| Hotline: 0983.970.780

Tăng cường đề kháng phòng chống dịch bệnh trong mùa hè

Thứ Bảy 15/05/2021 , 09:01 (GMT+7)

Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trong mùa hè, đặt biệt khi dịch Covid-19 đang bùng phát và diễn biến khó lường là điều rất cần thiết.

Lối sống lành mạnh và một chế độ dinh dưỡng khoa học, cung cấp đủ vitamin đóng vai trò quan trọng giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Tập thể dục ở mức độ vừa phải giúp tăng cường sức đề kháng. Ảnh minh họa

Tập thể dục ở mức độ vừa phải giúp tăng cường sức đề kháng. Ảnh minh họa

Tập thể dục

Vận động thể chất với cường độ cao kéo dài có thể ức chế hệ thống miễn dịch, nhưng tập thể dục ở mức độ vừa phải, thường xuyên có thể giúp tăng sức mạnh của hệ miễn dịch. Để tăng sức đề kháng, bạn có thể tập thể dục ở mức độ vừa phải bằng cách đi bộ nhanh, đạp xe, chạy bộ, bơi lội hoặc đi bộ đường dài với thời gian ít nhất 150 phút mỗi tuần.

Kiểm soát căng thẳng

Căng thẳng, stress kéo dài thúc đẩy quá trình viêm, cũng như mất cân bằng trong chức năng tế bào miễn dịch. Do đó, kiểm soát căng thẳng chính là chìa khóa giúp tăng cường sức đề kháng. Ngồi thiền, tập thể dục nhẹ nhàng, tập yoga, viết nhật ký,... hay tâm sự với bạn bè và người thân là những hoạt động giúp kiểm soát căng thẳng. Trường hợp khó kiểm soát căng thẳng, bạn nên gặp chuyên gia tư vấn tâm lý hay bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ kịp thời.

Đảm bảo giấc ngủ ngon

Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hệ miễn dịch cũng như sức khỏe tổng thể. Thời gian ngủ đủ sẽ giúp cơ thể thư giãn và phục hồi sau một ngày làm việc, đồng thời giúp tăng cường sức đề kháng tự nhiên. Người lớn nên ngủ 7 tiếng trở lên mỗi đêm, thanh thiếu niên cần ngủ 8 - 10 tiếng, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần ngủ 14 tiếng hoặc nhiều hơn. Do người cao tuổi thường khó ngủ vào ban đêm nên những giấc ngủ ngắn ban ngày có thể giúp lấp đầy các khoảng trống để ngủ đủ ít nhất 7 tiếng/ngày.

Không nên dùng các thiết bị điện tử trong vòng 1 giờ trước khi đi ngủ và nên ngủ trong phòng tối, đi ngủ đúng giờ vào mỗi đêm. Để giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn, có thể ngồi thiền, tập yoga, nghe nhạc thư giãn, đọc sách... trước khi ngủ.

Bổ sung thường xuyên và khoa học các nhóm thực phẩm sẽ giúp tăng cường sức đề kháng. Ảnh minh họa

Bổ sung thường xuyên và khoa học các nhóm thực phẩm sẽ giúp tăng cường sức đề kháng. Ảnh minh họa

Chế độ ăn khoa học

Một số nhóm thực phẩm sau nếu được bổ sung thường xuyên và khoa học sẽ giúp tăng cường sức đề kháng:

Thực phẩm từ thực vật: Trái cây, rau, củ, quả, các loại đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt rất giàu chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa mầm bệnh.

Thực phẩm lên men (probiotic): Sữa chua, dưa cải, kim chi, kefir và natto chứa vi khuẩn có lợi cho cơ thể được gọi là men vi sinh, các loại vi khuẩn này cư trú trong đường tiêu hóa.

Chất béo lành mạnh: Chất béo lành mạnh có trong dầu ô liu và cá hồi có thể tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh.

Lưu ý: Nên dành thời gian cho mỗi bữa ăn và tập thói quen nhai kỹ để nước bọt có đủ thời gian trung hòa một số chất, chuẩn bị cho quá trình tiêu hóa thức ăn.

Cung cấp đủ nước

Nước chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể và có vai trò đặc biệt quan trọng. Thiếu nước sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, tác động xấu tới thận, da và làm tăng nhịp tim. Nên cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày, đừng đợi cho tới khi nào thấy khát hoặc khô miệng mới uống. Lượng nước tiêu chuẩn mà các chuyên gia khuyến cáo là khoảng 3 lít/ngày cho nam giới và 2 lít/ngày cho nữ giới. Có thể uống nước lọc hoặc các loại nước trái cây, nên hạn chế đồ uống có ga và đồ uống có bổ sung đường.

Bổ sung vitamin

Vitamin giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, có khả năng bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của các tác nhân nhiễm trùng nhờ đặc tính chống lại quá trình oxy hóa, khử độc và sửa chữa các cấu trúc bị tổn thương.

Cách tốt nhất để bổ sung vitamin là lấy từ nguồn thực phẩm đa dạng hàng ngày. Có thể bổ sung Vitamin A trong gan, các loại rau có màu xanh đậm, cà rốt; vitamin nhóm B trong ngũ cốc, đậu, lòng đỏ trứng; vitamin C trong các loại trái cây như kiwi, cam, bưởi, ổi; vitamin D trong dầu gan cá; vitamin E trong ngô, đậu, giá đỗ, lòng đỏ trứng.

Nếu không cung cấp đủ vitamin từ nguồn thực phẩm, bạn có thể bổ sung bằng các vitamin tổng hợp. Tuy nhiên, cần tuân thủ theo nhu cầu khuyến nghị và theo chỉ dẫn, tránh bổ sung vitamin quá mức cần thiết ảnh hưởng đến sức khỏe.

Luôn mang theo dung dịch sát khuẩn để sử dụng khi cần (Ảnh minh họa).

Luôn mang theo dung dịch sát khuẩn để sử dụng khi cần (Ảnh minh họa).

Luôn giữ bàn tay sạch sẽ

Các virus và vi khuẩn gây bệnh xuất hiện ở khắp nơi. Thói quen rửa tay thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lây truyền. Hãy luôn mang theo dung dịch sát khuẩn để bất cứ khi nào cần là có ngay.

Vệ sinh đường hô hấp thường xuyên

Hệ hô hấp chính là “cửa ngõ” gây bệnh nhiều nhất vào mùa hè. Các bệnh thường gặp là: cảm cúm, viêm mũi dị ứng, viêm phế quản,… Cách tốt nhất để bảo vệ đường hô hấp chính là giữ chúng sạch sẽ bằng cách vệ sinh thường xuyên.

Những thực phẩm giúp tăng sức đề kháng mùa hè

Sữa chua: Sữa chua chứa lactobacillus, acidophilus, bifido bacterium giúp tạo sự cân bằng và bồi bổ cho những vi khuẩn tốt sống trong ruột, tạo hàng rào phòng bệnh, tăng đề kháng.

Rau, củ, quả màu vàng cam: Khoai lang, bí ngô, đu đủ, cà rốt, gấc, dưa hấu, cà chua... chứa nhiều beta-carotene khi ăn vào sẽ được chuyển hóa thành vitamin A.

Gừng: Gừng có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, giúp giảm viêm, giảm đau, ngăn ngừa và điều trị các bệnh viêm nhiễm khác.

Cải bó xôi: Không chỉ giàu vitamin C mà còn có rất nhiều chất chống oxy hóa và beta carotene, đây là những chất có tác dụng giúp tăng khả năng chống viêm cho hệ miễn dịch và tăng sức đề kháng.

Trà xanh: Trà xanh chứa hàm lượng lớn EGCG, một chất chống oxy hóa mạnh có khả năng tăng cường hệ miễn dịch.

Thịt bò: Thịt bò cung cấp kẽm giúp tăng sức đề kháng. Một 100g thịt bò nạc cung cấp khoảng 30% lượng kẽm cần thiết mỗi ngày.

(Kiến thức gia đình số 19)

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Bệnh tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì để kiểm soát đường huyết

Đối với bệnh nhân bị tiểu đường thì chế độ ăn uống phù hợp là điều cần được chú trọng.

Chữa đau đầu bằng ngải cứu nhanh chóng, hiệu quả

Ngải cứu được biết đến với khả năng xoa dịu cơn đau thần kinh, thúc đẩy tinh thần tỉnh táo, giảm mệt mỏi, và cải thiện lưu thông máu đến não.