| Hotline: 0983.970.780

Tất cả trường học Hà Nội sẽ có phòng tham vấn tâm lý

Thứ Bảy 28/10/2017 , 13:29 (GMT+7)

Sở Giáo dục Hà Nội đã yêu cầu các trường tiểu học, THCS, THPT thành lập phòng tham vấn học đường, cử giáo viên kiêm nhiệm công tác tham vấn.

Ngày 27/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội thảo xây dựng phòng tham vấn học đường. Phó giám đốc Sở Phạm Xuân Tiến cho rằng rất bức thiết có một nơi trong trường học để học sinh tìm đến chia sẻ rắc rối đang gặp phải và được hỗ trợ tâm lý. 

"Học sinh khi bắt đầu đến trường là có những quan hệ ngoài gia đình. Trẻ càng lớn, tâm sinh lý càng phát triển, các mối quan hệ xã hội càng nhiều và phức tạp. Do chưa có hiểu biết, kinh nghiệm ứng xử, học sinh rất dễ bị tổn thương, không biết xử trí thế nào là đúng sai và có thể chọn hành vi sai lệch", ông Tiến nói.

Phó giám đốc Sở dẫn chứng sự việc ở trường THCS Trường Yên (huyện Chương Mỹ), ngày 7/10 nhóm nữ sinh đã đánh hội đồng, phanh áo một bạn nữ trong lớp chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội. Những vụ việc này, nếu học sinh được tư vấn kịp thời sẽ giảm đáng kể cảm xúc tiêu cực dẫn đến hành vi sai trái và được hướng dẫn ứng xử chuẩn mực.

Bảy nữ sinh trường THCS Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội) đã bị kỷ luật từ phê bình đến đình chỉ học vì đánh hội đồng, phanh áo một bạn nữ tại lớp học. Ảnh cắt từ clip.

Giáo viên đôi khi cũng cần được sự tư vấn tâm lý, như trường hợp cô giáo tiểu học Nam Thành Công dọa đuổi học học sinh lớp 2 khiến em này sợ hãi đòi chuyển trường, phụ huynh bức xúc đưa thông tin lên mạng xã hội.

"Tôi mong muốn sau cuộc họp này về, các đại biểu triển khai với nhà trường, quan trọng nhất là làm thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý để họ hiểu được tầm quan trọng của phòng tham vấn học đường. Mô hình này rất cần thiết có trong mỗi nhà trường, đặc biệt trong xã hội hiện đại, phức tạp như ngày nay", Phó giám đốc Phạm Xuân Tiến nói.

Trước đó ngày 14/10, Sở Giáo dục đã gửi công văn đề nghị thành lập phòng tham vấn học đường tại các trường tiểu học, THCS, THPT trong địa bàn. Báo cáo tại cuộc họp hôm qua, một số Phòng Giáo dục cho biết nhiều trường đã triển khai mô hình này, như quận Ba Đình có 12 trường tiểu học, 5 THCS; huyện Mê Linh có 11/32 trường tiểu học, 8/22 trường THCS đã có phòng tham vấn riêng.
 

Lo giáo viên không đủ chuyên môn kiêm nhiệm chuyên viên tư vấn

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không có biên chế riêng cho cán bộ làm tư vấn học đường. Các trường phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm công tác này và tính thêm số tiết. Điều này khiến lãnh đạo Phòng Giáo dục ở Hà Nội lo lắng. 

Quận Hoàng Mai - điểm nóng về thiếu trường lớp, theo Phó phòng Giáo dục Phạm Đàm Thục Hạnh, còn thiếu 296 giáo viên tiểu học, THCS; hầu hết học sinh tiểu học phải học luân phiên, THCS học 2 ca vì cơ sở vật chất không đủ đáp ứng. "Các trường của chúng tôi đang vô cùng khổ. Việc có đủ phòng học, giáo viên bộ môn đã khó, để có một phòng riêng cho công tác tư vấn, có giáo viên kiêm nhiệm càng khó khăn hơn", bà Hạnh nói.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục này trăn trở, dù cố gắng bố trí giáo viên kiêm nhiệm tham vấn học đường nhưng do không có chuyên môn tâm lý giáo dục nên hiệu quả của phòng tham vấn sẽ không cao. Ở THCS giáo viên dạy Giáo dục công dân có vẻ phù hợp nhất, nhưng thực tế hầu hết thầy cô dạy môn này đều làm tay trái, quá hiếm giáo viên dạy đúng chuyên môn.

Có 100% trường tiểu học, THCS đã thành lập tổ tư vấn tâm lý, nhưng Phó phòng Giáo dục quận Thanh Xuân cho biết "khó khăn lớn nhất là chuyên môn của giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn nên hiệu quả chưa cao". 

Ở một số quận như Ba Đình, Đống Đa các trường đã thành lập phòng tham vấn tâm lý không sử dụng giáo viên kiêm nhiệm mà thuê chuyên gia bên ngoài, kinh phí từ nguồn xã hội hóa và khoản tăng học phí năm nay. Tuy nhiên, có những trường ở quận Hoàn Kiếm 1-2 năm đã thuê chuyên gia, nhưng hiện phải dừng vì không thống nhất được kinh phí, chế độ tuyển dụng. 

Trước băn khoăn của các Phòng Giáo dục, Trưởng phòng Tư tưởng chính trị (Sở Giáo dục và Đào tạo) Phạm Ngọc Tuấn cho biết, đang xây dựng kế hoạch để năm 2018 sẽ có 700 giáo viên được tập huấn về tham vấn tâm lý.

Quản lý vùng dự án Hà Nội, thuộc Tổ chức quốc tế Plan tại Việt Nam, bà Lê Quỳnh Lan chia sẻ thực tế ở một trường có phòng tham vấn học đường, ngày có chuyên gia đến làm việc số học sinh tìm tới rất đông và chia sẻ nhiều vấn đề hơn ngày giáo viên phụ trách. Tuy nhiên, điểm lợi khi giáo viên làm tư vấn tâm lý là hiểu rõ tình hình, bối cảnh của trường để đưa ra lời khuyên hiệu quả, thực tiễn.

(VnExpress)

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.