| Hotline: 0983.970.780

Tăng cường kết nối tiêu thụ RAT trên địa bàn Hà Nội

Thứ Hai 21/08/2017 , 10:05 (GMT+7)

Tại hội nghị, nhiều đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lí cùng đông đảo các doanh nghiệp và các đơn vị SX, cung ứng mặt hàng rau cho địa bàn TP Hà Nội đã cùng nhau thảo luận...

15-23-58_nh_1
Tại hội nghị, nhiều hợp đồng liên kết giữa các đợn vị SX và phân phối sản phẩm RAT đã được ký kết

Mới đây, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, du lịch TP Hà Nội (UBND TP Hà Nội) phối hợp với Dự án Tăng cường Độ tin cậy trong lĩnh vực SX cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ đã tổ chức hội nghị Kết nối cung cầu tiêu thụ rau an toàn (RAT) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lí cùng đông đảo các doanh nghiệp và các đơn vị SX, cung ứng mặt hàng rau cho địa bàn TP Hà Nội đã cùng nhau thảo luận nhằm tiếp tục có các giải pháp tăng cường liên kết, tiêu thụ sản phẩm RAT cho thị trường trọng điểm Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó GĐ Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, du lịch Hà Nội: Với trên 10 triệu dân đang sinh sống và hàng năm đón khoảng trên 21 triệu lượt khách du lịch, Hà Nội cần lượng lương thực, thực phẩm an toàn rất lớn, trong khi đó, khả năng SX tại chỗ của ngành nông nghiệp mới đảm bảo khoảng 55 - 60% lượng lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm nhập từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội tiêu thụ chủ yếu do thương lái thu gom và cung cấp về các chợ đầu mối (chiếm từ 75 - 80%). Sau đó được chuyển đi các chợ dân sinh, cửa hàng bán thực phẩm… Do đó, công tác quản lý chất lượng nông sản thực phẩm rất khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT) thôn Hà Nội cho biết, hiện nay, việc phân phối, tiêu thụ rau trên địa bàn thành phố có 6 hình thức chính, trong đó hình thức bán buôn thông qua chợ đầu mối, sau đó phân phối tới các chợ lẻ, chợ cóc vẫn chiếm tới gần 56%, tỷ lệ tiêu thụ thông qua hợp đồng với các HTX, doanh nghiệp còn rất ít. Trong khi đó, các hình thức phân phối khác như: Bán rau trực tiếp cho các siêu thị chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng sản lượng; cửa hàng phân phối bán lẻ RAT chiếm 1,5%; giao theo hợp đồng chiếm 1,8%; các thương lái thu gom chiếm 12,6% và người SX tự bán tại các chợ bán lẻ chiếm 26,8%.

Cũng theo bà Thoa, việc quản lí sản xuất RAT rất khó khăn do nông dân SX với quy mô nhỏ, phân tán với trên 200 nghìn hộ. Hiện toàn thành phố có hơn 12 nghìn ha rau, nhưng mới chỉ có hơn 5.000 ha rau đã được chứng nhận đủ điều kiện ATTP, với khoảng 80 nghìn hộ tham gia SX, trong đó mới chỉ có 30% số hộ được tập huấn về IPM. Còn lại hơn 7.000 ha rau vẫn chưa được chứng nhận đủ điều kiện ATTP, với khoảng 120 nghìn hộ tham gia SX và chưa được tập huấn IPM…

Từ những đặc thù này, người tiêu dùng tại Hà Nội gần như rất khó mua được RAT có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trong khi đó người SX lại chưa bán được RAT theo đúng giá trị thực tế. Điều này cũng khiến các HTX, DN kinh doanh tiêu thụ RAT không có nhiều mặn mà trong việc liên kết tiêu thụ RAT cho nông dân do lợi nhuận thấp, rủi ro cao. Cùng với nhiều bất lợi khác như chi phí thuê mặt bằng, cửa hàng, nhân công bán hàng, quảng cáo, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài… đã dẫn tới hệ lụy giá bán RAT cao, tiêu thụ ít dẫn tới phá sản…

15-23-58_nh_2
Hội nghị thu hút sự tham gia, kết nối tiêu thụ với nhiều mặt hàng nông sản đa dạng

Tại hội nghị, ông Hideki Maruyama, chuyên gia của dự án Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực Cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc của JICA cho rằng: Một trong những yếu tố khiến việc SX và tiêu thụ RAT tại Hà Nội vẫn bế tắc trong nhiều năm qua, đó là còn thiếu sợi dây liên kết chặt chẽ giữa người SX và các đơn vị tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Hideki Maruyama, kinh nghiệm ở Nhật cho thấy, một trong những nguyên tắc cơ bản trong phân phối các sản phẩm RAT, đó là giữa người SX và người tiêu thụ phải thiết lập được sự hợp tác bài bản, tin cậy, trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Theo đó, giữa đơn vị phân phối và nông dân phải cùng nhau thiết lập được kế hoạch SX mang tính chủ động, trên cơ sở đồng thuận giữa hai bên. Cụ thể, mối liên kết phải được tiến hành ít nhất 6 tháng trước khi có sản phẩm để hai bên thống nhất những nội dung như: Xác nhận các vùng SX; số lượng, chủng loại, tiêu chuẩn hình thức, cách thức bán hàng, mức độ chất lượng sản phẩm; và kế hoạch SX 3 tháng trước khi giao hàng; sau đó đưa kế hoạch SX vào các mạng lưới nông dân… Trong quá trình SX, hai bên có sự giám sát về chất lượng trong từng giai đoạn SX để cùng đảm bảo rằng sản phẩm sau khi thu hoạch sẽ đáp ứng được yêu cầu của nhà phân phối.

Với những mục tiêu nhằm tiếp tục hỗ trợ cho chuỗi liên kết giữa SX và tiêu thụ RAT cho các tỉnh phía Bắc trong thời gian tới, dự án Tăng cường Độ tin cậy trong lĩnh vực SX cây trồng an toàn do JICA tài trợ sẽ được triển khai từ nay đến năm 2012. Theo đó, các sản phẩm RAT sẽ được cải thiện về độ an toàn và tin cậy. Dự án sẽ được triển khai tại nhiều địa phương tại Hà Nội cũng như các tỉnh cung ứng RAT lớn cho Thủ đô như Hải Dương, Hưng Yên, với đối tượng chính là các doanh nghiệp, HTX và các nhóm nông dân. Mục tiêu của dự án là tiếp tục xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa các đơn vị phân phối RAT và các đơn vị SX.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.