| Hotline: 0983.970.780

Tang thương cao su Quảng Trị

Thứ Tư 02/10/2013 , 09:00 (GMT+7)

Bão số 10 làm hơn hơn 4.000/7.600 ha cao su đang cho khai thac mủ của nông dân bị gãy đổ, thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng, lớn hơn ngân sách cả tỉnh Quảng Trị dự kiến thu về trong năm 2013.

Hai tay run run, người bủn rủn, mặt tái mét, chân không lê bước đi nổi, ngồi khóc ngất giữa những vườn cao su bị bão số 10 cày nát còn hơn cả trận bom B52, là những hình ảnh đau thương, thê thảm của không ít nông dân trên các miền quê ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, mà chúng tôi chứng kiến vào sáng 1/10.

Bão số 10 làm hơn hơn 4.000/7.600 ha cao su đang cho khai thac mủ của nông dân bị gãy đổ, thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng, lớn hơn ngân sách cả tỉnh Quảng Trị dự kiến thu về trong năm 2013. Vĩnh Linh là địa phương bị thiệt hại nặng nhất của tỉnh Quảng Trị.

Công sức 15 năm gần như mất hết

Nông dân Nguyễn Thị Lê ở làng Hiền Dũng, xã Vĩnh Hòa sáng 1/10 đứng nhìn vườn cao su rộng 1,5 ha gãy tan hoang mà người cứ run bần bật. Chị không tin nổi vào mắt mình là vườn cao su của gia đình đã gãy thật rồi. Mười lăm năm dồn sức cho cao su coi như đổ hết vì hơn 2 tiếng đồng hồ bão dữ tràn qua.

Cầm cây rựa trên tay với ý định gượng dậy ra vườn dọn cây mà chị không biết phải bắt đầu làm thế nào nữa. Cây nào cũng gãy, chẳng biết dọn cây nào. Chị không nỡ đụng vào cây cao su, dù nó đã đổ xuống. Mười lăm năm nay gia đình chị nâng cây cao su như nâng trứng, sợ cây gãy, sợ cây đau, xem cây như con mình. Vì cây cao su chết coi như cuộc sống của gia đình chị chẳng còn ý nghĩa gì.

Trung bình mỗi ngày gia đình chị thu vào gần 1 triệu đồng từ tiền khai thác bán mủ cao su, nuôi các con ăn học. Bão số 10 đi qua coi như đã cướp đi gần như tất cả “của để dành” gia đình chị và bà con ở đây đã dày công vun vén, chăm sóc.

Mắt đỏ hoe, chị Lê nấc từng tiếng buốt nhói. Chị kể từ ngày cây cao su bén rễ trên đất đỏ Vĩnh Hoà, cứ mỗi khi vào mùa gió tây nam thổi chừng cấp 3 cấp 4, chị lại thấp thỏm, đứng ngồi không yên.


Người phụ nữ này ở xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) ôm gốc cao su mà khóc

Về đêm không ngủ được mỗi khi nghe cơn gió tây nam thổi mạnh. Chị sợ gió to làm cao su gãy đổ. Cao su rất dễ gãy vì thân mềm, lá to và nhiều nên gió nhẹ là gãy rồi. Mà cây cao su đã gãy coi như hỏng, không có mủ hoặc còn rất ít mủ.

Mấy ngày trước khi bão vào, đêm nào gia đình chị cùng mấy nhà trong xóm cũng thắp hương khấn lạy trời đất mong bão tan trên biển, xin mang mưa vào với đất liền. Chị làm vậy để tìm chút vững tâm khi đối diện với bão lớn sắp tiến vào.

Rồi bão vào đất liền, rít từng cơn gió hú với âm thanh nghe lạnh toát cả người, quăng quật khắp vườn, làm cho từng cây cao su xoáy thân sang phía tây, rồi gió đổi hướng cây tiếp tục bị uốn vẹo cả thân sang phía nam trước khi bão quật thêm các luồng gió mạnh bẻ gãy từng vườn cao su đổ xuống rào rào.

Ban đầu, chị Lê nín thở đứng trong nhà nhìn qua khe hở giữa ô cửa sổ đếm từng cây cao su gãy đổ. Mỗi cây cao su đổ xuống, tim chị lại nhói đau. Đến khi cao su đổ cả vườn người chị đổ xuống nền nhà lúc nào không hay.


Thê thảm vườn cao su bị bão cày nát

Còn bà Lê Thị Hoa ở thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam khóc suốt hai hôm nay, diện tích vườn cao su của bà rộng 1 ha, sáng 1/10 bà Hoa đi kiểm tra chỉ còn lại 15 cây nguyên vẹn sau bão. Bà Hoa đi nhặt từng bát hứng mủ cao su rơi xuống đất mang về nhà.

15 cây cao su và những chiếc bát ấy là của cải còn lành lặn của một gia tài là vườn cao su gần 1ha của bà. Bà Hoa nói quá đau đớn các chú ơi. Sao mà không đau được, suốt đời người lao động vất vả, nuôi chí trồng cao su, nay coi như trắng tay, làm lại từ đầu.

Ngược lên các xã Vĩnh Thủy, thị trấn Bến Quan, là những địa phương nằm ở phía tây huyện Vĩnh Linh vườn cao su đổ ngã ngửa. Cuồng phong, bão tố quét gần sạch những vườn cao su từ phía đông lên phía tây ở huyện này. Ông Trần Huỳnh ở xã Vĩnh Thủy ôm cây cao su bị gãy, từng giọt nhựa tứa ra trắng xóa mà kêu la thảm thiết như vừa mất con. Tất cả niềm tin, sức lực của ông dành cho cây cao su hàng chục năm nay xem như cạn kiệt.

Xã Vĩnh Thủy có 800 ha cao su bị hư hại do bão.

Nên nghĩ đến một loại cây trồng khác

Nông dân Trần Văn Lượng ở xã Vĩnh Hòa lặng người giữa vườn cao su. Anh Lượng nói muốn hay không muốn gì bà con cũng phải dọn vườn song rất tốn kém, vì mỗi nhát cưa cây gãy phải mất vài ngàn đồng.

Huyện Vĩnh Linh có 21 xã, ngoài thị trấn Hồ Xá ra, còn lại xã nào cũng trồng cao su tiểu điền và được xem là mô hình làm ăn kinh tế có hiệu quả nhất của tỉnh Quảng Trị. Bây giờ xã nào cũng tan tành vì cao su gãy đổ nên tìm lao động dọn vườn thật khó, trả công rất cao cũng tìm không ra người dọn vườn.


Bất lực nhìn vườn cao su gãy gần hết

Chị Huỳnh Thị Thảo ở xã Vĩnh Trung khuôn mặt bơ phờ vì vườn cao su tan nát khi bão số 10 đi qua. Chị nói giọng buồn thê thảm, cách nay đúng hai năm, trưa ngày 30/9/2011, trận lốc tố nhẹ đi qua xã Vĩnh Trung đã làm cho vườn cao su của bà con gãy la liệt.

Cây cao su đỏng đảnh lắm, mới lốc tố đã gãy, chứ đừng nói đến bão lớn giật trên cấp 10 như trận bão này. Năm đó, lốc đã làm gãy 150 ha cao su tiểu điền đang cho khai thác mủ của bà con nông dân. Hai năm sau cây lên chồi non lại bị bão dập tiếp. Từ ngày trồng cao su bà con nơm nớp lo âu mỗi khi có gió lớn, cứ nhìn mặt ra ngoài vườn vì sợ cao su gãy.

Song không phải chỉ cách đây vài chục năm mà cả trăm năm trước, nhiều người rất ngại khi trồng cao su ở phía bắc vĩ tuyến 17, vùng huyện Vĩnh Linh trở ra phía bắc vì thường có rét đậm, rét hại kéo dài và nhiều bão tố không lường được, trong khi đó cao su là cây nhiệt đới, ưa ấm áp.

Rồi cách đây gần 20 năm khi huyện Vĩnh Linh trồng cao su tiểu điền nhiều người mừng vì tìm ra mô hình làm ăn mau giàu có nhưng cũng đan xen không ít lo âu vì sợ bão tố bất thình lình ập vào bất kỳ thời gian nào trong năm, lúc đó sẽ trắng tay, nỗi lo ấy nay đã trở thành hiện thực.


Cao su huyện Vĩnh Linh tan hoang như sau bão số 10

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, ông Lê Văn Hiền đi kiểm tra hết các xã có diện tích cao su bị gãy đổ. Nhìn thấy cơ cảnh ấy ông Hiền nói không phụ bạc cây cao su nhưng cũng nên suy nghĩ đến một loại cây công nghiệp dài ngày khác để tính chuyện thay thế dần cho cây cao su trên những diện tích bị gãy đổ trên 70%.

Những vườn cao su hư hỏng từ 50% trở xuống có thể tận dụng để tiếp tục chăm sóc, khai thác. Thay thế dần cây cao su là chuyện dài nhưng phải tính toán lại không thể để nông dân độc canh mình cây cao su, khi bão vào lại trắng tay.

Đúng cao su là cây công nghiệp dài ngày, có giá trị kinh tế cao, đóng góp không nhỏ trong việc thay đổi đời sống người dân, góp phần lớn xuất khẩu mang ngoại tệ về cho đất nước. Song qua thực tế sau trận bão này, chúng ta không thể cứ tiếp tục trồng cao su bằng mọi giá...

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm