Sáng 11/12, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Chủ quyền Lương thực Pháp tổ chức Kỳ họp lần thứ nhất Tổ công tác nông nghiệp Việt Nam - Pháp.
Nội dung của Kỳ họp lần thứ nhất xoay quanh các lĩnh vực hợp tác như thương mại, chế biến nông sản; phát triển nông nghiệp bền vững; đào tạo nâng cao năng lực; phát triển thủy sản bền vững; hợp tác Nam - Nam; chỉ dẫn địa lý và xuất khẩu nông lâm sản vào EU.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), thời gian qua, hai bên đã phối hợp chặt chẽ để xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác dựa trên ưu tiên và thế mạnh của mỗi bên.
Các kết quả nổi bật bao gồm phát triển nông nghiệp sinh thái, chỉ dẫn địa lý, cây công nghiệp (cao su tiểu điền, cà phê, chè), hạ tầng cảng cá, công trình quản lý nước, hệ thống thông tin thị trường và chuỗi cung ứng nông sản, chuyển đổi số, cùng phát triển nông nghiệp xanh.
Ngoài ra, Pháp đã tài trợ và chuyển giao công nghệ hiện đại cho các dự án, tiêu biểu như “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh” (MOVIMAR), Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái và hệ thống thực phẩm an toàn ở Đông Nam Á (ASSET)…
Phát biểu khai mạc tại Kỳ họp, ông Olivier Brochet, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, trao đổi việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 10/2024 là đánh dấu việc đẩy mạnh quan hệ thương mại đầu tư giữa hai bên; đồng thời, Bộ Nông nghiệp của hai nước cũng cần tăng cường mở rộng hợp tác hơn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm.
Đại sứ cũng cho biết, trong thời gian qua, hai bên đã tập trung vào các trụ cột như: (i) Giảm nhẹ thích ứng biến đổi khí hậu, Pháp đã hỗ trợ 500.000 EUR thông qua tổ chức CARE nhằm nâng cao năng lực phòng chống thiên tai; (ii) chuyển dịch hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch có trách nhiệm; (iii) quản lý chất lượng chuỗi giá trị; (iv) hợp tác về nghề muối.
Trao đổi về phát triển nông nghiệp bền vững, ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, cho biết, Pháp hiện nay có nhiều cơ chế hợp tác với Việt Nam như về mặt tài chính, nghiên cứu khoa học... Trong thời gian qua, phía Pháp hợp tác phi tập trung với các địa phương cụ thể bằng các dự án, bao gồm hỗ trợ không hoàn lại ở lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Bộ NN-PTNT đánh giá đây là những sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, nhanh chóng.
Trong thời gian tới, ông Mậu đề nghị, song song với hợp tác phi tập trung, hợp tác với địa phương có thể lồng ghép các hoạt động xây dựng quy phạm kỹ thuật, giải pháp ở cấp trung ương để các giải pháp sau đó có thể áp dụng cho một vùng rộng và quy mô quốc gia. Các hoạt động lồng ghép có thể được xây dựng ngay từ khâu thiết kế dự án tại các địa phương.
Với những thế mạnh và tiềm năng hợp tác của hai bên, Bộ NN-PTNT đề nghị với Đại sứ CH Pháp tại Việt Nam và các đại diện Bộ Nông nghiệp, Tự chủ thực phẩm và Lâm nghiệp Pháp, AFD (Cơ quan Phát triển Pháp), CIRAD (Trung tâm Hợp tác quốc tế Nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển) một số nội dung hợp tác.
Thứ nhất, hai bên cùng thúc đẩy hợp tác nông nghiệp sinh thái đặc biệt chú trọng bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn gien; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng… cũng như tăng cường hợp tác Nam - Nam.
Thứ hai, nghiên cứu, thúc đẩy xây dựng các chương trình, hỗ trợ tham vấn quy trình quy phạm, chính sách quản lý kỹ thuật nông nghiệp; ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải.
Thứ ba, về thương mại và đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam cần sự hỗ trợ của Pháp để tiếp tục nâng cao hệ thống quản lý chất lượng của các cơ sở sản xuất nông sản bằng cách đạt được những chứng nhận quốc tế và tuân thủ các tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật, phẩm màu, phụ gia thực phẩm.
Thứ tư, về thúc đẩy hợp tác phát triển thủy sản bền vững, Việt Nam rất mong Pháp thúc đẩy các hợp tác, trong đó có hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác tài chính giúp Việt Nam tăng cường năng lực nhằm thực hiện tốt các khuyến nghị của EU trong việc tháo gỡ 'thẻ vàng' IUU cho Việt Nam.
Cuối cùng, hai bên thống nhất thúc đẩy hợp trao đổi và xây dựng chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Thống nhất với các định hướng hợp tác của Tổ công tác trong thời gian tới, bà Francoise Simon, Phó Giám đốc phụ trách Quan hệ Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Chủ quyền Lương thực Pháp, cho rằng, đây là khởi đầu tốt giữa hai phía. Với các chủ đề được chỉ rõ trong Kỳ họp lần thứ nhất, phía Pháp mong muốn tiếp tục trao đổi, thúc đẩy trao đổi thương mại hai chiều, từ đó tạo kim chỉ nam cho hai nước hợp tác nông nghiệp trên nhiều lĩnh vực đã thảo luận.