| Hotline: 0983.970.780

Tập trung chương trình trọng điểm

Thứ Sáu 13/09/2013 , 10:09 (GMT+7)

Sau khi chuyển đổi, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Võ Ngọc Anh, GĐ Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, về vấn đề này…

Ông Võ Ngọc Anh, GĐ Trung tâm Khuyến nông TP.HCM khẳng định, nông dân trồng lúa trước đây chỉ đạt ngưỡng nghèo của TP. Nhưng sau khi chuyển đổi, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Anh về vấn đề này…

ĐẤT ÍT, HIỆU QUẢ CAO

Quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ở TP.HCM đã diễn ra từ lâu, bắt đầu từ năm 2006. Tại sao TP lại sớm có sớm có chủ trương này, thưa ông?

TP.HCM có diện tích đất SXNN không lớn, khoảng trên 80.000 ha, nếu SX cây trồng, vật nuôi như các tỉnh thì sản lượng nhỏ, hiệu quả kinh tế không cao. Vì thế, từ năm 2006 UBND TP đã ra một số quyết định về vấn đề chuyển dịch cây trồng, vật nuôi tạo giá trị gia tăng cao hơn.

Ví dụ như tập trung chuyển diện tích đất ruộng sang trồng rau an toàn, trồng hoa kiểng, nuôi cá cảnh, bò sữa… So với trồng lúa thu nhập chỉ 40 - 50 triệu đồng/ha/năm, thì các loại cây con mới này cho thu nhập 200 triệu, 500 triệu, đến cả tỷ đồng/ha/năm.

Ví dụ trồng lúa 2 vụ ở TP.HCM chỉ đạt 8 tấn/ha, bán đi chỉ được 50 triệu đồng, trừ 50% tiền đầu tư giỏi lắm cũng chỉ được 25 triệu đồng. Số tiền này chia cho 1 gia đình 4 người thì trung bình 1 người/năm thu nhập chỉ khoảng 6 triệu đồng, tức 500.000 đồng/tháng dưới cả ngưỡng nghèo của TP.

Trong khi đó, cũng 1 ha, người nông dân chuyển sang trồng cỏ nuôi bò sữa thì giá trị tăng gấp hàng chục lần. 1 con bò sữa đạt trung bình 5 tấn sữa/năm, giá sữa hiện 13.000 đồng/kg, tức cho thu nhập tới 65 triệu đồng/con bò/năm. Trong khi đó, 1 ha trồng cỏ có thể nuôi được trên 20 con bò sữa, như vậy nếu nhân lên thì giá trị trồng cỏ nuôi bò là quá cao.

Theo ông, thành công nhất về mặt chính sách cho nông dân về chuyển đổi cơ cấu SXNN là gì?

Tôi thấy rằng, chính sách của UBND TP tập trung nhiều về mặt tài chính và đã phát huy hiệu quả tốt. Ngay từ năm 2006, UBND TP đã ban hành chính sách hỗ trợ về vốn cho nông dân chuyển đổi cơ cấu SXNN chuyển từ đất lúa sang trồng rau, hoa, cây kiểng… TP ký kết với một số ngân hàng, chủ yếu là ngân hàng NN-PTNT để hỗ trợ vốn cho nông dân.

Người nông dân muốn làm thì chỉ cần lập phương án về cơ cấu chuyển đổi, ví dụ chuyển 1 ha đất lúa sang trồng rau an toàn, cần bao nhiêu tiền để cải tạo đất, xây dựng hạ tầng, mua giống, vật tư nông nghiệp… rồi chuyển cho bên ngân hàng thẩm định.


Bò sữa giúp nông dân TPHCM thu nhập cao

Bên ngân hàng thấy dự án khả thi sẽ chấp nhận cho vay và lúc đó TP sẽ là bên hỗ trợ lãi suất từ 60 - 80% cho người nông dân trong thời hạn từ 1 - 5 năm tùy theo đối tượng cây trồng, vật nuôi. Chính sách này đã giúp TPHCM chuyển đổi cơ cấu SXNN rất nhanh và hiệu quả.

THỊ TRƯỜNG - YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH

Là đơn vị trực tiếp khuyến nông cho bà con, Trung tâm đã có cách làm như thế nào để thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp?

Từ nhiều năm qua, chúng tôi đã tập trung khuyến nông vào các chương trình trọng điểm theo chỉ đạo của UBND TP và Sở NN-PTNT.

Đơn cử như năm 2013 này, tổng kinh phí khuyến nông của TP lên tới 17 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí khuyến nông cho hoa kiểng (tập trung chủ yếu vào hoa lan) trên 4 tỷ đồng tập trung làm khoảng 40 mô hình hoa lan (đầu tư các giống mới, hệ thống tưới tự động…), mỗi mô hình tập hợp 3 - 5 hộ nông dân tham gia.

Hay như khuyến nông rau an toàn năm nay cũng có trên 2 tỷ để tổ chức các hội thảo, tập huấn, hướng dẫn bà con trồng rau không sử dụng thuốc BVTV độc hại, không thuốc tăng trưởng cấm, nâng cao sự an toàn bằng biện pháp cách ly thuốc BVTV trong quá trình SX.

Còn chương trình bò sữa năm 2013 kinh phí tới trên 7 tỷ đồng (nhà nước 50% và doanh nghiệp 50%). Chương trình bò sữa tập trung vào trồng giống cỏ mới giúp bò ăn dễ tiêu hóa, chất lượng dinh dưỡng cao và cải thiện được năng suất sữa; cơ giới hóa, đầu tư máy móc thiết bị hỗ trợ cho bà con nông dân trong khâu vắt sữa.

Đặc biệt, khi nông dân mua máy vắt sữa 20 triệu đồng sẽ được hỗ trợ 50% số tiền, còn lại 50% được trả góp trong vòng 6 tháng không tính lãi. Như vậy, trước mắt nông dân lấy máy vắt sữa về chưa phải trả một đồng nào, lại thuận lợi cho công việc vì công lao động giảm, kích thích làm tăng năng suất sữa (vắt bằng máy sẽ cho sữa nhiều hơn), giúp thu hoạch sữa “sạch” không nhiễm vi sinh, giá bán cũng sẽ cao hơn.

Những chương trình khuyến nông như thế đã góp phần giúp TPHCM đi trước một bước trong việc chuyển dịch cơ cấu SX nông nghiệp, giúp nâng giá trị sử dụng đất, tăng thu nhập cho người nông dân, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và tạo môi trường sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thân thiện với môi trường và xã hội.

Ông nhận định việc chuyển đổi đất lúa sang cây, con khác tại các tỉnh hiện nay đang gặp khó khăn gì?

Theo tôi, cái khó lớn nhất vẫn là thị trường tiêu thụ. Chủ trương chuyển đất lúa sang cây, con khác là chuyện bình thường và nên làm sớm. Nhưng khi cây, con mới có rồi thì phải có nơi tiêu thụ bền vững, vì thế thị trường vẫn là yếu tố quyết định.

Tại sao TPHCM lại sớm đạt được kết quả trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp? Bởi vì thị trường TPHCM rất lớn, cả chục triệu dân, thu nhập cao và nhu cầu tiêu dùng, giải trí lớn nhất nước. Các sản phẩm làm ra được tiêu thụ ngay gần nơi SX nên đã kích thích việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nhanh chóng.

TPHCM cũng là nơi giao thương thuận lợi với thế giới, vì thế nhiều sản phẩm nông nghiệp làm ra còn dễ dàng XK đi các nước. Đơn cử như sản phẩm cá kiểng của TP nhiều năm nay đã xuất sang các nước như Mỹ, Châu Âu thu về hàng chục triệu USD.

Trong khi đó, nhiều tỉnh thành khác khi lên TPHCM học hỏi kinh nghiệm các mô hình như trồng hoa, cây kiểng, cá cảnh thấy rất hay, nhưng khi về lại rất khó áp dụng vào SX vì thiếu thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Quy hoạch đất lúa của TP.HCM đến năm 2020 chỉ còn 3.000 ha, do đây là những vùng đất thấp, trũng không thể chuyển đổi được. Tuy nhiên, diện tích đất lúa này sẽ được tập trung vào làm lúa giống tạo giá trị gia tăng cao hơn (ông Võ Ngọc Anh).

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất