| Hotline: 0983.970.780

Tập huấn cho các đại lý

Thứ Sáu 02/12/2011 , 11:12 (GMT+7)

*CÁCH LÀM HAY CỦA PHÂN BÓN ĐẦU TRÂU TẠI CÁC TỈNH PHÍA BẮC

Từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 11 năm 2011, tại Giao Thủy (Nam Định), Công ty CP Phân bón Bình Điền đã mở lớp tập huấn “Đại lý phân bón Đầu Trâu chuyên nghiệp” cho 157 học viên, là chủ các đại lý phân bón Đầu Trâu tại các tỉnh thành đồng bằng và trung du Bắc bộ.

Lớp học tập trung nghiên cứu những nội dung rất thiết thực, như: Tình hình sản xuất và tiêu thụ phân bón khoáng trên thế giới và Việt Nam; Vai trò của chất dinh dưỡng đối với cây trồng; Một số căn cứ để bón phân hợp lý; Các loại phân bón, các sản phẩm phân bón Đầu Trâu - nhận dạng và cách sử dụng… và những nội dung mở rộng, giúp đại lý hiểu biết thêm về: Vai trò của thương hiệu - cách thức xây dựng thương hiệu; Về bán hàng - kỹ năng bán hàng; Những quy định về sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ phân bón, thuốc BVTV… với đội ngũ giảng viên là các giáo sư, tiến sỹ đã có quá trình nghiên cứu, gắn bó lâu năm với ngành nông học, những cán bộ quản lý nhà nước từ Cục Trồng trọt (Bộ NN- PTNT), những cán bộ kỹ thuật của chính công ty đã có thực tiễn sinh động từ những năm tháng vất vả lặn lội cùng bà con nông dân khắp các vùng miền.

Đây là lần thứ 6 lớp học như thế này được tổ chức. Tám năm qua, Bình Điền đã tập huấn cho gần 1.000 lượt chủ và nhân viên bán hàng của đại lý thuộc các tỉnh phía Bắc. Tại sao lại chọn cách làm rất khó khăn và khá tốn kém này? Tổng Giám đốc Công ty Lê Quốc Phong nói: “Các tỉnh phía Bắc là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất phân bón, không chỉ cho cây lúa, mà còn cho cả rau màu, cây ăn quả và cây công nghiệp. Nhưng bà con nông dân ở đây nhìn chung còn nghèo, ruộng đất ít, lại quen với nếp canh tác lâu đời là dùng phân bón đơn chất, hoặc phân hỗn hợp NPK hàm lượng thấp, giá rẻ. Một bộ phận nông dân ở vùng sâu, miền núi điều kiện tiếp cận thông tin rất khó khăn, lại ít vốn đầu tư cho sản xuất, nên cứ thấy rẻ là ham, bất chấp chất lượng”.

Làm sao để bà con nông dân nhận ra chất lượng sản phẩm mà sẵn sàng bỏ tiền ra mua phân bón giá cao về dùng? Trong lúc cán bộ, nhân viên phòng Marketing của công ty không thể rải ra hết được các vùng miền… và công ty đã chọn cách thức đào tạo nhân viên bán hàng tại các đại lý, giúp họ trở thành những “chuyên gia” tư vấn về phân bón Đầu Trâu, những người đại diện của công ty tại địa phương. Họ không chỉ đơn thuần bán hàng, thu tiền, mà còn phải chịu trách nhiệm với người nông dân đến khi thu hoạch.

Kết quả đạt được từ những lần tập huấn thì đã rõ, khi mà hệ thống đại lý phân phối đi vào hoạt động một cách chuyên nghiệp thì người nông dân trên ruộng đồng Bắc bộ bắt đầu “kết” cái nhãn mác Đầu Trâu, và vì vậy sản lượng tiêu thụ qua từng năm tăng dần, từ vài ngàn tấn năm 2003, năm 2011 đã có trên 65.000 tấn sản phẩm phân bón Đầu Trâu các loại được tiêu thụ.

Bà Lê Thị Ái, chủ một đại lý phân bón Đầu Trâu ở Xuân Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa, nói: “Chúng tôi phải bảo vệ đến cùng uy tín của sản phẩm, bởi đó chính là lợi ích thiết thực và lâu dài của chúng tôi. Vừa qua trên thị trường xuất hiện hai loại phân đạm có hạt màu vàng, của các công ty HT và TN, giá bán rẻ hơn 1.000 đồng/ký so với giá phân đạm Đầu Trâu 46A+. Nếu ham lời nhiều trước mắt, chúng tôi có thể lấy, trộn vào đạm Đầu Trâu, nhưng làm vậy, người nông dân khi mua phân về, bón ruộng, hiệu quả đạt được không như tư vấn của nhà sản xuất và mong muốn của bà con, họ sẽ “cạch mặt” cả nhãn hiệu Đầu Trâu và đại lý chúng tôi. Vậy là chỉ vì cái lợi trước mắt mà “sập tiệm”, chả dại".

Bà Lò Thị Chiên, một đại lý phân bón cấp 2 ở xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cho biết: “Phân bón Đầu Trâu mới vào Điện Biên được vài năm nay. Lúc đầu người mua chê đắt, nhưng đã dùng rồi thì nói tốt lắm. Bón phân Đầu Trâu, lúa cứng cây, ít sâu bệnh, hạt thóc sáng. Người ta chê đắt mà chúng tôi giải thích không được. Nay, qua lớp học, chúng tôi mới thấy phân NPK Đầu Trâu có hàm lượng dinh dưỡng cho cây trồng cao, gấp bốn, năm lần phân NPK cấp thấp nên, nếu hạch toán chi li ra thì còn rẻ hơn. Công ty lại tuyên bố sẽ bù cho bà con nếu sử dụng phân bón Đầu Trâu mà thất mùa, vậy còn phải lo gì nữa. Mặc dù cuối năm, bận rất nhiều công việc, lại phải đi từ năm giờ sáng, đến tận bảy giờ tối nhưng được học, lại có tài liệu mang về, rất bổ ích cho đại lý chúng tôi”.

Ông Lương Đức Thành, ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang nói: “Tôi không thể tưởng tượng Bình Điền lại tổ chức được những lớp học như thế này. Lúc đầu tôi cứ nghĩ Bình Điền tổ chức cho đại lý chúng tôi có dịp gặp gỡ, giao lưu, kiểu như đi nghỉ mát một chuyến vậy; nhưng đến đây, ngoài cái nghĩa giao lưu, nghỉ mát ra, còn phải học, học thật sự. Nói thật tôi phải bỏ cả các buổi nghỉ trưa để ôn bài, mới có bài kiểm tra đạt loại giỏi như hôm nay. Dù ngắn ngày nhưng chúng tôi cũng vỡ ra được nhiều điều qua lớp học. Cái bảng chứng nhận, in tên tuổi đàng hoàng trên gỗ, thật đẹp, thật có ý nghĩa này, tôi sẽ mang về, treo trang trọng tại cửa hàng của mình”.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất