 điều 12 Luật Đất đai 2013.

Lấn chiếm hành lang đê, bờ vở sông 17,265m2 để tập kết vật liệu kinh doanh bến bãi, vi phạm khoản 1, điều 12, Luật Đất đai.

Tương tự là các Cty Thượng Long, Tùng Ngọc, Việt Tiến...

Đối với Cty Việt Tiến, từ khi được thuê đất đến thời điểm kiểm tra, Cty không ký hợp đồng thuê đất với Sở TN-MT Phú Thọ, không thực hiện nộp tiền thuê đất với Nhà nước, diện tích 8.855m2.

Lấn chiếm hành lang đê, bờ vở sông với tổng diện tích 13.870m2 để tập kết kinh doanh bến bãi, vi phạm khoản 1, điều 12, Luật Đất đai. Xây nhà trong bãi sông khi chưa được cấp phép, mở đường đấu nối trái phép vào đường tỉnh 323...

Mặc dù có những vi phạm nghiêm trọng như trên, nhưng những DN này vẫn ngang nhiên hoạt động, có phần ngày một quy mô hơn.

Bằng chứng là ngày 2/4/2015 vừa rồi, Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh Phú Thọ tổ chức kiểm tra, giải quyết vi phạm đê điều trên địa bàn xã Phượng Lâu thì hàng loạt các DN tiếp tục "dính".

Cả 4 DN bị kiểm tra gồm Cty TNHH Việt Tiến, Cty CP Tùng Ngọc, Cty CP Thượng Long, Cty An Khang tiếp tục vi phạm với các hành vi xây nhà trái phép trong bãi sông, chất tải vào hành lang đê, đắp lấn ra lòng bãi sông, tự ý thuê đất của các hộ dân để làm bến bãi tập kết...

Tiếp tục mở rộng điều tra, nhóm PV NNVN phát hiện, không chỉ riêng trên địa bàn TP Việt Trì mà thực trạng vi phạm nghiêm trọng đến đê điều và hành lang thoát lũ xảy ra phổ biến ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Cụ thể, dọc tuyến đê sông Lô thuộc địa bàn huyện Phù Ninh và Đoan Hùng, hiện nay có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng vi phạm Luật Đê điều.

Thậm chí có đơn vị, doanh nghiệp còn tự ý xây dựng các công trình kiên cố ngay sát chân đê, lấn chiếm lòng, bãi sông làm cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ.

Tại huyện Phù Ninh, tình trạng vi phạm tập trung chủ yếu ở xã Tiên Du. Theo kết quả kiểm tra của các ngành chức năng của tỉnh, huyện, trên địa bàn xã có 17 tổ chức, cá nhân kinh doanh bến bãi thì cả 17 tổ chức, cá nhân đều vi phạm các quy định của Nhà nước như sử dụng đất vượt mốc giới được giao, xây dựng các công trình khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép trong lòng sông, bãi sông và không thực hiện quan trắc môi trường.

Còn tại huyện Đoan Hùng, tình trạng vi phạm trong việc kinh doanh bến bãi của các cá nhân, doanh nghiệp cũng diễn ra nhiều.

15-39-54_nh2

Qua công tác phối hợp kiểm tra với các ngành chức năng của tỉnh vào đầu năm 2015 đối với 14/64 bến bãi cho thấy có 9 bến bãi của 8 tổ chức và một hộ gia đình có hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích gần 48 nghìn m2 đất nông nghiệp trồng cây hằng năm sang kinh doanh bến bãi khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép; 8/14 có hành vi đổ đất lấn chiếm hơn 27 nghìn m2 đất lòng sông Lô.

Trước thực trạng vi phạm vô cùng nghiêm trọng của hàng loạt tổ chức, cá nhân đang ngày đêm tàn phá các tuyến đê trên địa bàn, Chi cục Đê điều- PCLB tỉnh Phú Thọ và Sở TN-MT tỉnh Phú Thọ đã tiến hành tổng hợp, rà soát và báo cáo lên UBND tỉnh Phú Thọ bản danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bản "tấu chương" bao gồm 31 tổ chức, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh với hàng loạt hành vi vi phạm cực kỳ nghiêm trọng được gửi đi, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, kết quả xử lý vẫn còn hết sức bí ẩn.

Thực tế, mặc dù bản danh sách 31 tổ chức, cá nhân với các hành vi vi phạm được tổng hợp cụ thể, nhưng con số này chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm về thực trạng vi phạm đang vô cùng nhức nhối ở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Liệu có bảo kê?

Việc các DN hoạt động kinh doanh bến bãi khai thác cát sỏi trên địa bàn vẫn ngang nhiên hoạt động, ngang nhiên vi phạm dù đã có hành vi hết sức rõ ràng khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Phải chăng đang có sự bao che, thậm chí là tiếp tay?

Theo điều tra của NNVN, với tình hình thực tế trên sông khá phức tạp thì những DN khi bước chân vào lĩnh vực kinh doanh khai thác bến bãi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều là những DN hết sức có máu mặt. Thậm chí, không ít DN còn là người nhà của một số cán bộ Nhà nước.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 155 điểm kinh doanh bến bãi của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang hoạt động, trong đó chủ yếu trên tuyến sông Lô, sông Đà và sông Chảy.

Hầu hết các bến bãi đều có vi phạm như lấn chiếm sử dụng trái phép lòng sông, bãi sông làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, trung chuyển hàng hóa, sử dụng trái phép hành lang đê, chất thải trên mái đê, xây dựng công trình trong hành lang thoát lũ, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều.

Trong quá trình tác nghiệp tại xã Phượng Lâu, khi tìm hiểu về các DN đang tàn phá đê điều ở địa phương này, nhóm PV NNVN nhận được những lời cảnh báo: Toàn mấy DN của các ông to cả đấy. Không làm được gì đâu.

Ngoài ra, đoàn liên ngành cũng đã phát hiện các tổ chức, cá nhân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất hơn 100.000 m2, lấn chiếm hơn 41.000 m2 cùng nhiều vi phạm khác.

Sau khi tiếp nhận các bản “tấu chương” từ các sở ban ngành liên quan, ngày 17/6/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Chu Ngọc Anh đã ký văn bản số 2311/UBND-KT4 về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh.

Văn bản này nêu rõ: Đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết và kinh doanh cát sỏi trái phép: Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị, thành tăng cường công tác tuần tra để phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện chỉ đạo các phòng ban chuyên môn giải tỏa dứt điểm các bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi trên địa bàn, xử lý theo thẩm quyền đối với các chủ bãi cố tình vi phạm.

Kết quả thực hiện gửi về Sở TN-MT trước ngày 20/7/2015 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Quá thời hạn nêu trên, nếu UBND huyện, thành, thị nào không gửi báo cáo thì Chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Để tìm hiểu về kết quả thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, ngày 24/8/2015 (tức là hơn một tháng sau thời hạn các địa phương phải báo cáo) PV NNVN đã liên hệ làm việc với Sở TN-MT tỉnh Phú Thọ.

Ông Trần Xuân Hải – PGĐ Sở TN-MT tỉnh này khẳng định: Một số đơn vị vẫn chưa rà soát hết, chúng tôi đang đề nghị các huyện rà soát tiếp.

Khi chúng tôi đề đạt mục đích xin kết quả xử lý các vi phạm theo chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh, ông  Trần Xuân Hải – PGĐ Sở TN-MT tỉnh này nói rằng Thanh tra Sở đang đi vắng và hẹn hôm sau.

Ngày 26/8/2015, PV tiếp tục quay lại Sở TN-MT tỉnh Phú Thọ và được bố trí làm việc với ông Bạch Thái Toàn, Phó Chánh thanh tra Sở và ông Hoàng Như Lô, Trưởng phòng Khoáng sản của Sở TN-MT. Cả hai ông này đều khẳng định chưa có kết quả tổng hợp, xử lý từ các đơn vị.

Thậm chí, với vai trò thanh tra các sai phạm về môi trường trên địa bàn, ông Bạch Thái Toàn còn khẳng định thêm: Từ năm 2014 đến nay, đơn vị này chưa hề tổ chức thanh tra, kiểm tra độc lập lần nào.

 

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tiếp nguồn cát thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

CẦN THƠ Những sà lan chở cát từ mỏ Bình Phước Xuân (An Giang) đã về đến Cần Thơ phục vụ thi công Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.