| Hotline: 0983.970.780

Tan tành vựa heo lớn nhất miền Trung

Thứ Sáu 10/09/2010 , 09:38 (GMT+7)

Với lượng heo hơi cung ứng ra thị trường hàng năm lên đến hơn 500.000 con và giết mổ bán thịt hàng chục ngàn con khác, huyện Hoài Ân (Bình Định) được xem là vựa heo lớn nhất miền Trung. Thế nhưng trong 1 tháng qua, đàn heo chết hàng loạt đẩy hàng ngàn hộ chăn nuôi vào cảnh khốn cùng.

Ông Cường dùng rựa rọc bao đựng xác heo chết trên lề đường 630

Với lượng heo hơi cung ứng ra thị trường hàng năm lên đến hơn 500.000 con và giết mổ bán thịt hàng chục ngàn con khác, huyện Hoài Ân (Bình Định) được xem là vựa heo lớn nhất miền Trung. Thế nhưng trong 1 tháng qua, đàn heo chết hàng loạt đẩy hàng ngàn hộ chăn nuôi vào cảnh khốn cùng.

Người chăn nuôi sạch tay

Anh Hồ Sỹ Quang (36 tuổi) ở thôn An Thiện, xã Ân Thạnh (Hoài Ân - Bình Định) ngửa 2 lòng bàn tay lên trời than thở: “Chỉ trong vòng 1 tháng qua mà gia đình tôi đã bị chết đến 100 con heo, cứ nuôi chúng lớn đến khoảng 40-50 kg/con thì chúng đồng loạt ngã bệnh, lăn đùng ra chết. Kể như sạch tay. Nuôi heo đã 10 năm nay nhưng chưa bao giờ tôi gặp cảnh thê thảm như bây giờ”. Theo anh Quang, bầy heo đang lớn sởn sơ bỗng ỉa phân lỏng, toàn thân lông dựng đứng, đỏ mắt, xuất huyết ngoài da, tím tai, bỏ ăn 4-5 ngày rồi chết. Lứa heo nào bị bệnh cũng được anh Quang tích cực chữa trị nhưng rốt cuộc vẫn tiền mất tật mang. Trước đây 1 năm, 3 khu chăn nuôi heo của anh Quang lúc nào cũng chen chúc heo, bây giờ trống hoác thê lương.

 Anh Quang nói như khóc: “Cách đây nửa tháng, 30 con heo mỗi con đạt 30 kg ngã bệnh cùng lúc, mấy người lái heo chọn mua được 10 con chưa ngắc ngoải nhưng chỉ trả có 1,5 triệu, 20 con còn lại tôi “biếu” không cho họ chở đi đâu thì chở chứ để lại chúng chết trong chuồng mắc công đi ném. Tiếp đến lứa heo cuối cùng trong chuồng tôi “ra đi” cách đây chỉ mấy ngày, 40 con heo lứa, con nào cũng lớn đến gần 40kg, 1,6 tấn heo hơi chứ ít đâu nhưng bán chỉ được có 500.000đ”. Láng giềng với nhà anh Hồ Sỹ Quang, 2 hộ ông Trần Văn Thanh và ông Dương Tấn Thi cũng bị chết sạch chuồng, mỗi hộ thiệt hại khoảng 100 con heo thịt.

Qua tìm hiểu ở nhiều hộ chăn nuôi có heo chết, chúng tôi được cho biết căn bệnh dẫn đến cái chết của đàn heo ở Hoài Ân đều giống nhau, cùng 1 triệu chứng như anh Quang nói. Ông Nguyễn Văn Tư cũng ở thôn An Thiện cho biết thêm: “Có bầy heo chỉ phát bệnh 1 ngày là chết, có bầy cầm cự được 4-5 ngày. Sau khi phát bệnh chúng chết lai rai cho đến khi hết bầy. Heo chết hầu hết là heo thịt, những con heo nái tuy không cùng chung số phận với heo thịt nhưng toàn bộ đều bị hư thai ngay trong bụng mẹ”.

Chủ đại lý cấp 1 chuyên cung ứng TĂCN Việt Long ở thị trấn Tăng Bạt Hổ tiết lộ: “Mọi động tĩnh của người nuôi heo ở Hoài Ân tôi đều biết rõ. Ở Hoài Ân có 14 xã, thị trấn thì hiện chỉ có 2 xã có heo chết ít nhất, khoảng 20-30% trong tổng đàn là xã Ân Tường Đông và xã Ân Nghĩa. Đàn heo của 12 xã, thị trấn còn lại đều bị chết từ 70 đến 80%”.

Người nuôi heo ở Hoài Ân có đến hàng chục ngàn hộ, hộ nuôi ít nhất vài ba chục con, hộ nuôi nhiều từ 200-300 con. Cá biệt, trang trại của ông Dũng ở xã Ân Tường Đông nuôi đến cả ngàn con heo. Thế mới biết đợt dịch bệnh này đã làm cho người chăn nuôi ở Hoài Ân thiệt hại lớn đến dường nào. Người chăn nuôi trắng tay, các đại lý TĂCN trên địa bàn cũng lao đao theo. Chủ đại lý Việt Long thở dài: “Hầu hết hộ nuôi heo ở đây đều mua TĂCN theo phương thức nợ, bán heo mới trả. Bây giờ heo chết sạch sẽ kiểu này tiền đâu họ trả. Có hộ hiện đang nợ đại lý đến 400-500 triệu đồng, còn hộ nợ từ dăm bảy chục triệu đến vài trăm triệu thì nhan nhản.

Trên địa bàn Hoài Ân có đến gần 300 đại lý TĂCN cấp 1 lẫn cấp 2. Toàn bộ những đại lý cấp 1 đều “ẵm” số nợ ít nhất là vài ba tỷ đồng. Những đại lý cấp 2 bán trực tiếp cho người chăn nuôi còn khủng hoảng hơn”.

Heo chết, heo bệnh ung dung ra chợ

Ông Cường chỉ những bao tải đựng xác heo chết trôi lềnh bềnh đầy mương thủy lợi

Về Hoài Ân trong thời điểm này, đi trên những quãng đường vắng, nếu ai không có khẩu trang sẽ không thể hít thở nổi bởi cái mùi heo chết xông lên nồng nặc trong không khí. Heo chết có mặt khắp nơi. Trong bìa rừng, ở những bãi đất trống, bên lề đường, dưới sông, trong các con mương thủy lợi... đâu đâu chúng tôi cũng thấy những chiếc bao tải đựng xác heo chết vứt bừa bãi. Có những con heo nái to đùng nằm chết phơi xương giữa mưa nắng, dòi bọ đục ăn cả tháng nay vẫn chưa hết phần thịt.

Ông Nguyễn Việt Cường, cán bộ HTXNN thị trấn Tăng Bạt Hổ cho biết: “Trong thời gian gần đây, không chỉ có heo chết trong địa phương mà heo chết ở các xã lân cận cũng được bà con lén mang về đây vứt bừa bãi làm khu vực TT Tăng Bạt Hổ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Những khu vực cầu Phong Thạnh, cầu Giáo Ba đến cầu Tự Lực, cầu Thợ Rèn đều đầy dẫy những bao tải đựng xác chết heo. Mùa này khô, sông không có nước, heo chết sình mùi hôi thối lan tỏa rộng khắp”.

Theo chân CB khuyến nông HTXNN TT Tăng Bạt Hổ đi dọc dòng sông Kim Sơn, tôi sởn gai ốc khi chứng kiến cảnh những con chó đang dùng mõm xé những bao tải được chúng kéo từ dòng sông cạn nước lên bãi cát, lôi xác heo chết ra đứng “chén” ngon lành. Ăn xong nhiều con còn ngoạm hẳn 1 miếng to mang đi. Ông Cường chậc lưỡi: “Heo chết đến chó ăn không xuể”.

 Rồi để tôi “mục sở thị”, ông Cường cùng tôi chạy xe máy chầm chậm trên tuyến đường 630. Chỉ 1 đoạn đường ngắn mà tôi đã thấy hàng chục bao tải bỏ lăn lóc sát lề đường. Ông Cường chỉ vào 1 bao và nói: “Chính là nó”. Rồi ông cầm chiếc rựa bén ngọt rọc rách 2 lớp bao tải nylon, bên trong lòi ra xác 1 con heo chừng 40kg đang trong thời kỳ phân hủy. Tôi đứng chụp ảnh mà cứ muốn nôn vì cái mùi hôi thối xộc ra từ chiếc bao tải kia. Ông Lê Tấn Tài - Chủ tịch UBND xã Ân Phong tỏ vẻ bất lực: “Suốt 1 tháng nay, mặc dù chúng tôi tổ chức nhiều cuộc họp vận động những hộ có heo chết phải mang chúng đi chôn nhưng chẳng ai thực hiện”.

Những con heo đã bị ngắc ngoải vẫn được các lái rong mua với giá rẻ. Chị Phạm Thị Bình ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức thắc mắc: “Lứa heo này tôi nuôi được 12 con heo thịt đã đạt 30kg/con, đã chết 2 con. 10 con còn lại cũng đang nằm “mẹp”, mấy ông lái rong đến trả mua giá 50.000đ/con. Chẳng hiểu họ mua heo gần chết để làm gì?”. Chị Bình không biết nhưng ngành thú y huyện Hoài Ân thì biết.

“Heo chết là do bệnh sốt thời tiết và bệnh dịch tả. Hiện phác đồ điều trị chúng tôi đang áp dụng là: Khi heo phát bệnh chúng tôi tiêm 3 mũi. Mũi đầu tiên trị sốt, mũi 2 dùng kháng sinh rồi sau đó tiếp tục tiêm thuốc trợ sức gồm Vitamin nhóm B và C, liều 3 là thuốc kích thích thần kinh”, ông Nguyễn thanh Phụng - Trưởng trạm Thú y huyện Hoài Ân.
Ông Nguyễn Thanh Phụng - Trưởng trạm Thú y, cho biết: “Từ ngày 19/8 đến nay, huyện Hoài Ân đã thành lập tổ kiểm tra liên ngành đi kiểm tra toàn bộ những điểm tập trung mua bán, vận chuyển và giết mổ gia súc. Đầu tiên, phát hiện tại cơ sở giết mổ của bà Huỳnh Thị Thiện ở TT Tăng Bạt Hổ 150 kg thịt heo bệnh và tại cơ sở bà Trần Thị Thắm 1 con heo bị bệnh nặng 30kg. Ngày 24/8, tổ công tác kiểm tra nhà bà Nguyễn Thị Tâm ở thôn Hội Long, xã Ân Hảo Đông, phát hiện tại đây 5kg thịt heo bệnh và 5 con heo bệnh gần chết, mỗi con khoảng 30kg. Tiếp đến ngày 25/8, tại hộ ông Trần Văn Cường ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức, đây là cơ sở chuyên mổ heo nái chết rồi dùng đèn khò đốt lông để giả thịt heo rừng bán ra thị trường, tổ kiểm tra phát hiện ông Cường đang khò lông 2 con heo nái đã chết vì bệnh, mỗi con nặng 70kg. Toàn bộ số heo trên được lập biên bản tịch thu, phạt hành chính và xử lý chôn”.

 Cũng theo ông Phụng, việc kiểm tra lâm sàng lượng heo sống xuất đi khỏi địa bàn huyện mỗi ngày để cấp giấy chứng nhận kiểm dịch là bế tắc. Heo đã chất đầy lên xe, trong thời tiết này mà kiểm tra nhiệt độ là không chính xác. Nếu kiểm tra tại chuồng thì phải trước 7 giờ sáng hoặc sau 17 giờ chiều. Với lượng heo từ đầu năm đến nay đã xuất đi gần 210.000 con thì với 2 cán bộ chuyên trách là lực bất tòng tâm. Như vậy, chuyện “lọt lưới” heo bệnh ra khỏi địa bàn là điều rất dễ xảy ra.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm