| Hotline: 0983.970.780

Tăng trưởng nóng và tái cấu trúc

Thứ Ba 24/04/2012 , 10:00 (GMT+7)

Quý I năm 2012 có rất nhiều doanh nghiệp thủy sản đã gặp không ít khó khăn...

Quý I năm 2012 có rất nhiều doanh nghiệp thủy sản đã gặp không ít khó khăn, nhiều nhà máy chế biến thủy sản giảm công suất hoặc tạm ngừng hoạt động, bởi sản xuất kinh doanh không đạt hiệu quả; một số doanh nghiệp thủy sản lâm cảnh nợ chồng chất, tại sao như vậy?

>> DN thủy sản cần vốn khẩn cấp

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã cảnh báo sau lễ mừng công xuất khẩu thủy sản Việt Nam vượt mức 6 tỷ USD năm 2011; năm 2012 sẽ gặp khó khăn, ít nhất trên 20% số doanh nghiệp thủy sản phá sản. Chẳng phải ngẫu nhiên VASEP tiên liệu như vậy, bởi năm 2012 các ngân hàng tiếp tục siết chặt tín dụng, cộng với nguồn nguyên liệu khan hiếm, dịch bệnh liên miên, thị trường xuất khẩu khó khăn, các khoản chi phí đầu vào tăng…

Nhìn vào sự phát triển nóng của ngành thủy sản thời gian qua, nhiều người trong nghề chẳng thấy mừng mà lo thêm. Từ những năm 2007 – 2010, các tỉnh thành ĐBSCL rộn ràng chạy đua xây dựng nhà máy chế biến thủy sản, chủ yếu để sản xuất tôm và cá tra. Đến giờ này toàn vùng đã có trên 190 nhà máy chế biến thủy sản, với công suất thiết kế trên 1,2 triệu tấn/năm. So với năm 2003, số nhà máy tăng gấp 2,3 lần, công suất thiết kế tăng gấp 2,7 lần.

Bùng nổ việc xây dựng nhà máy, trong khi thiếu đầu tư quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu bền vững đã đẩy hàng loạt nhà máy thiếu nguyên liệu, bình quân các nhà máy thủy sản chỉ chạy khoảng 30% - 50% công suất; thậm chí hiện nay nhiều nhà máy chế biến tôm ở ĐBSCL chỉ chạy 10 – 30% công suất, có nhà máy ngưng hoạt động. Đây là một lãng phí rất lớn của việc đầu tư theo phong trào. Đáng lo hơn là rất nhiều người ngoài ngành, không am hiểu về thủy sản cũng lao vào thu mua, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Từ đó dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, như làm hàng kém chất lượng, bán phá giá… gây mất uy tín hàng thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Thực tế cho thấy, nghề nuôi và chế biến thủy sản thời gian qua phát triển tự phát quá nhanh. Việc quản lý thủy sản, quản trị kinh doanh, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, cung ứng vốn và các dịch vụ đi kèm… hầu như chưa đáp ứng kịp tốc độ bùng nổ của ngành thủy sản. Hậu quả là nhiều doanh nghiệp đã và đang vỡ nợ; nhiều nhà máy đã đóng cửa và số lượng tới đây sẽ tiếp tục tăng.

Hàng loạt công nhân thủy sản đứng trước cảnh mất việc làm. Trong khi đó giá tôm sú, và cá tra dù duy trì ở mức cao nhưng nhiều hộ đành ngậm ngùi “treo đầm” vì kiệt sức, hết vốn, nợ vốn, thu hồi kéo dài.

Khó khăn, nhưng đây cũng là thời cơ để tái cấu trúc. Theo các nhà kinh tế, thời điểm này cần mạnh dạn xóa sổ những doanh nghiệp làm ăn kiểu chụp giựt cơ hội theo phong trào. Ngân hàng xem xét khoanh nợ, giãn nợ, tái đầu tư cho những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả tốt, đầu tư chiều sâu, doanh nghiệp có thương hiệu để họ duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho công nhân và giữ vững thị trường xuất khẩu.

Làm sao cơ quan quản lý nhà nước thật sự là “Người đồng hành” với doanh nghiệp và người nuôi, cùng khai thác lợi thế, tiềm năng, chung sức để đưa thế mạnh ngành thủy sản phát triển bền vững.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Phía sau mặt cỏ xanh của Sân vận động Thiên Trường

Thiên Trường, sân nhà CLB Bóng đá Thép Xanh Nam Định gần đây được đánh giá có chất lượng mặt cỏ top đầu V-League, vậy điều gì đã làm nên màu xanh tươi mới này?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm