| Hotline: 0983.970.780

Tân Thông Hội giải bài toán thu nhập

Thứ Năm 03/11/2011 , 09:53 (GMT+7)

Nếu lấy mức quy định của Trung ương về hộ nghèo (4,8 triệu đồng/người/năm), thì hiện nay xã không còn hộ nghèo...

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT thăm vườn lan của anh Nguyễn Thanh Ngà, ở ấp Chánh, Tân Thông Hội

Ngay khi bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã Tân Thông Hội (Củ Chi, TP HCM) đã cho rằng: Một trong những yếu tố tiên quyết xây dựng NTM bền vững là tìm ra những giải pháp nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Theo ông Trần Văn Chí, Chủ tịch UBND xã, tính đến đầu tháng 10/2011, thu nhập bình quân trên 28 triệu đồng/người/năm, gấp 1,54 lần khi chưa triển khai đề án (18,6 triệu đồng/người/năm), đạt 104% so với mục tiêu của BCĐ NTM Trung ương đề xuất và UBND thành phố phê duyệt là đến cuối năm 2011, phấn đấu đạt 27,5 triệu đồng/người/năm.

Nếu lấy mức quy định của Trung ương về hộ nghèo (4,8 triệu đồng/người/năm), thì hiện nay xã không còn hộ nghèo. Còn so với chuẩn nghèo TPHCM (giai đoạn 3 từ 2010 - 2015), đã nâng thu nhập hộ nghèo mức 12 triệu/người/năm được 773 hộ, giảm từ 22% khi xây dựng đề án xuống còn 13% (lấy số tròn). Đến nay, tổng kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng tại xã lên tới 186,6 tỷ đồng. Trong đó, DN góp 32 tỷ, dân hiến đất (trị giá 49,5 tỷ), tiền mặt và hiện vật 12,7 tỷ (tổng cộng 94,5 tỷ đồng, chiếm hơn 50,7%.). Còn lại là ngân sách Nhà nước cấp.

Trước khi xây dựng đề án, Tân Thông Hội có 1 HTX chăn nuôi bò sữa với 50 xã viên, tổ chức thu mua sữa bò tươi đạt 3 tấn/ngày. Đến nay, số lượng xã viên tăng lên 134 và tổ chức thu mua 40 tấn sữa/ngày. Bên cạnh đó còn có một HTX quản lý và kinh doanh chợ (170 xã viên). Thành lập mới 3 Tổ hợp tác (hoa lan, nuôi trăn, và sản xuất rau VietGap).

 Hiện có 6 DN sản xuất nông nghiệp (trước khi xây dựng đề án chỉ có 2 DN), cung ứng các dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho bà con như Tổng Cty Nông nghiệp Sài Gòn với 2 DN thành viên đầu tư, Liên hiệp HTX Thương mại thành phố (Saigon Co-op), Metro, Hợp tác xã Thỏ Việt; DN cá kiểng Saigon Aquarium xuất khẩu 12 triệu cá kiểng/năm, đạt doanh thu 5,5 triệu USD.

Ngoài ra, từ khi xây dựng NTM đến nay, trên địa bàn xã có thêm 105 DN ngoài nông nghiệp như may mặc, giày da, thương mại… đầu tư (lên tổng số 159 DN), thu hút hơn 91,6% lao động trong xã, góp phần chuyển dịch 3.671 lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Tổng doanh thu đạt 677,3 tỷ đồng.

Thuận lợi nhất trong quá trình xây dựng NTM tại Tân Thông Hội là được nhân dân đồng thuận. Kết quả là nông dân hiến đất, vật dụng kiến trúc và tiền mặt để xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó là nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, định hướng đào tạo theo lợi thế không gian vùng, để thúc đẩy chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp một cách căn cơ.

Tính đến tháng 10/2011, toàn xã đã tổ chức 15 lớp học nghề với tổng số 535 học viên. Nói về sự thay da đổi thịt, đời sống người dân ngày một nâng cao kể từ khi Tân Thông Hội bắt tay vào xây dựng NTM, anh Nguyễn Thanh Ngà, ở ấp Chánh, hồ hởi nói: Gia đình tôi có 7 nhân khẩu với diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 3.500m2, ban đầu chỉ biết trồng rau củ quả nên hiệu quả kém, cái nghèo cứ đeo dai dẳng. Năm 2008, nhờ có chương trình xây dựng NTM, UBND, Hội Nông dân xã vận động bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi và tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp.

Anh Ngà nói tiếp: Tôi tham gia lớp trồng hoa lan cắt cành, sau đó trồng thử nghiệm 200 gốc lan Mokora trên diện tích 500m2 vườn hiệu quả rất tốt. Đầu năm 2009, tôi được vay 800 triệu đồng (theo Chương trình 105) để mở rộng diện tích lên 3.000m2, với khoảng 14.000 gốc lan và vay thêm bên ngoài 300 triệu xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước để giảm công lao động, giảm chi phí. Sau gần 2 năm trồng hoa lan, tôi đã trả được 70% số vốn vay. Bình quân thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/tháng mà chỉ cần 2 lao động.

“Tăng thu nhập cho nông dân trong quá trình xây dựng NTM là điều không dễ, nếu không muốn nói là rất khó. Để làm được điều này, đòi hỏi sự nỗ lực của từng hộ nông dân và cả tập thể, cộng đồng dân cư địa phương. Bên cạnh đó, cần có chính sách đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp của TP, có những chính sách khuyến khích đầu tư để tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân”, ông Chí cho biết.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.