| Hotline: 0983.970.780

Tập đoàn tầm cỡ châu lục và trăn trở ngành thủy sản Việt Nam

Thứ Ba 16/12/2014 , 09:58 (GMT+7)

Năm 2014, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đạt kim ngạch xuất khẩu trên 720 triệu USD, đứng đầu ngành xuất khẩu thủy sản.

* Vùng nguyên liệu tôm 100.000 ha

* Năm 2014, kim ngạch XK của Minh Phú đạt trên 720 triệu USD

Hồi tháng 5/2014, tại diễn đàn Kinh tế Thế giới, Minh Phú là một trong 20 công ty của Đông Á được vinh danh vì có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp lớn cho khu vực.

Minh Phú cũng đã đạt chứng nhận “Thương hiệu hàng đầu Việt Nam – TOPBRANDS 2014” của tổ chức Global GTA (UK) dưới sự giám sát chất lượng của tổ chức Interconformity (Cộng hòa Liên bang Đức).

Chủ tịch HĐQT Minh Phú, ông Lê Văn Quang, từng phát biểu thẳng, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu không nên lợi dụng các cơ hội để ép giá tôm nguyên liệu với người nuôi. Ông kể: “Thời điểm tôm nguyên liệu trong nước rớt giá, tôi đang đi công tác nước ngoài, hay tin tôi đã chỉ đạo không giảm giá với tôm đạt tiêu chuẩn, vì nếu giảm giá, nông dân lỗ nghỉ nuôi thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu”.

LIÊN KẾT

Chỉ tính vùng nuôi tôm ở tỉnh Kiên Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu, Minh Phú đã có 525 ha. Tính thêm những vùng nuôi tôm của nông dân cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu của Minh Phú, tổng cộng khoảng 100.000 ha.

Khi các thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, Minh Phú càng gắn bó với nông dân.

Nổi bật là Minh Phú đã liên kết với Tập đoàn Grobest, nhà sản xuất thức ăn thủy sản hàng đầu châu Á, để thúc đẩy nuôi tôm nguyên liệu sạch. Các vùng nuôi sử dụng thức ăn của Grobest và nuôi theo quy trình kỹ thuật của Grobest, Minh Phú mua giá cao hơn thị trường 2.000 – 5.000 đồng/kg.

Grobest là doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản đầu tiên tại Việt Nam được Tổ chức Liên minh Nuôi trồng Thủy sản toàn cầu (GAA) cấp chứng nhận BAP (Thực hành Nuôi trồng Thủy sản tốt nhất).

Grobest có những sản phẩm đặc biệt như Vannamei Green, Grobest Green hoàn toàn không chứa chất chống mốc Ethoxyquin. Khi nuôi tôm ở giai đoạn cuối, sử dụng các sản phẩm này cho tôm có thịt sạch, đảm bảo các yêu cầu chất lượng cao. Minh Phú cũng là doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng nhận ACC về con giống, nuôi trồng và chế biến thủy sản.

minh-phu183436767
Công đoạn bóc vỏ tôm trong dây chuyền chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu của Tập đoàn thủy sản Minh Phú. Ảnh: Huỳnh Thế Anh

Việc liên kết giữa Minh Phú và Grobest giúp người nuôi tôm an tâm sản xuất trong thời điểm khó khăn như hiện nay. Những nơi sử dụng thức ăn của Grobest, theo sự hướng dẫn kỹ thuật của nhân viên Grobest, nuôi tôm có hiệu quả cao, kích cỡ tôm đạt 30 con/kg sau 120 ngày nuôi.

Đặc biệt ao tôm sạch, không nhiễm các chất bị cấm. Sản phẩm tôm chế biến của Minh Phú vì vậy đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nhiều thị trường, duy trì kim ngạch xuất khẩu cao.

Tỉnh Bến Tre ở xa các nhà máy chế biến của Minh Phú nhưng cũng đã có khoảng 1/3 trong tổng diện tích 30.000 ha nuôi tôm sử dụng thức ăn của Grobest. Những vùng nuôi này được Grobest cử nhân viên kỹ thuật hỗ trợ người nuôi tuân thủ quy trình không sử dụng chất cấm, chất kháng sinh, áp dụng quy trình Biofloc tiên tiến.

Minh Phú mua tôm tại đây chở về các nhà máy chế biến tại Hậu Giang, Cà Mau.

HIỆN ĐẠI

Tiền thân là DNTN Minh Phú thành lập ngày 14/12/1992; năm 2002 đổi thành Cty TNHH Minh Phú; tháng 7/2006 chuyển sang công ty cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Năm 2006 cũng khởi đầu việc khép kín sản xuất từ giống, chế phẩm sinh học, nuôi tôm thương phẩm và chế biến xuất khẩu để vươn tầm quốc gia, quốc tế. 

17-10-39-1112144172552218
Tôm chế biến xuất khẩu của Minh Phú

Minh Phú hiện có 9 doanh nghiệp thành viên. Ngoài những doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, có Cty TNHH Sản xuất giống thủy sản Minh Phú ở thôn Hòa Thuận, xã An Hải (Ninh Phước, Ninh Thuận); Cty TNHH MTV Nuôi tôm sinh thái Minh Phú ở ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Đông (Năm Căn, Cà Mau); Cty TNHH MTV Chế phẩm sinh học Minh Phú ở ấp 1, xã Trí Phải (Thới Bình, Cà Mau).

Và đặc biệt hơn là MSEAFOOD CORPORATION ở California (Hoa Kỳ), thành lập ngày 27/12/2001 mà Minh Phú chiếm 90% vốn. Trong quá trình không ngừng tăng năng lực sản xuất, Minh Phú rất chú trọng chăm lo cuộc sống người lao động từ lương hằng tháng đến nơi ăn ở.

Đến ngày 1/1/2015, Minh Phú sẽ chính thức vận hành hệ thống SAP ERP. Đây là giải pháp giúp quản trị hệ thống thông tin doanh nghiệp được tích hợp, đảm bảo việc quản lý thông suốt toàn hệ thống.

 SAP là phần mềm quản lý tổng thể doanh nghiệp (ERP) có khả năng tích hợp các hoạt động mua bán hàng, tồn kho, sản xuất, tài chính kế toán… Giải pháp SAP ERP đã triển khai thành công cho nhiều tập đoàn lớn trên thế giới và tại Việt Nam.

Khi ứng dụng SAP ERP, Minh Phú kỳ vọng tiếp cận chuẩn mực quản trị quốc tế, xây dựng được một hệ thống quản trị có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới với các đối thủ lớn trong lĩnh vực chế biến thủy sản, đặc biệt là tôm.

Dự án này là kết quả hợp tác giữa Minh Phú và FPT, mỗi bên lo 50% kinh phí đầu tư. Sau 5 tháng xây dựng, từ tháng 9/2014 đến tháng 11/2014, hệ thống SAP ERP đã đưa vào đào tạo người dùng chính và thực hiện kiểm tra tại Minh Phú. Ngày 27/11/2014, ban lãnh đạo Minh Phú và FPT tổng kết đào tạo và kiểm thử, thống nhất đưa vào vận thành đầu năm 2015.

Trăn trở hơn của ông Lê Văn Quang là Minh Phú muốn sản xuất giống cá rô phi tốt nhưng chưa được. Ông Quang kể, năm trước chuẩn bị mấy ha tại Cty TNHH Sản xuất giống thủy sản Minh Phú ở thôn Hòa Thuận, xã An Hải (Ninh Phước, Ninh Thuận); và đã nhập 100.000 con cá rô phi bố mẹ từ Israel.
“Thế nhưng tỉnh Ninh Thuận chỉ cho phép chúng tôi sản xuất tôm giống; nếu sản xuất cá rô phi giống sẽ bị cưỡng chế. Chúng tôi đành chuyển đàn cá rô phi bố mẹ ấy về Kiên Giang nuôi cá thịt”, ông Quang tiếc nuối.

Khi vận hành chính thức, mục tiêu của Minh Phú là online ngay tuần đầu tiên sẽ có một hệ thống quản trị vận hành đồng bộ và thống nhất trong tất cả các hoạt động. Toàn hệ thống liên kết và kiểm soát chặt chẽ để luôn có các số liệu chính xác, kịp thời.

Số liệu từ các bộ phận được tập trung và chuyển lên Data Warehouse giúp ban lãnh đạo quản trị, điều hành công ty chặt chẽ, nhanh chóng có các quyết định hợp lý hướng tới phát triển ổn định bền vững.

TRĂN TRỞ

Ngày 9/12, tại TP Cần Thơ, Tổng cục Thủy sản tổ chức hội thảo bàn giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ cá rô phi. Chủ tịch HĐQT Lê Văn Quang lại khiến các đại biểu quan tâm đến niềm đau đáu của Minh Phú với con tôm Việt Nam nói riêng, ngành thủy sản nói chung và trên hết là quan tâm đến người nuôi tôm.

Theo Tổng cục Thủy sản, rô phi là loài cá nuôi phổ biến thứ hai trên thế giới, ước năm 2014 đạt sản lượng khoảng 4,5 triệu tấn. Trung Quốc đang là nước xuất khẩu cá rô phi lớn nhất thế giới, năm 2013 đã xuất khoảng 1,3 tỷ USD.

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN Trương Đình Hòe cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2014, nước ta xuất khẩu cá rô phi được 27 triệu USD và hiện nay, nhiều thị trường trên thế giới đang muốn bỏ cá rô phi của Trung Quốc để mua của Việt Nam do có chất lượng tốt.

19-29-13_thu-hoch-tom-o-c-mu-nh-le-hong-vu-2
Nuôi tôm sạch năng suất cao ở Minh Phú

Tiềm năng và triển vọng nuôi cá rô phi ở nước ta rất lớn. Ông Lê Văn Quang cho biết, qua mấy năm chống dịch bệnh tôm, Minh Phú tìm ra quy trình kỹ thuật nuôi cá rô phi để lấy nước nuôi tôm, giúp con tôm kháng dịch bệnh tốt.

Trên các cánh đồng thủy sản không còn độc canh con tôm hay cá rô phi nữa, mà đa dạng sinh học hơn, hạn chế dịch bệnh, cho sản phẩm chất lượng tốt, tăng kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, cản trở hiện nay là chất lượng giống cá rô phi của nước ta quá kém. Để nuôi cá rô phi đạt trọng lượng 0,85 kg/con, chế biến được phile đông lạnh, cá giống của thế giới chỉ cần nuôi 4 tháng còn ở nước ta phải nuôi gấp đôi thời gian, lại hao hụt lớn.

Năm 2013, Minh Phú cần 3 triệu con cá giống rô phi chất lượng tốt để nuôi 300 ao, lấy nước nuôi tôm mà “kiếm trên cả nước không ra”, lời ông Quang. Theo ông Quang, phát triển nuôi cá rô phi trên các cánh đồng tôm nguyên liệu của Minh Phú, mỗi năm cần khoảng 52 triệu con cá rô phi giống.

Hằng năm nước ta sản xuất khoảng 455 triệu cá rô phi giống nhưng sử dụng cá rô phi bố mẹ dòng 13-14 nên đặc tính sinh học lạc hậu, trong khi thế giới đã sử dụng đến dòng thứ 24-25. Ở các tỉnh phía Nam, khoảng 70% đàn cá rô phi bố mẹ lại chọn từ cá thương phẩm, qua nhiều năm đã thoái hóa, tốc độ sinh trưởng chậm.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.