| Hotline: 0983.970.780

Tăng năng suất, chất lượng chè

Thứ Năm 22/01/2015 , 09:43 (GMT+7)

Cây chè có lịch sử lâu đời và được trồng ở nhiều vùng sinh thái khác nhau trong cả nước (chủ yếu tập trung tại các tỉnh vùng núi phía Bắc). 

Từ lâu chè Việt Nam đã nổi tiếng trên thị trường trong nước và quốc tế với thương hiệu chè Shan Hà Giang, chè Đại Từ - Thái Nguyên, chè Mộc Châu, chè Phú Thọ....

Trong những năm qua, do tác động của những biện pháp canh tác, do sâu bệnh hại và vấn đề sử dụng tràn lan các loại hoá chất bảo vệ thực vật trên cây chè không theo đúng quy trình khoa học... đã làm suy thoái một số vườn chè.

Qua bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu những biện pháp kỹ thuật mang tính chiến lược về trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cũng như uy tín của các thương hiệu chè trong nước.

Các biện pháp kỹ thuật mang tính chiến lược

Cần có chiến lược quy hoạch các vùng trồng chè theo từng vùng sinh thái. Trong chiến lược này cần xây dựng quỹ đất, khảo sát nông hoá thổ nhưỡng của đất và thời tiết khí hậu... phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cây chè.

Sau đó cần có kế hoạch xây dựng những nhà máy, xí nghiệp chế biến, đóng gói, đóng hộp... theo tiêu chuẩn mã vạch hàng hoá khi tiêu dùng và xuất khẩu. Có như vậy chè Việt Nam nói chung và chè của từng vùng nói riêng mới đạt được yếu tố cạnh tranh trên thương trường.

Về những vườn chè nằm trong quy hoạch trồng mới cần kiến thiết theo đường đồng mức (đối với đất đồi dốc) và có kế hoạch trồng cây che bóng.

Có thể dùng các cây họ đậu có kích thước lớn trồng xen trong nương chè vừa tạo độ che phủ vừa bổ sung nguồn đạm cho đất và chống xói mòn. Những giống chè trồng mới phải được chọn lọc kỹ và có phẩm chất, chất lượng cao như chè Shan tuyết, chè Tân Cương... để nhân giống.

Phương pháp trồng mới có thể từ hạt hoặc giâm cành. Khi dùng phương pháp trồng bằng hạt có ưu điểm tạo cho cây giống khoẻ, sinh trưởng tốt, chống chịu với các điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên (như chịu hạn, chịu rét, sâu bệnh...) tốt hơn so với trồng bằng cành giâm.

Với những vườn chè nhân giống bằng cành giâm đòi hỏi phải có kỹ thuật (hoặc kinh nghiệm) nhưng chè nhanh cho thu sản phẩm và đảm bảo duy trì được chất lượng từ cây mẹ. Những vườn chè trồng từ cành giâm thường có tuổi thọ ngắn hơn so với trồng bằng hạt.

Xuất phát từ yếu tố đó, tuỳ từng vùng quy hoạch mà chúng ta đề ra các chiến lược nhân giống và sử dụng giống chè cho phù hợp. Trước hết, cần có chiến lược để bảo tồn và nhân giống các giống chè có chất lượng quý như chè Shan tuyết Lũng Phìn của Hà Giang, chè Đại Từ - Thái Nguyên...

Tại những vườn chè đang trong thời kỳ kinh doanh cần áp dụng các biện pháp đốn nhẹ hoặc đốn đau phù hợp với thực trạng của từng nương chè. Với những nương chè có tuổi thọ dưới 10 năm tuổi cần tiến hành các biện pháp đốn nhẹ và tạo tán.

Đối với những nương chè có tuổi thọ trên 20 năm cần áp dụng các biện pháp đốn đau vào cuối năm (từ tháng 11 đến tháng 12) kết hợp với bón thúc phân nhằm trẻ hoá nương chè.

Phân bón cần dùng là NPK kết hợp với phân chuồng hoai mục bón quanh gốc theo đường chiếu của tán. Chú ý mức bón vừa phải theo hiện trạng của từng nương chè, không nên lạm dụng quá nhiều phân bón sẽ làm ảnh hưởng không tốt tới chất lượng búp chè.

Kỹ thuật thu hái và chế biến: Cần thu hái đúng thời điểm (thường 1 tôm 2 lá) không nên thu hái quá muộn sẽ làm giảm chất lượng búp chè. Nếu thu hái quá sớm sẽ đảm bảo nâng cao chất lượng búp chè nhưng không đảm bảo được năng suất và ảnh hưởng không tốt tới sinh trưởng của cây chè.

Để thực hiện thành công chiến lược này đòi hỏi phải có chủ trương, chính sách phù hợp của các bộ, ngành liên quan. Trước hết là những định hướng mang tầm chiến lược trong phát triển kinh tế của những vùng đã qui hoạch, trong đó chè là cây trồng chủ lực.

Vì vậy thời điểm thu hái cần tiến hành đồng bộ trên cả nương chè, không nên thu hái kéo dài. Sau khi thu hái cần tiến hành phơi sấy và các công đoạn kỹ thuật như sao chế, phân loại, đánh bóng chè... càng sớm càng tốt; không nên ủ lâu hoặc chất chè thành từng đống nhất là khi thu hái chè gặp trời mưa sẽ làm giảm nghiêm trọng chất lượng chè khi chế biến.

Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về sử dụng các loại hóa chất trong phòng trừ sâu bệnh hại trên cây chè và các quy định liên quan.

Người trồng và tham gia chăm sóc chè phải được tập huấn, trang bị kiến thức về bảo vệ thực vật, phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn trên cây chè.

Một số đối tượng sâu bệnh hại chủ yếu trên cây chè như bọ xít muỗi, rầy xanh, sâu róm, nhện trắng, bệnh thối búp... không những làm suy giảm năng suất mà còn làm giảm nghiêm trọng chất lượng búp chè khi chế biến.

Vì vậy biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây chè phải theo định hướng phòng trừ tổng hợp (IPM). Không được lạm dụng các hoá chất độc hại, các loại thuốc cấm, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu... để phun trừ các loại dịch hại trên cây chè.

Trong trường hợp xảy ra dịch hại cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Bộ NN-PTNT đối với những hoá chất được phép sử dụng trên cây chè (Quyết định số 88/2001/QĐ- BVTV ngày 5/9/2001).

Ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc nhanh phân huỷ nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn cho chất lượng của sản phẩm chè. Tuân thủ đúng thời gian cách ly từ khi phun đến khi thu hái.

Đối với những loại chè dùng để xuất khẩu ngoài mẫu mã, bao bì, mã vạch… theo quy định cần có kết quả phân tích dư lượng của các loại hoá chất trong sản phẩm chè. Nếu vượt quá quy định của nước nhập khẩu thì phải dừng ngay việc xuất khẩu để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục kịp thời. Ngoài ra cần phải làm tốt công tác kiểm dịch thực vật trên các lô chè xuất khẩu theo đúng các quy định của Luật Thương mại.

Vì vậy để không ngừng nâng cao năng suất cũng như chất lượng chè của các vùng trồng chè trong cả nước, chúng ta không thể giải quyết ngay trong một thời gian ngắn mà đòi hỏi phải có một chiến lược phát triển kinh tế lâu dài, trong đó phải xác định cây chè là cây chủ lực cho từng vùng cụ thể.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.