| Hotline: 0983.970.780

Tận thu titan giết chết nguồn nước ngọt

Thứ Sáu 15/06/2012 , 12:02 (GMT+7)

Khi hoạt động khai thác, tận thu titan diễn ra rầm rộ tại Khu kinh tế Nhơn Hội, mạch nguồn nước ngọt đã bị titan “bức tử”.

Từ xa xưa, dưới lớp cát mênh mông tại xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn, Bình Định) là mạch nguồn nước ngọt vô cùng dồi dào. Tuy nhiên, khi hoạt động khai thác, tận thu titan diễn ra rầm rộ tại Khu kinh tế Nhơn Hội, mạch nguồn nước ngọt nói trên đã bị titan “bức tử”.

Lúa, hoa màu chết thảm

Ông Nguyễn Thành Đồng (62 tuổi), người từng có 2 nhiệm kỳ làm chủ tịch và 4 nhiệm kỳ làm Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Hội nên rất am hiểu vùng đất này, cho biết: "Những khách phương xa lần đầu tiên đến đây đều tỏ vẻ ngạc nhiên, không hiểu vì sao dưới sa mạc cát mênh mông lại có nguồn nước ngọt dồi dào đến thế. Đơn giản, động cát rộng hơn 100 ha, dày hàng mét, chính là cái bể lọc khổng lồ chứa đựng những cơn mưa. Mưa thấm vào cát, lọc qua tầng tầng cát trắng, tích lũy đời này qua đời kia, tạo nên mạch nước ngầm. Tích đầy, nước rút ra tại những điểm có độ nghiêng của động cát làm nên những nguồn nước thiên nhiên. Những khu dân cư của xã Nhơn Hội từ thôn Hội Bình đến thôn Hội Thành được hình thành dưới chân động cát theo hình chữ L nên ở đâu cũng được hưởng nguồn nước ngọt từ động cát chảy ra. Nhờ thẩm thấu qua bể lọc bằng cát khổng lồ nên nước ở đây rất tinh khiết, uống vào có vị ngọt thanh”.

Theo người dân ở đây, nguồn nước ngọt có từ động cát Nhơn Hội không chỉ đáp ứng thừa nhu cầu nước uống, nước sinh hoạt và cung ứng cho SX của khoảng 70 ha diện tích canh tác cây lúa của người dân địa phương, mà còn cung ứng cho nhu cầu nước uống của người dân các xã khu Đông thuộc huyện Tuy Phước. Đến cả ngư dân của các làng chài thuộc các phường Hải Cảng, Đống Đa, Thị Nại thuộc TP Quy nhơn cũng về đây lấy nước ngọt về cung cấp cho những tàu cá trong những chuyến ra khơi. 


Ông Nguyễn Văn Thạnh bên giếng nước đã bị hư do mạch nước ngầm đã bị ô nhiễm nặng

Thế nhưng, từ khi tại Khu kinh tế Nhơn Hội hoạt động khai thác, tận thu titan rầm rộ diễn ra thì sa mạc cát nhanh chóng bị xới tung. Ông Nguyễn Thành Đồng bức xúc: “Từ đầu đến cuối xã, đâu đâu cũng bị các DN được cấp phép tận thu titan đào bới. Kết cấu của động cát từ hàng trăm năm qua bị phá vỡ, nguồn nước liền bị nhiễm bẩn, trước đây tinh khiết bao nhiêu thì giờ ô nhiễm bấy nhiêu. Không chỉ nguồn nước tự nhiên, cả mạch nước ngầm cũng bị titan xâm hại. Nước ở đây trở nên đục, sì phèn và có mùi hôi thối. Người dân Nhơn Hội không chỉ bị mất đi nguồn nước uống, nước sinh hoạt mà còn mất đi nguồn nước phục vụ SX”.

Rồi với kinh nghiệm 25 năm là cán bộ chủ chốt của xã, ông Đồng kể vanh vách những thiệt hại do nguồn nước bị ô nhiễm titan gây ra: “Từ khi nguồn nước bị ô nhiễm, những diện tích SX lúa gần như bị thất thu vì cây lúa luôn bị lụn, không phát triển được hoặc chết yểu. Đến cả những cây xoài có gốc to đến 2 người ôm, khi nhiễm phải nguồn nước này cũng chết toi. Từ đầu xã (đội 6) xuống cuối xã (đội 10), hộ nào cũng có vườn cây bị chết”.

Cụ Lê Văn Minh (tổ 10, thôn Hội Thành) dẫn chúng tôi về khu vườn nhà mình để tận mắt chứng kiến những cây xoài cổ thụ đã bị chết khô từ khi nước bẩn do khai thác titan tràn về. Không chỉ vậy, cá trong ao nuôi rộng 300m2 của cụ Minh cũng bị nước bẩn gây chết. Ngoài cụ Minh còn rất nhiều hộ nuôi cá nước ngọt ở thôn Hội Thành bị thiệt hại do nước bẩn như: Huỳnh Tám, Huỳnh Đức Long (tổ 10), Nguyễn Xuân Mười, Nguyễn Ngọc Anh (tổ 9).

Không có nước uống

"Hỗ trợ tiền cho dân mua nước uống chỉ là giải pháp tình thế. Vấn đề nguồn nước bị ô nhiễm gây hại đến sản xuất và làm xáo trộn cuộc sống của người dân, về lâu về dài cần phải được các cấp chính quyền giải quyết rốt ráo", ông Nguyễn Thành Đồng bộc bạch.

Nỗi bức xúc lớn nhất của người dân Nhơn Hội hiện nay là họ đã bị mất đứt nguồn nước uống. Hiện tại, người dân từ thôn Hội Tân đến thôn Hội Thành với khoảng 350 hộ dân (2.000 nhân khẩu) phải được trợ cấp tiền mua nước uống. Cụ Lê Văn Minh nói: “Qúa bức xúc, người dân địa phương rủ nhau kéo đến những khu vực các DN khai thác titan đang hoạt động phản ứng dữ dội. Trước tình thế này, UBND tỉnh chỉ đạo cho các DN khai thác titan phải hỗ trợ cho người dân tiền để mua nước uống với mức 1 triệu đồng/nhân khẩu/6 tháng”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được trợ cấp tiền mua nước uống như vậy. Ông Nguyễn Văn Thạnh (53 tuổi) ở tổ 10 chỉ giếng nước của gia đình than thở: “Trước khi mạch nước ngầm bị ô nhiễm do titan, nước ở giếng này trong như gương, soi mặt được. Giờ nước đã trở màu ngà ngà như nước hến, bốc mùi, không còn uống được nhưng cũng phải nấu chín mà uống chứ gia đình tôi “thuộc diện” không được trợ cấp. Nước này mà giặt đồ, khi phơi khô quần áo tanh tưởi rất khó chịu. Rửa chén bát năm bảy hôm, chén bát cũng ngả màu vàng. Thậm chí đồ đồng trên bàn thờ chỉ qua thời gian ngắn cũng bị titan ám đen sì như bị gỉ sét”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất