| Hotline: 0983.970.780

Tăng cường đầu tư, viện trợ cho vùng dân tộc, miền núi

Thứ Ba 09/12/2014 , 09:23 (GMT+7)

Ngày 8/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị cùng các bộ, ngành và tổ chức quốc tế về chính sách xúc tiến đầu tư và viện trợ cho phát triển KT-XH vùng dân tộc, miền núi.

Theo Bộ KH-ĐT, tính đến năm 2014, Việt Nam có 51 nhà tài trợ, trong đó có 23 nhà tài trợ đa phương và 28 nhà tài trợ song phương có chương trình đầu tư vốn ODA thường xuyên.

Trước đây, việc vận động các nguồn tài trợ nước ngoài được thông qua bằng Hội nghị nhóm tư vấn thường niên các nhà tài trợ dành cho Việt Nam (viết tắt là CG).

Tại hội nghị CG lần thứ 19 (năm 2012), Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế đã thống nhất cải tiến hội nghị CG thành "Diễn đàn đối tác phát triển VN thường niên", tập trung nhiều hơn cho việc đối thoại chính sách phát triển cho VN.

Hiện nay, VN đã thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên trong 5 năm tới, nền KT-XH VN vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, kinh tế thị trường chưa ổn định và đồng bộ, hạ tầng còn yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, các vấn đề xã hội, môi trường còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ…

Trước tình hình này, các nguồn vốn tài trợ quốc tế, các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế vẫn có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển KT-XH của nước ta. Xu hướng đầu tư vốn ODA nhiều năm gần đây có sự chuyển dịch khá rõ nét theo hướng vốn ODA đầu tư trực tiếp đang giảm, vốn vay ưu đãi tăng lên; các dự án, chương trình hợp tác hỗ trợ phát triển chuyển sang hợp tác trực tiếp thành đối tác; đầu tư tư nhân, hợp tác công - tư trong đầu tư các dự án, chương trình có vốn ODA ngày càng được khuyến khích…

Tại hội nghị, các tổ chức quốc tế cam kết trong 3 năm tới, sẽ tiếp tục triển khai 216 chương trình, dự án nhân đạo và hỗ trợ phát triển với tổng ngân sách trên 200 triệu USD dành cho vùng DTTS và miền núi của VN. Bên cạnh các nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Ngân hàng Công thương VN (Viettinbank) cũng đã cam kết viện trợ 10.231 tỉ đồng (tương đương 480 triệu USD) để hỗ trợ phát triển KT-XH cho khu vực trong năm 2015.

Theo Bộ KH-ĐT, tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 – 2015 sẽ vào khoảng 5.745-6.140 nghìn tỉ đồng, tương đương khoảng 250-266 tỷ USD, trong đó nguồn vốn trong nước đạt 75-80%, còn lại 20-25% là nguồn vốn từ nước ngoài.

Với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ giai đoạn 2011-2015 được dự kiến cam kết khoảng 32-34 tỉ USD, giải ngân khoảng 14-16 tỉ USD, vốn ODA sẽ tương đương khoảng 6% tổng nguồn nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2011-2015, trong đó khoảng 50% được chuyển từ nguồn vốn giải ngân từ các chương trình và dự án đã ký kết trong giai đoạn 2006-2010.

Như vậy bình quân giai đoạn 2011-2015, vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân hằng năm sẽ đạt khoảng 2,8-3,2 tỉ USD...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Cùng với nhiều chính sách dành cho vùng miền núi và đồng bào DTTS, các nguồn vốn tài trợ quốc tế những năm qua đã đóng góp vai trò hết sức quan trọng giúp đời sống KT-XH vùng đồng bào DTTS vươn lên.

Tuy nhiên, vùng núi và đồng bào DTTS hiện vẫn có nhiều khó khăn thách thức, cơ sở hạ tầng lạc hậu, chất lượng nhân lực còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo có giảm nhưng vẫn còn cao, chênh lệch giữa các vùng vẫn rất lớn, đặc biệt là 63 huyện 30a. Về nguồn vốn ODA, Phó Thủ tướng cho biết, 3 năm qua, đã có 182 tổ chức phi chính phủ tài trợ cho VN với trên 300 triệu USD hỗ trợ cho vùng cao, vùng sâu, vùng DTTS.

Tuy nhiên trong 5 năm trở lại đây, vốn ODA dành cho vùng dân tộc, miền núi mới chỉ chiếm 20% trong tổng nguồn vốn ODA đầu tư cho VN, trong đó chủ yếu trong lĩnh vực y tế. Vì vậy trong giai đoạn tới, cần phải nghiên cứu để có nhiều hơn các chương trình, dự án đầu tư cho các vùng này...

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.