| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 13/04/2016 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 13/04/2016

Tận thu và... tận diệt

Con số trên 22.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong quý 1/2016 này (cao hơn 23% cùng kỳ năm ngoái), và còn có thể tăng lên nữa, đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế phải lên tiếng, cho đó là một hiện tượng không bình thường của xã hội, của nền kinh tế.

Nhận xét về hiện tượng này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, một trong những nguyên nhân là do DN có hiện tượng bị tận thu: “DN chết vì chi phí của họ ngày càng tăng lên, như lãi suất, thuế, phí và các khoản ngoài phí, trong khi đó lợi nhuận của họ càng ngày càng mỏng đi, ngày càng bị đối thủ nước ngoài chiếm hết... Tiếp xúc với DN, tôi luôn chỉ thấy thu và thu, từ chi phí vận tải, mọi trận địa đối với DN chỉ thấy tăng và tăng, không thấy chỗ nào giảm chi phí, giảm rủi ro cho DN”.

Trước đó, tại một hội thảo do CIEM tổ chức, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đã nêu những con số hết sức rõ ràng: Các loại thuế và phí chiếm đến 48% lợi nhuận của DN. Ngoài ra, làm ra được 1 đồng thì DN phải chi đến 0,72 đồng phí “bôi trơn”. Và bà cho rằng làm như thế là “tận diệt” DN.

Cách đây gần 8 thế kỷ, trước khi nhắm mắt, Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã căn dặn vua Trần: “Hãy khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Khoan thư sức dân, nghĩa là đừng bắt dân đóng góp nhiều, khiến người dân có điều kiện sống thư thái và tích lũy được của cải. Sức nước nằm ở sức dân. Dân có tích lũy được, có giầu được thì nước mới mạnh được.

Ngày nay, việc Nhà nước bội chi ngân sách là có thật. Tuy nhiên, để giảm thiểu bội chi, thì có rất nhiều cách để tiết kiệm. Mà vấn đề quan trọng nhất để tiết kiệm, để giảm chi thường xuyên, là tinh giản bộ máy hành chính từ lâu đã trở nên quá cồng kềnh, với 30%, thậm chí còn hơn thế nữa số người “có cũng được, không có cũng chẳng sao”.

Loại được số này ra khỏi bộ máy, thì ngân sách sẽ như người “cất được một gánh nặng khỏi vai”. Nhưng vì sao nói mãi, nói quá nhiều rồi, qua mấy khóa Quốc hội, qua mấy đời Thủ tướng rồi, mà vẫn chẳng giảm được ai? Cái bộ máy khổng lồ đó, hàng năm vẫn ngốn ngân sách như tằm ăn rỗi? Và còn hàng loạt những biện pháp khác có thể tiết kiệm được, như xiết chặt việc quản lý các đoàn đi nước ngoài bằng ngân sách, hạn chế mua sắm phương tiện công, giảm bớt các cuộc hội thảo, hội nghị vô bổ...

Hãy giảm chi chứ đừng tăng thu để bù đắp bội chi. Bởi sức dân có hạn. Sức dân như cây, nếu biết nuôi dưỡng, khiến cây tốt tươi, thì sẽ có ngày cây cho trái ngọt, còn ngược lại.

Trên 22.000 DN kia, nếu không phải ngừng hoạt động, mỗi DN chỉ cần sử dụng 50 công nhân thôi, thì đã có trên 1 triệu người có việc làm rồi. Và nếu hàng năm, mỗi DN chỉ cần đóng góp cho ngân sách 100 triệu đồng thôi, thì đã là một con số khổng lồ rồi. Đó là chưa kể nếu được hoạt động trong một môi trường kinh doanh tốt, thì từ nhỏ, DN sẽ phát triển thành vừa, và từ vừa sẽ trở thành lớn.

Bình luận mới nhất