| Hotline: 0983.970.780

Tan tành giấc mơ nước sạch

Thứ Ba 09/09/2014 , 10:15 (GMT+7)

Gần 1.000 hộ dân thuộc phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn - Bình Định) phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt từ mấy chục năm nay. 

Năm 2012, UBND tỉnh Bình Định quyết định đầu tư xây dựng 1 công trình nước sạch. Nào ngờ dự án này bị đình chỉ, giấc mơ nước sạch của người dân Nhơn Hòa kể như tan tành.

Không dám tắm giặt

Phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn) có gần 8.000 hộ dân với gần 20.000 nhân khẩu. Trong đó, có gần 1.000 hộ sống dọc quốc lộ 19 thuộc các khu vực: Huỳnh Kim, Phú Sơn, Tân Hòa, Trung Ái sống trong cảnh thiếu nước sạch từ mấy chục năm qua.

Theo người dân địa phương, đoạn quốc lộ 19 đi ngang các khu vực nói trên vào trước ngày giải phóng được Mỹ lắp đặt đường ống ngầm trong lòng đất để dẫn xăng dầu từ cảng Quy Nhơn cung ứng cho Tây Nguyên. Khi còn vận hành, đường ống này bị vỡ nhiều lần, nhiều đoạn, xăng dầu thoát ra, ngấm vào đất gây ô nhiễm mạch nước ngầm khiến giếng nước đào xong không sử dụng được vì váng dầu.

Về những khu vực thiếu nước thuộc phường Nhơn Hòa trong những ngày nắng nóng, chúng tôi mới cảm nhận hết nỗi bức xúc nước sinh hoạt của người dân ở đây.

Cụ bà Nguyễn Thị Tĩnh (82 tuổi), khu vực Tân Hòa, ngao ngán dắt chúng tôi ra xem giếng nước có cũng như không bởi nước đục ngầu không sử dụng được: “Khi mới đào, giếng nước này tuy có mùi dầu hỏa nhưng lọc đi thì vẫn tắm giặt được.

Nhưng từ năm 2001, khi khu công nghiệp Nhơn Hòa hình thành, mọc lên nhiều nhà máy chế biến gỗ, họ luộc gỗ rồi xả thải trực tiếp ra môi trường khiến nước giếng trong cả khu đục ngầu như nước sông mùa lũ. Không chỉ vậy, mùi hôi thối xông nồng nặc đến cả tắm giặt cũng không được”, bà Tĩnh bức xúc cho biết.

16-24-48_2
Nước giếng mà đục như nước sông mùa lũ, đến tắm cũng không dám

Cũng theo bà Tĩnh, hàng ngày, các con bà phải đi chở nước tắm giặt ở những hộ trong làng cách xa nhà hàng cây số về dùng. Nước ăn, uống phải mua với giá 10.000đ/bình 20 lít. Do các con bà làm công nhân theo ca, không có nhiều thời gian rảnh rỗi nên việc chở nước cũng không thường xuyên, do vậy việc tắm giặt của cả nhà phải rất hạn chế.

“Nhà tui 2 – 3 ngày mới tắm 1 lần là chuyện thường xuyên”, cụ Tĩnh chua chát. Không chỉ 1 mình nhà cụ Tĩnh, mà cả khu vực Tân Hòa, hiện nay phần lớn hộ dân đều phải đi xin hoặc mua nước từ rất xa. Gần thì vài trăm mét, xa đến vài cây số. Có người đào đến 2 giếng nước nhưng không sử dụng được, đành đi mua nước.

Ông Đào Xuân Ngọc, khu vực trưởng khu vực Huỳnh Kim, cho biết thêm: “Khu vực chúng tôi có gần 300 hộ thiếu nước sạch, trong đó có hơn 100 hộ thiếu nước nghiêm trọng. Trong số ấy chỉ có 3 hộ là các ông Lê Văn Tánh, Ngô Xuân Tùng và bà Nguyễn Thị Hạnh có khả năng khoan giếng theo công nghệ xuyên qua đá sâu hàng trăm mét.

Mỗi giếng khoan như vậy tốn cả trăm triệu đồng, nhưng cũng chỉ đủ dùng trong gia đình. Số tiền ấy đều vượt quá khả năng của người nông dân nghèo nơi đây”.

Ông Phạm Văn Anh (64 tuổi), khu vực Huỳnh Kim Nam, bày tỏ: “Tui sinh ra ở đây, vừa lớn lên là đã đụng ngay cảnh thiếu nước. Mỗi năm chỉ 2 tháng mùa mưa là đỡ khổ, còn lại trong nhà phải thay phiên nhau đi xin nước cách nhà hơn cây số, riết rồi cũng quen.

“Kể từ khi dự án cung cấp nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn do WB tài trợ dừng lại, qua tiếp xúc cử tri của các cấp lãnh đạo, người dân ở địa phương đã nhiều lần bày tỏ bức xúc, khẩn thiết xin 1 công trình nước sạch khác để ổn định đời sống. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có tín hiệu hồi âm nào”, ông Lâm Xuân Vũ, Chủ tịch UBND phường Nhơn Hòa.

Gần đây, do các giếng nước công cộng bị lấp để mở rộng quốc lộ 19 nên phải đi xa hơn, và phải chầu chực xếp hàng mới đến lượt mình. Mỗi khi nhà có giỗ chạp, tui phải mua 100.000đ một khối nước, mỗi lần giỗ chạp phải mất đến 500.000đ tiền nước mới đủ dùng”.

Giấc mơ nước sạch lụi tàn

Theo ông Lâm Xuân Vũ, Chủ tịch UBND phường Nhơn Hòa, trước bức xúc của người dân, chính quyền địa phương liên tục kiến nghị lên các cấp xin được xây dựng 1 công trình nước sạch.

Năm 2012, UBND tỉnh Bình Định quyết định xây dựng tại đây 1 công trình nước sạch từ nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án nói trên có tổng kinh phí đầu tư khoảng 54 tỷ đồng, đã đi qua các bước thẩm tra, khảo sát, thiết kế, giải phóng mặt bằng… tốn đến hơn 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, khởi động chưa được bao lâu, dự án này đã bị dừng ngang.

16-24-48_3
Người dân Nhơn Hòa cam sống cảnh mua nước sinh hoạt mỗi ngày

“Dự án cung cấp nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn do WB tài trợ là chỉ dành cho các vùng nông thôn, dân “phường” không phải là đối tượng hưởng lợi. Do đó, vào cuối năm 2012, khi huyện An Nhơn lên thị xã, theo đó xã Nhơn Hòa lên phường là chúng tôi phải rút dự án này lại”, ông Hồ Đắc Chương, GĐ Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Định, cho hay.

Vậy là gần 1.000 hộ dân ở phường Nhơn Hòa lại phải tiếp tục chung sống với tình trạng khát nước sinh hoạt triền miên. Chuyện thiếu nước của người dân nghe đã nan giải là vậy, chuyện hơn 70 nhà máy công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Nhơn Hòa bị thiếu nước phục vụ SX và nước sinh hoạt cho công nhân nghe còn nan giải hơn.

Ông Lâm Xuân Vũ cho biết thêm: “Hiện ở cụm công nghiệp Nhơn Hòa do TX An Nhơn quản lý và ở khu công nghiệp Nhơn Hòa do tỉnh quản lý có hơn 70 nhà máy đang hoạt động. Mỗi nhà máy trung bình có từ 200-300 công nhân nên nhu cầu về nước sinh hoạt rất cao. Đó là chưa kể nước phục vụ SX. Thêm vào đó, trên địa bàn Nhơn Hòa có nhiều đơn vị quốc phòng, nhu cầu nước sinh hoạt cho bộ đội không ít. Do đó, vấn đề nước sạch đang là bức bách lớn của phường Nhơn Hòa”.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất