| Hotline: 0983.970.780

Tan tác làng tôm

Thứ Ba 07/06/2011 , 10:56 (GMT+7)

Ở khu vực huyện Long Thành và Nhơn Trạch (Đồng Nai), chỉ sau vài vụ thất bại khiến nhiều hộ dân đã trắng tay phải chấp nhận “bỏ của chạy lấy người”, vì càng nuôi càng lỗ…

Bỏ ra hàng chục triệu đồng đầu tư thuê đất đào ao nuôi tôm công nghiệp ở khu vực huyện Long Thành và Nhơn Trạch (Đồng Nai), thế nhưng chỉ sau vài vụ thất bại khiến nhiều hộ dân đã trắng tay phải chấp nhận “bỏ của chạy lấy người”, vì càng nuôi càng lỗ…

TÔM CHẾT, HẾT VỐN

Khác với không khí nhộn nhịp trước đây, dọc con đường đất đỏ chạy vào đồng Mô Rùa, đồng Ông Trúc là khu nuôi tôm công nghiệp và quảng canh với quy mô lớn của ấp Bà Trường, xã Phước An (Nhơn Trạch) im lìm, vắng teo. Dù mới khoảng 8 giờ sáng, trời nắng chang chang oi bức, mùi hôi tanh từ những ao nuôi càng bốc lên nồng nặc lan tỏa khắp vùng. Hàng loạt ao nuôi tôm đang bỏ hoang phơi nứt đáy, chòi canh trống hoác, rách nát, xiêu vẹo, máy bơm và những dàn quạt tạo oxy cũng vứt chỏng chơ quanh ao, chẳng một bóng người.

Anh Nguyễn Văn Sáu, quê Quảng Ngãi, ngồi lặng lẽ trong chòi lá, buồn bã than vãn: “Đáng ra giờ này bà con chúng tôi đã chuẩn bị thu hoạch tôm, nhưng mấy vụ rồi như có con nước lạ ập đến cuốn mất ráo cả chì lẫn chài khiến nhiều người nuôi trắng tay, kiệt vốn nên đã phải bỏ về quê rồi!”. Năm 2002, anh Sáu vào ấp Bà Trường thuê đất đào ao nuôi tôm công nghiệp với giá 30 triệu đồng/ha/năm, lúc đầu nuôi trúng lắm, nhưng từ cuối năm 2010 đến nay, thả mấy đợt tôm liền đều thất bại, khiến chủ cho thuê đất thương tình giảm giá thuê xuống còn 10 triệu đồng/ha/năm, vậy mà các hộ nuôi cũng không bù được lỗ.

Theo anh Sáu, nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng chính là thủ phạm làm cho tôm chết hàng loạt. Đến nay, trong số nhiều người từ Quảng Ngãi vào đây tìm thuê đất đào ao nuôi tôm ở đồng Ông Trúc này chỉ còn mình anh Sáu vẫn ráng trụ lại để muốn thử thêm “canh bạc” cuối cùng với vụ tôm mới.

Dẫn chúng tôi ra thăm ao tôm theo mô hình công nghiệp được đầu tư khá bài bản, ông Trần Văn Đực, ấp 5, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch có thâm niên mấy chục năm trong nghiệp tôm tâm sự: “Trước đây tôi đầu tư nuôi tôm công nghiệp, nếu trúng thì lời bộn, nhưng mất mấy vụ rồi tôm chết trắng ao, bị lỗ nặng “gãy” hết vốn liếng khiến tôi phải chuyển sang nuôi quảng canh, để nuôi tự nhiên, ít chăm sóc”. Theo ông Đực, mấy năm gần đây tôm chết hàng loạt do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ trong ao tăng quá cao như luộc tôm khiến chẳng con nào sống nổi.

THIẾU QUY HOẠCH

Theo thống kê ở xã Long Thọ (Nhơn Trạch) có trên 50 ha ao nuôi tôm công nghiệp phải bỏ hoang và xã Long Phước (Long Thành) cũng có hơn 200 ha ao nuôi tôm bị bỏ hoang. Thời gian qua, người dân chuyển qua nuôi cua, cá, nhưng do nguồn nước ở khu vực này bị ô nhiễm nặng nên ngay cả các loại cá dễ sống như rô phi cũng không chịu nổi. Vì chưa tìm ra mô hình phù hợp để nuôi tiếp nên các hộ nuôi tôm ở đây đành phơi ao.

Nghề nuôi tôm từng phất lên nhanh chóng, không ít hộ đánh liều vác cả sổ đỏ nhà, đất đem thế chấp để vay vốn đầu tư hàng tỷ đồng vào cải tạo ao nuôi, mua sắm thêm máy móc chuyển nuôi công nghiệp. Vậy nhưng “thời hoàng kim” của con tôm công nghiệp cũng chỉ diễn ra trong vòng mấy năm (từ năm 2005 – 2009), sau đó tôm bắt đầu có hiện tượng chết rải rác và chết hàng loạt. Càng đổ tôm giống xuống càng bệnh nhiều khiến người nuôi trắng tay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay diện tích ngưng nuôi tôm đang phơi ao ở 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch có khoảng trên 300 ha, trong đó đa số là các ao nuôi công nghiệp. Chỉ riêng ở ấp Bà Trường có 300 hộ nuôi tôm (chủ yếu là người Quảng Ngãi vào thuê đất), nay 90% hộ đã phơi ao và 50% số người thuê đất đã không nuôi tôm nữa. Trong năm 2010 và quý I/2011, sau ba, bốn vụ tôm mất trắng, khiến nhiều hộ rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất, chưa biết khi nào mới trả hết.

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Việt Lâm, Chủ tịch HND xã Phước An cho biết: Mặc dù nghề nuôi thủy sản vẫn được xác định là kinh tế mũi nhọn của địa phương với 1.070 ha nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp nhưng đến nay do có nhiều khu công nghiệp mọc lên, các loại chất thải công nghiệp tuồn xuống kênh rạch, ao hồ đã giết chết dần môi trường và hệ sinh thái. Hơn nữa, vấn đề quy hoạch vùng nuôi thủy sản cho đến nay cũng chưa rõ ràng, đa số là nuôi tự phát, khiến người dân thấp thỏm, không dám đầu tư mạnh vào nghề nuôi. Đồng thời, cũng do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc người dân bỏ hoang hàng loạt ao nuôi tôm như hiện nay.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất