| Hotline: 0983.970.780

Tăng cường chỉ đạo sản xuất trước, trong và sau Tết Quý Mão 2023

Thứ Năm 05/01/2023 , 10:24 (GMT+7)

Để bảo vệ an toàn sản xuất vụ đông xuân 2022-2023 ở thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán ngành chức năng cần bám sát đồng ruộng, có những giải pháp kịp thời.

Nhiều tỉnh ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã xuống giống vụ lúa đông xuân 2022 - 2023. Ảnh: A.T.

Nhiều tỉnh ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã xuống giống vụ lúa đông xuân 2022 - 2023. Ảnh: A.T.

Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã xuống giống được hơn 150.000ha lúa đông xuân 2022-2023. Đồng thời, các loại cây trồng chính trong vùng như: sắn (mì), sầu riêng, điều,… đang ở giai đoạn xung yếu, mẫn cảm với các đối tượng sinh vật gây hại.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dịp Tết Nguyên đán 2023 thời tiết khu vực Duyên hải Nam Trung bộ trời mây thay đổi, ngày nắng nhẹ, có mưa rào rải rác; Khu vực Tây Nguyên thời tiết nắng ráo, đêm và sáng sớm trời se lạnh, có sương mù, xuất hiện mưa rào và giông cục bộ.

Để bảo vệ an toàn sản xuất vụ đông xuân 2022-2023 ở thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (thuộc Cục Bảo vệ thực vật) đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh trong vùng, Chi cục Phát triển Nông nghiệp Đăk Nông và Chi cục Nông nghiệp Đà Nẵng cần triển khai thực hiện các nội dung công tác sau:

Thứ nhất, nắm bắt tình hình sản xuất thực tế ở địa phương (thời vụ, cơ cấu giống) và theo dõi các tác động bất lợi của thời tiết (mưa trái mùa ở Tây Nguyên, không khí lạnh tăng cường ở Duyên hải Nam Trung bộ) ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng và sự phát sinh của các đối tượng sinh vật gây hại để chủ động trong chỉ đạo bảo vệ sản xuất.

Trong giai đoạn mẫn cảm, cây sầu riêng rất rễ bị bệnh nứt thân, xì mủ. Ảnh: A.T.

Trong giai đoạn mẫn cảm, cây sầu riêng rất rễ bị bệnh nứt thân, xì mủ. Ảnh: A.T.

Thứ hai, phân công cán bộ bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt bố trí cán bộ trực trong dịp Tết Nguyên đán để nắm chắc diễn biến của sinh vật gây hại, tham mưu và phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương nhằm tuyên truyền và hướng dẫn nông dân thăm đồng thường xuyên, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng sinh vật gây hại có nguy cơ bùng phát cao.

Thứ ba, cần chú ý một số đối tượng sinh vật gây hại trên các loại cây trồng chính sau:

Đối với cây lúa: Tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, bệnh đạo ôn lá phát sinh trong điều kiện thời tiết ngày nắng ấm, chiều tối và sáng có sương mù; Rầy nâu + rầy lưng trắng gia tăng gây hại lúa đông xuân giai đoạn đòng-trỗ trên trà lúa sớm; Chuột hại lúa giai đoạn sạ - đẻ nhánh; OBV hại lúa sạ muộn giai đoạn sạ-mạ. Tại các tỉnh Tây Nguyên, cần chú ý các đối tượng sinh vật gây hại thời điểm đầu vụ.

Các ngành chức năng hướng dẫn nông dân bón phân cân đối, không bón thừa đạm. Tăng cường công tác phòng chống chuột và thu lượm ốc bươu vàng.

Sắn sạch bệnh giai đoạn cây con. Ảnh: A.T.

Sắn sạch bệnh giai đoạn cây con. Ảnh: A.T.

Đối với cây sắn (mì): Đặc biệt chú ý bệnh khảm lá virus. Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 5957/CT-BNN-BVTV ngày 6/8/2018 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn.

Đối với cây điều: Giai đoạn ra đọt non - ra hoa - đậu quả chú ý bọ xít muỗi và bệnh thán thư gia tăng gây hại trong điều kiện ẩm độ cao, thời tiết âm u, có mưa rào và sương mù. Phân công cán bộ kỹ thuật theo dõi thời tiết và giai đoạn sinh trưởng để dự báo chính xác các cao điểm gây hại. Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng Quy trình kỹ thuật quản lý bọ xít muỗi và bệnh thán thư hại điều.

Đối với cây sầu riêng: Giai đoạn chăm sóc - phân hóa mầm hoa chú ý bệnh nứt thân xì mủ gây hại. Cần tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn nông dân áp dụng Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh Phytopthora hại cây sầu riêng. Đặc biệt bón phân NPK cân đối, sử dụng phân chuồng hoai mục và chế phẩm sinh học có chứa vi sinh vật có ích, chú ý bón phân đúng phương pháp, không bón trực tiếp lên rễ cây dễ gây ngộ độc phân. Điều kiện thời tiết âm u, có mưa và sương mù thì không nên bón phân chuồng.

Đề nghị Chi cục Trồng trọt & BVTV các tỉnh trong khu vực phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung để chỉ đạo bảo vệ tốt sản xuất vụ đông xuân 2022-2023.

(Giám đốc Trung tâm BVTV miền Trung thuộc Cục BVTV)

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.