| Hotline: 0983.970.780

Tập trung triển khai các giải pháp để sớm khắc phục thẻ vàng của EC

Thứ Tư 17/01/2018 , 07:01 (GMT+7)

Nhấn mạnh về những vấn đề đặt ra trong năm 2018 này, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu ngành thủy sản phải đạt kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD thay cho mục tiêu kế hoạch đặt ra là 8,5 tỷ USD...

Toàn cảnh hội nghị

Một nhiệm vụ đáng chú ý được xem là trọng tâm trong năm 2018 của ngành thủy sản là tập trung triển khai các giải pháp để khắc phục thẻ vàng của EC về khai thác IUU, phấn đấu đến ngày 23/4, EC sẽ ra hạn thẻ vàng thêm 6 tháng nữa và đến 23/10 EC sẽ bỏ cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam.

Sáng 16/1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chỉ đạo hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 của Tổng cục Thủy sản. Khai mạc hội nghị, ông Tám nhấn mạnh, đóng góp của ngành thủy sản vào thành tích chung của toàn ngành là to lớn. Điều này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2017.

Tuy vậy, Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu các đơn vị “tạm gác thành tích ấy” mà đề ra các giải pháp thiết thực tạo đột phá cho thủy sản tăng tốc.

Thứ trưởng cho rằng, lợi thế của ngành thủy sản Việt Nam là có một ngư trường rộng lớn, ngư dân có truyền thống nuôi trồng, khai thác khá bài bản; đặc biệt hạ tầng kinh tế ngành thủy sản có từ lâu đời với một bề dày SXKD khá vững chắc, quan hệ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài khá sâu sắc. Tuy nhiên, thách thức của ngành thủy sản Việt Nam trong hội nhập quốc tế chính là thị trường và biến đổi khí hậu.

Nhấn mạnh về những vấn đề đặt ra trong năm 2018 này, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu ngành thủy sản phải đạt kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD thay cho mục tiêu kế hoạch đặt ra là 8,5 tỷ USD. “Bộ đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu toàn ngành là 36 tỷ USD nhưng Thủ tướng yêu cầu phải đạt được 40 tỷ USD vì tiềm năng, dư địa còn rất lớn, phải cố gắng chứ không thể bằng lòng với hiện tại. Chính vì thế, Bộ trưởng giao ngành thủy sản phải đạt kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD. Muốn vậy, các đơn vị phải thể hiện quyết tâm bằng hành động chứ không dừng lại ở đó”, ông Tám lưu ý.

Năm 2018, ngành thủy sản tập trung chỉ đạo phát triển nuôi trồng theo hướng mở rộng diện tích và tăng năng suất đến giới hạn cho phép, trên cơ sở đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và phù hợp với biến động của thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu...

Bộ NN-PTNT yêu cầu ngay trong tháng này, Tổng cục Thủy sản phải phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức họp đánh giá tổng kết việc khắc phục, bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung để đưa ra các chương trình hành động khác. Phải công bố công khai kết thúc nội dung này trước Tết Nguyên đán, không kéo dài vấn đề này nữa.

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản lưu ý các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và chủ tàu cá làm sao để bảo quản tốt sản phẩm sau thu hoạch, đồng thời đẩy mạnh khai thác xa bờ, hạn chế khai thác gần bờ.

Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản Nguyễn Văn Trung bày tỏ, muốn tạo chuyển biến mạnh mẽ trong SXKD ngành thủy sản trong năm nay phải bắt đầu bằng các chính sách thiết thực, cụ thể. Theo ông Trung, chính sách phải làm thế nào để giảm bớt đi các tàu đánh bắt ven bờ, khai thác cá chọn lọc. Có quy hoạch khai thác xa bờ và ven bờ. Quy hoạch xa bờ theo trung ương, gần bờ do địa phương. Cái này trong Luật Thủy sản mới ban hành đã có quy định rõ.

Năm 2018 Cục kiểm ngư sẽ phối hợp với Cảnh sát biển tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, cam kết xử lý nghiêm tàu cá vi phạm vùng đánh bắt

"Vùng ven biển phải có giải pháp đồng quản lý, từ hành động xâm hại chuyển sang khai thác tiên tiến, khoa học, có trách nhiệm với tương lai. Muốn vậy, đánh bắt xa bờ phải có dự báo ngắn và dài hạn về ngư trường. Sắp xếp lại đội tàu để có dự báo sát sao. Phân cấp quản lý mạnh mẽ tàu bè cho các địa phương", ông Trung lưu ýÔng Trung nhấn mạnh, việc giám sát phải quản lý phải bằng thông tin, lắp máy, thông tin tổng hợp trên bờ. Đưa ra chính sách thì phải quản lý giám sát được.

Liên quan vấn đề con giống, đại diện Viện Nghiên cứu thủy sản (Viện 1) cho biết khả năng phát triển tôm sú ở nước ta là rất nhiều. Viện 1 đang phấn đấu trong năm 2018 phát triển 30 ngàn cặp con giống tôm sú. Năm ngoái đã thương mại được 10 ngàn cặp, tiêu thụ trong nước mới đạt 35%, chủ yếu là xuất khẩu.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch hội nghề cá Việt Nam cho rằng việc công bố nguồn lợi thủy sản là cần thiết nhưng phải hết sức cẩn trọng nếu không sẽ lợi bất cấp hại. Trong khi đó, ông Chu Văn Chuông, đại diện Vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ NN-PTNT cho rằng, với quốc tế thì phải công bố công khai minh bạch các dữ liệu.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng lĩnh vực nuôi trồng bàn nhiều về con giống. Các dự án sản xuất tôm giống cần tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, tổng hợp các địa phương, xem vùng nào nguy cơ cao nhất để thanh tra đột xuất đơn vị cung ứng giống kém chất lượng.

Ông Luân cũng lưu ý cần làm tốt hơn nữa quan trắc cảnh báo môi trường, chuyển số liệu đến các địa phương để người dân chủ động, hạn chế thiệt hại nặng trong sản xuất.

 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.