| Hotline: 0983.970.780

Tận thu bản quyền, vì ai?

Thứ Bảy 10/06/2017 , 13:25 (GMT+7)

Việc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN- VCPMC triển khai thu phí tại các khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng, một lần nữa lại vấp phải phản ứng của dư luận.

Vấn đề ở đây không phải là tiền bạc, mà là nỗi băn khoăn về sự hợp lý và hợp tình đối với văn minh tác quyền.

10-33-05_trng_28
Ảnh minh họa

Cách thu phí của VCPMC là đếm số phòng của khách sạn. Cứ tính mỗi phòng một cái ti vi và nhân lên 25 ngàn đồng/ năm. Mục đích khách lưu trú ở khách sạn là để nghỉ ngơi, chứ có ai vào khách sạn để thưởng thức âm nhạc đâu? Hơn nữa, tín hiệu truyền hình đã thu phí cung cấp dịch vụ, thì tại sao VCPMC còn thu tiếp? Đây có phải là phí chồng lên phí không?

Lý lẽ của VCPMC là: “Trước đây, khi chúng tôi thu phí âm nhạc trên máy bay, các hãng hàng không cũng bức xúc phản đối vì sao âm nhạc trên máy bay cũng bị thu tiền. Nhưng rồi chúng tôi vẫn thực hiện được. Việc thu phí âm nhạc ở lĩnh vực khách sạn cũng vậy, chúng tôi đã thu khoảng 10 năm nay đối với các khách sạn 4-5 sao ở các thành phố lớn".

Đại diện VCPMC phân tích, tác giả có 4 loại quyền cơ bản là quyền biểu diễn, quyền sao chép, quyền được kiểm soát khi sử dụng tác phẩm của mình kể cả trong lĩnh vực phát sóng vô tuyến truyền hình hay sóng vệ tinh, và quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng. Các quyền này độc lập và không chồng chéo lên nhau. Khi bên truyền hình thanh toán cho VCPMC thì đó là thanh toán quyền phát sóng tác phẩm đến công chúng. Còn khi thu phí âm nhạc ở khách sạn là chúng tôi thu quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng.

Thậm chí, ông Phó Đức Phương – Giám đốc VCPMC hùng hồn cho rằng: “Khi các đài truyền hình sử dụng tác phẩm âm nhạc thì các tác giả được hưởng quyền trong lĩnh vực phát sóng. Còn với các khách sạn có dùng tivi sử dụng các tác phẩm âm nhạc thì đó là quyền truyền đạt đến công chúng và quyền biểu diễn trước công chúng. Các khách sạn nào chưa hiểu thì phải tìm hiểu luật chứ không nên lu loa, làm ầm ĩ trên báo chí, đó là sự thiếu hiểu biết pháp luật VN về sở hữu trí tuệ”.

Theo các chuyên gia pháp luật, VCPMC đã viện dẫn luật sở hữu trí tuệ theo hướng có lợi cho mình, chưa thật sự thuyết phục đối với các chủ thể khách sạn. Tiến sĩ Lê Minh Hùng – ĐH Luật TPHCM đưa ra góc nhìn chuyên môn: “Bản thân khách sạn hoạt động kinh doanh chính của họ là dịch vụ lưu trú. Tivi được bố trí chỉ là dịch vụ phụ trội, kèm theo dịch vụ lưu trú chứ hoàn toàn không nhằm mục đích khai thác quyền biểu diễn tác phẩm. Trong trường hợp như vậy thì việc đòi khách sạn phải trả tiền là khiên cưỡng, thiếu cơ sở…

Việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN đòi thu tiền các khách sạn vì sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm là không thuyết phục và vô hình trung lại thu tiền oan với các khách sạn. Nhà đài là đơn vị khai thác tác quyền âm nhạc và bán dịch vụ đến từng cá thể sử dụng tivi. Thông thường nhà đài đã có hợp đồng và phải trả tiền tác quyền vì biểu diễn tác phẩm qua các kênh phát sóng. Như vậy những người xem, nghe âm nhạc trên tivi (bao gồm cả nhân viên, khách lưu trú) tại khách sạn chỉ là người thụ hưởng thụ động, hạn chế..”

Trên thực tế, nhiều khách sạn tại TPHCM và Hà Nội đã nộp phí bản quyền cho VCPMC vì khoản tiền không đáng kể và cũng không muốn dây dưa với những rắc rối. Liệu hành vi tận thu của VCPMC có thỏa đáng không? Có hai câu hỏi được đặt ra. Thứ nhất, VCPMC dựa vào đâu để nói rằng khách lưu trú có ghé mắt đến những chương trình ca nhạc trên tivi để thu phí bản quyền? Người ta xem thời sự hoặc xem phim truyện mà cũng trả phí âm nhạc ư? Thứ hai, khoản tiền thu phí bản quyền từ khách sạn sẽ được xử lý như thế nào? Nếu thu phí của đơn vị sản xuất băng đĩa thì còn biết ca khúc nào để trả cho tác giả, chứ thu phí dựa trên cái ti vi thì trả cho ai?

Ông Phó Đức Phương – Giám đốc VCPMC giải thích: “Việc thu phí âm nhạc trên ti vi trong các phòng nghỉ khách sạn, dù không biết trên ti vi phát những chương trình nào, có những tác phẩm âm nhạc của các tác giả nào nhưng chắc chắn là nếu các phòng nghỉ khách sạn có sử dụng ti vi thì thế nào cũng có khách mở nhạc và được nghe nhạc thì họ sẽ thấy thú vị hơn khi ở các khách sạn không dùng ti vi.

Để không thiếu sót, chúng tôi đưa ra hình thức khoán một mức nhỏ nhất rồi sau đó tìm cách trả tiền cho các tác giả. Quan trọng nhất là chúng tôi không được quyền giữ tiền đó để tiêu riêng mà phải trả cho các tác giả. Trả cho các tác giả như thế nào thì chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm, để đưa ra giải pháp tạm chấp nhận được…”

VCPMC thu phí bản quyền của khách sạn để chia đều cho các tác giả hay làm kinh phí cho bộ máy hoạt động của VCPMC. Không trả lời được hai câu hỏi ấy, thì văn minh bản quyền không thể đảm bảo sòng phẳng và minh bạch!

Phí bản quyền âm nhạc, để thúc đẩy âm nhạc phát triển, chứ không phải để gây ác cảm cho công chúng âm nhạc!

Cục Bản quyền tác giả yêu cầu dừng ngay việc tổ chức thực hiện thu tiền quyền tác giả tại các phòng nghỉ khách sạn cho đến khi VCPMC xác định được tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả hoặc chủ sở hữu là hội viên của VCPMC và xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả/tác phẩm được khai thác, sử dụng, sau đó tiến hành đàm phán để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm âm nhạc theo quy định của pháp luật và báo cáo Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch.

 

(Kiến thức gia đình số 22)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất