| Hotline: 0983.970.780

Tân Thông Hội sẽ cán đích sớm

Thứ Ba 08/03/2011 , 10:48 (GMT+7)

Hết năm 2010, xã Tân Thông Hội đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng xã NTM.

Phát triển bò sữa là hướng nâng cao thu nhập ở Tân Thông Hội

Hết năm 2010, xã Tân Thông Hội (Củ Chi, TP HCM), một trong những xã được chọn xây dựng điểm mô hình NTM toàn quốc, đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng xã NTM. Trên cơ sở đó, Tân Thông Hội phấn đấu đến hết năm nay sẽ cơ bản hoàn thành 5 tiêu chí còn lại.

Theo ông Trần Văn Chí, Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội, 5 tiêu chí này gồm: tiêu chí thứ 5 về trường học, tiêu chí thứ 6 về cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí thứ 7 về chợ, tiêu chí thứ 10 về thu nhập và tiêu chí thứ 14 về giáo dục.

Về tiêu chí trường học, đến giờ, cả 3 trường học trên địa bàn Tân Thông Hội đều đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp, đảm bảo cơ bản nhu cầu học hành của con em trong xã. Trong năm nay, xã chỉ cần tập trung đầu tư cho 3 ngôi trường trên đạt chuẩn theo yêu cầu của thành phố là hoàn thành tiêu chí trường học.

Ngôi chợ duy nhất trên địa bàn xã Tân Thông Hội cũng đang được thẩm định, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật và sẽ tiến hành duy tu, nâng cấp để đạt chuẩn vào quý 3 tới. Về cơ sở vật chất văn hóa, đến hết năm 2010, chính quyền và người dân xã Tân Thông Hội đã hoàn thành công tác chỉnh trang đình Tân Thông Hội và đền, bia liệt sỹ với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng (toàn bộ từ nguồn đóng góp của cộng đồng). Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn xã đã được hoàn thành … Nhìn chung, việc thực hiện các tiêu chí liên quan đến xây dựng cở sở vật chất kinh tế, xã hội chắc chắn sẽ hoàn thành trong năm nay.

Ở 2 tiêu chí còn lại, thì tiêu chí giáo dục thực ra hiện chỉ còn chưa đạt ở khâu đào tạo nghề cho nông dân. Nhưng trong năm 2010, trong số 1.604 lao động chưa có việc làm, xã đã giải quyết được công ăn việc làm cho 511 lao động, đạt 128% kế hoạch năm, và giảm tỷ lệ người chưa có việc làm từ 6,7% xuống còn 4,6% tổng lao động toàn xã. Trong năm nay, xã tiếp tục phối hợp cùng các trường dạy nghề mở các lớp đào tạo nghề nông ngay tại chỗ như chăn nuôi bò sữa, hoa lan cây cảnh, sản xuất rau an toàn… Đồng thời xã tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp đào tạo nghề cho số lao động còn lại. Theo đó, những doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động cũng sẽ chịu trách nhiệm tuyển dụng, bố trí việc làm cho những lao động do doanh nghiệp đào tạo. Với sự nỗ lực của các bên, nhiều khả năng tiêu chí này cũng sẽ hoàn thành trong năm 2011.

So với 4 tiêu chí trên, thì tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân là khó nhất. Trong năm 2010, thu nhập bình quân đầu người ở Tân Thông Hội đã đạt 24,2 triệu đồng. So với năm 2009, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đã tăng tới 35,9%. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa ở huyện Củ Chi đang diễn ra khá nhanh, mặt bằng thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện cũng tăng khá, đạt 21,6 triệu đ/người năm 2010, nên thu nhập bình quân đầu người ở Tân Thông Hội trong năm qua mới chỉ bằng 1,12 lần so với thu nhập bình quân chung của huyện. Năm nay, thu nhập bình quân chung toàn huyện chắc chắn sẽ tiếp tục tăng khá, việc nâng thu nhập bình quân chung ở Tân Thông Hội từ mức hiện nay lên tới gấp 1,5 lần so với thu nhập bình quân chung toàn huyện tính tới cuối năm 2011, sẽ không phải là chuyện dễ dàng.

Hiện tại, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên toàn xã đã đạt 177 triệu đ/ha, cao hơn giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của khu vực ngoại thành TP HCM tới 49 triệu đ/ha. Có được thành tích như trên là nhờ trong những năm qua, xã đã phối hợp với các ban, ngành liên quan của TƯ và TP, tích cực vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang những mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong năm 2010, đàn bò sữa đã tăng thêm tới 285 con (đưa tổng đàn lên 1.385 con), rau an toàn tăng 16 ha (tổng diện tích hiện tại là 106 ha), cỏ tăng 11 ha…

Mô hình kinh tế hợp tác cũng được xã chú trọng đẩy mạnh. Hiện tại, trên địa bàn xã đã có 1 HTX sản xuất chăn nuôi bò sữa với 124 xã viên (tổng đàn trên 500 con, sản lượng 8,5 tấn sữa/ngày), 2 tổ hợp tác hoa lan và nuôi trăn. Các ngành nghề nông thôn và dịch vụ như nghề làm bánh tráng, bánh hủ tiếu, may đan, may bao công nghiệp, nấu ăn cho các đám tiệc…, cũng được hỗ trợ phát triển. Bên cạnh đó, hàng ngàn lao động nông nghiệp trong xã cũng đã và tiếp tục được tạo điều kiện chuyển sang làm công nghiệp, thương mại, dịch vụ để có thu nhập cao hơn…

Xã cũng đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn đưa nông dân đi khảo sát, học tập một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả tại Lâm Đồng, Sóc Trăng, Tiền Giang, An Giang, và nhiều mô hình ngay tại thành phố. Nhiều nông dân trong xã cũng đã được tạo điều kiện đi học tập phương pháp bảo quản nông sản tại siêu thị. Hàng loạt lớp học đào tạo nghề nông, nâng cao tay nghề lao động cho nông dân đã liên tục được mở với hàng trăm người tham gia… Nhờ đó, nông dân Tân Thông Hội đã có thêm được nhiều kiến thức hữu ích, góp phần làm tăng giá trị sản xuất trên đồng ruộng.

Anh Đặng Thế Nguyên, nông dân hiện đang nuôi 25 con bò sữa ở ấp Bàu Sim, chia sẻ: “Nhà tôi nuôi bò sữa từ năm 1992, nhưng chủ yếu theo kinh nghiệm dân gian. Từ khi được đi học lớp nuôi bò sữa miễn phí do xã và trường dạy nghề huyện tổ chức, tôi đã có thêm nhiều kiến thức mới, áp dụng vào đàn bò sữa của gia đình, nhờ đó hiệu quả nuôi bò sữa đã tăng lên đáng kể. Bây giờ, mỗi con bò đã có thể cho sữa tới 20-22 kg/ngày. Trong đàn bò có 14 con đang cho sữa, sản lượng 280-300 kg sữa/ngày. Với giá sữa bình quân 10.000 đ/kg, thu nhập mỗi ngày của gia đình tôi từ đàn bò sữa là 2,8-3 triệu đồng, trừ đi khoảng 8-900.000 tiền chi phí cho thức ăn, thì còn lời hơn 2 triệu đồng”.

Chính vì thế, để hoàn thành tiêu chí về thu nhập trong năm nay, Tân Thông Hội vẫn tiếp tục việc chuyển đổi sang các mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị cao, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp … Đồng thời xã phối hợp với các trung tâm, doanh nghiệp tiếp tục chuyển giao tiến bộ KHKT, tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về sản xuất an toàn, hiệu quả cao, hỗ trợ mô hình cơ giới hóa trong chăn nuôi bò sữa…

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm