| Hotline: 0983.970.780

Tan tành rừng phòng hộ sông Chu

Thứ Hai 07/11/2011 , 16:16 (GMT+7)

Mấy tháng nay, tại rừng phòng hộ đầu nguồn sông Chu (huyện Thường Xuân), BQL rừng lại đang ra sức tàn sát rừng xanh, biến rừng phòng hộ đầu nguồn trở thành đất riêng để trục lợi.

Dư luận chưa hết bàng hoàng trước việc chính quyền huyện Như Xuân (Thanh Hóa) “trao rựa” cho dân tàn sát rừng thì mấy tháng nay, tại rừng phòng hộ đầu nguồn sông Chu  (huyện Thường Xuân), BQL rừng phòng hộ đầu nguồn sông Chu - cơ quan được phân công giữ rừng lại đang ra sức tàn sát rừng xanh, biến rừng phòng hộ đầu nguồn trở thành đất rừng của riêng mình để trục lợi.

Những bóng đen núp sau con dấu đỏ

Đã có hàng trăm ha rừng phòng hộ đầu nguồn sông Chu thuộc địa giới hành chính xã Lương Sơn được chia đều cho các cán bộ của BQL rừng phòng hộ đầu nguồn sông Chu (sau đây gọi tắt là Ban). Danh sách này đã được bà Lê Thị Hường- Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân chấp thuận bằng việc ký quyết định phê duyệt và ghi rõ mỗi người như vậy được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha phục vụ trồng rừng theo QĐ 147 của Thủ tướng Chính phủ.  

Đốt cháy, đốn hạ những cây rừng tái sinh đang trên đà phát triển tốt

Bà Hường cũng thừa nhận là biết rõ số cán bộ của Ban được chia lô trong đất rừng phòng hộ “nhưng vì anh em trong Ban họ cũng khó khăn nên huyện linh động để cho họ làm” (?). Nhờ được huyện "linh động" nên cán bộ của Ban đã tự tung tự tác tàn sát rừng, lấy đất rừng phòng hộ đầu nguồn ra chia lô cho từng cá nhân trong Ban để trục lợi. Trong khi đó số diện tích đã bị khai tử, phần lớn đang bỏ hoang, một số ít đã trồng keo và sắn, thậm chí người ta còn đốn hạ những cây gỗ rừng to cao để thay thế cho việc trồng chuối.

Có lẽ chưa bao giờ rừng xanh tỉnh Thanh lại bị tàn sát kinh hoàng đến như vậy. Một mặt người ta khai thác rừng để tận thu lâm sản, thu vén lợi ích về túi riêng của họ, mặt khác người ta lợi dụng các chính sách hỗ trợ trồng rừng để trục lợi cá nhân. Đó là chưa nói đến chuyện có người đang mò mẫm xem trong lòng đất có loại khoáng sản quý gì để mà lập dự án xin khai thác. Đây chính là bức xúc của người dân nghèo huyện miền núi 30a Thường Xuân suốt thời gian qua.

Không biết có phải ông PGĐ Ban xót xa khi ngồi trên thân gỗ vừa bị đốn hạ nhìn xuống dòng sông Chu?

Đi thuyền từ lòng hồ Cửa Đạt sang, ngước nhìn lên người ta thấy các khoảnh 1, 2A, 2B của tiểu khu 493 thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn sông Chu hiện chỉ thấy thấp thoáng những gốc gỗ trơ trọi với đống tro tàn vừa mới bị khai tử hôm qua, hôm kia. Mới ngày nào đi qua đây là những cánh rừng xanh thẳm, bạt ngàn cây gỗ to cao được phủ dày bởi một lớp thảm thực vật. Vậy mà “những bóng đen núp sau con dấu đỏ” đã phá nát hàng trăm ha rừng phòng hộ đầu nguồn một cách không thương tiếc. 

Bản đồ và hồ sơ thiết kế trồng rừng do mình ông Ghi - PGĐ Ban ký luôn cho các vị trí cấp thẩm định và cấp phê duyệt

Sau khi lên bờ, chúng tôi đã mục sở thị toàn bộ các tiểu khu 493 và 506 của BQL rừng phòng hộ đầu nguồn sông Chu. Thật đau xót khi nhìn thấy, một bên là nước sông Chu xanh biếc, một bên là đất rừng hoang. Theo tài liệu mà chúng tôi có được, hai năm qua, Ban đã triển khai thực hiện QĐ 147 của Thủ tướng Chính phủ về việc trồng rừng sản xuất.

 Theo đó, UBND huyện Thường Xuân đã ra quyết định phê duyệt danh sách 16 hộ (năm 2010) và 14 hộ (năm 2011) tham gia DA hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất bằng nguồn ngân sách trên cơ sở tờ trình của Ban. Và vị trí trồng rừng không nơi nào khác chính là ở những cánh rừng đầu nguồn. Đặc biệt, người trồng rừng ở đây, không phải là hộ dân nghèo địa phương mà chính là cán bộ của Ban.

Đốn hạ, đốt cháy thảm thực vật

Trong danh sách này, chúng tôi thấy, bình quân một cán bộ của Ban được chia 1- 2 lô tương đương 6- 10ha tại các tiểu khu nhằm thực hiện cái gọi là phát thực bì để trồng rừng sản xuất và được nhận tiền hỗ trợ của nhà nước là 2 triệu đồng/ha. Được biết, tổng số tiền đã được phê duyệt cấp cho các cá nhân trong Ban này lên đến 212.500.000đ.

“Thực tế nơi đây không thể gọi là đất rừng sản xuất được vì rõ ràng toàn bộ diện tích này nằm trong quy hoạch của rừng phòng hộ đầu nguồn sông Chu. Nó thuộc loại rừng 2B tái sinh hiện đang phát triển rất tốt”- một cán bộ ngành kiểm lâm Thanh Hóa cho biết. 

Những cây gỗ to cao của cánh rừng phòng hộ đầu nguồn bị đốn hạ

Giao trứng cho...ác

Trong khi chúng tôi đang ghi lại cảnh tượng người ta đốn hạ cây rừng rồi tấp thành đống để chuẩn bị đóng bè thả trôi theo dòng sông Chu về xuôi thì thấy một người tiến lại gần tự giới thiệu: “Tôi là Mai Văn Ghi- PGĐ BQL RPH đầu nguồn sông Chu”. Tôi hỏi anh Ghi: “Thưa anh, nơi chúng ta đang đứng là đầu nguồn hay cuối nguồn sông Chu?”.

Ông PGĐ Ban đứng nhìn cây chuối mọc lên thay thế cho những cánh rừng gỗ quý vừa bị đốn hạ

Anh Ghi ấp úng, không trả lời thẳng câu mà nói vòng vo: “Làm cán bộ cơ sở khó khăn lắm anh ạ. Thu nhập chẳng có là bao, nên tôi mạnh dạn chia cho anh em mỗi người một ít để thực hiện trồng rừng sản xuất. Đất rừng vẫn thuộc sự quản lý trực tiếp của Ban, anh em họ chỉ nhận giao khoán, có chính sách hỗ trợ nên anh em họ mới nhận làm. Sau khi sản phẩm được khai thác, anh em họ sẽ trả lại đất cho Ban ấy mà”.

Xót xa cảnh rừng bị đốn hạ

Rõ ràng việc lấy đất rừng phòng hộ đầu nguồn đem ra chia lô cho từng cán bộ trong Ban là vi phạm. Trong khi đó lợi ích của những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn cũng như những tác hại của việc tàn sát nó như thế nào thì ai cũng đã rõ.

Danh sách các cán bộ của BQL RPH đầu nguồn sông Chu được chia đất rừng phòng hộ để trồng rừng sản xuất, gồm: Lê Thanh Hữu, Trịnh Văn Quang, Trịnh Thanh Bình, Lò Văn Minh, Ngô Văn Luận, Lã Đình Sánh, Lê Tuấn Hưởng, Ngô Quang Kiệm, Lương Văn Phúc, Cầm Bá Thái, Lê Gia Lương, Nguyễn Văn Thắng.

Ngoài cán bộ của Ban được chia đất rừng phòng hộ tiến hành “phát thực bì” để trồng rừng thì còn có một đồng chí là đảng ủy viên, Bí thư Đoàn xã Lương Sơn cũng được chia 4ha trong tiểu khu 493. 

Thấy tôi hỏi nhiều quá, anh Ghi dở tấm bản đồ thiết kế trồng rừng của đơn vị năm 2010 và 2011 cho tôi xem rồi anh chỉ trỏ lên đó bằng mấy đường kẻ. Còn tôi thì thấy lạ vì trên tấm bản đồ này, kèm theo hồ sơ khảo sát thiết kế kỹ thuật và lập dự toán trồng rừng của Ban lại thấy: ngoài chữ ký, con dấu đỏ của Đoàn quy hoạch khảo sát và thiết kế nông lâm nghiệp Thanh Hóa thì có một chữ ký duy nhất của anh Mai Văn Ghi cùng với dấu đỏ của Ban thể hiện rõ ở cả 3 vị trí là Chủ dự án, cấp thẩm định và cấp phê duyệt.

Thấy lạ tôi hỏi: “Sao anh vừa thay mặt cho chủ dự án ký vào bản đồ và tập hồ sơ này, lại vừa thay mặt ký luôn vào các vị trí cấp thẩm định và cấp phê duyệt?”, anh Ghi đỏ mặt không đáp. 

Rõ ràng, lãnh đạo Ban đã cố tình vi phạm pháp luật để trục lợi khi họ một mình đóng 3 "vai": vừa là chủ dự án, lại tự thẩm định và tự phê duyệt luôn kết quả khảo sát thiết kế, lập dự toán để rồi tự ý chia lô, phân đất cho cán bộ trong Ban. Không biết việc này, lãnh đạo các Sở: NN- PTNT, Tài chính, KH- ĐT tỉnh Thanh Hóa có biết không? Chả lẽ cứ thế đặt bút phê vào mục chuyển tiền về Thường Xuân rồi để mặc cho cơ sở chia nhau?

Một lần nữa, tình trạng rừng xanh bị tàn sát vô tội vạ, có hệ thống tại tỉnh Thanh Hóa diễn ra như một sự thách đố dư luận. Trong khi đó, dân nghèo miền núi 30a huyện Thường Xuân khát khao có một sào đất rừng để phát triển kinh tế cũng không tìm đâu ra. Tiếng kêu cứu từ những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn sông Chu không hiểu có vang tới những người có trách nhiệm?

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất