| Hotline: 0983.970.780

Tắt ngấm một lớp nghề

Thứ Ba 17/08/2010 , 09:48 (GMT+7)

Lớp nghề học tập về máy GĐLH ở Kiên Giang mở được 1 khóa duy nhất với số học viên ít ỏi rồi sau đó… tắt ngấm.

Nhằm giúp nông dân vận hành, bảo trì máy gặt đập liên hợp (GĐLH) một cách an toàn và hiệu quả, Trung tâm KNKN Kiên Giang phối hợp với Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ và Cty TNHH Vĩnh Hưng (đơn vị cung cấp máy GĐLH) mở lớp đào tạo nghề cho nông dân. Tuy nhiên, lớp nghề mở được 1 khóa duy nhất với số học viên ít ỏi rồi sau đó… tắt ngấm.

Tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL tăng mạnh trong những năm gần đây, nhất là trong khâu thu hoạch lúa. Theo thống kế, toàn vùng hiện có trên 3.000 máy GĐLH, đó là chưa kể hàng ngàn máy xếp dãy. Song song với sự phát triển số lượng thì nhu cầu nhân lực có tay nghề về bảo trì và vận hành máy cũng ngày một tăng cao. Nắm bắt được nhu cầu này, năm 2008 lớp học đầu tiên về vận hành, bảo trì (sửa chữa hư hỏng thông thường) máy GĐLH ở ĐBSCL đã được Trung tâm KNKN Kiên Giang phối hợp với các đơn vị khai giảng. Tuy nhiên, lớp học này chỉ thu hút được vỏn vẹn 12 nông dân tham gia và cũng chỉ mở được duy nhất 1 khóa. Vì sao vậy?

Ông Phù Khí Nguyên, PGĐ Trung tâm KNKN Kiên Giang cho biết, khảo sát cho thấy nhu cầu đào tạo nghề trong lĩnh vực máy nông nghiệp, đặc biệt là máy GĐLH (loại máy được coi là phức tạp nhất hiện nay) rất lớn. Khi TT mở lớp, nhiều tỉnh thành trong khu vực cũng có ý định liên kết đào tạo hoặc học hỏi cách làm để về thực hiện. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế lại gặp rất nhiều cái vướng, số người thực tế đến đăng ký học rất thấp, mặc dù đã được hỗ trợ đến 50% chi phí. Ngoài lý do học phí thì ý thức học nghề và điều kiện xã hội (có chứng chỉ nghề cũng không được trả công cao hơn) là lý do khiến nông dân không mặn theo học.

Tuy nhiên, hầu hết những người chủ máy mà chúng tôi hỏi đều thích mướn những người được đào tạo nghề một cách bài bản hơn là mướn những tay ngang. Bằng chứng rõ nhất là những người cho Trung tâm KNKN Kiên Giang mượn máy để học viên thực hành trên đồng ruộng đã hợp đồng với chính những người này lái máy cho mình. Ông Trần Văn Báu, một chủ máy ở xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp, Kiên Giang) cho biết, mướn được người có tay nghề không những mình yên tâm giao máy mà khi vận hành máy móc ít bị hỏng hóc, hiệu quả làm việc cao hơn. Hư hỏng nhẹ nhẹ là họ sửa được ngay, thay vì phải nằm đồng chờ thợ, rất mất thời gian. Trong lúc ngày mùa, nằm đồng ngày nào là thiệt thòi ngày đấy. Sắm được chiếc máy GĐLH là tài sản lớn của nông dân, vì không kiếm ra người có tay nghề mới phải mướn thợ tay ngang chứ thực lòng chẳng ai muốn.

Không nắm được nguyên lý vận hành không chỉ làm hư hại về máy móc mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động. Thực tế cho thấy không năm nào ở ĐBSCL không có người bị tai nạn do máy cuốn, cắt đứt chân, tay thậm chí chết người. Nếu nông dân được đào tạo nghề một cách bài bản thì chắc chắn sẽ hạn chế được những vụ việc đáng tiếc.
Ông Quách Ba, GĐ Cty TNHH Vĩnh Hưng (đơn vị chuyên cung cấp máy GĐLH, đã liên kết hỗ trợ phần thực hành tại xưởng) cho biết, có nhiều lý do khiến nông dân chưa mặn mà theo lớp. Thứ nhất là lớp học kéo dài vừa học lý thuyết, thực hành (sữa chữa, bảo trì) chạy thực tế trên đồng ruộng. Trong khi nông dân không quen học theo trường lớp, ngồi nghe giảng một lúc là họn chán ngay. Thứ hai là việc quản lý máy nông nghiệp hiện nay còn rất lỏng lẻo. Ai lên lái cũng được, miễn là có chút kinh nghiệm, chẳng cơ quan nào quản lý hay nhắc nhở xử phạt. Có thể do máy GĐLH chạy ngoài đồng, tốc độ di chuyển không cao nên ít cơ quan nào chú ý tới.

“Mua chiếc xe máy vài triệu đồng là công an bắt phải đăng ký, giấy phép nọ giấy phép kia, trong khi máy GĐLH vài trăm triệu chẳng cần đăng ký gì. Mua về rồi tự chạy, tự học cách điều khiển cũng xong, vậy thì nông dân cần gì phải đi học làm chi cho mệt” – ông Ba so sánh. Theo ông Ba, hiện nay mỗi khi bán máy cho nông dân, Cty phải cử người xuống tận nơi hướng dẫn, kèm chạy trên đồng ruộng để họ có thể sử dụng được. Mỗi khi hư hỏng dù nặng hay nhẹ Cty ông lại phải cho người xuống sửa chữa, rất mất thời gian. Thậm chí có không ít trường hợp mới lấy máy về mấy ngày, do không biết điều khiển nên xúc vào cây, cày lưỡi cắt xuống đất gây hư hỏng nặng. Lúc này họ mới thấy được giá trị của việc đi học nghề.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất