| Hotline: 0983.970.780

Tàu composite- lựa chọn đáng giá!

Thứ Hai 11/08/2014 , 08:05 (GMT+7)

Tàu composite có ưu điểm nổi bật là tiết kiệm nhiên liệu đến 30% so với tàu gỗ, thiết kế rất phù hợp để khai thác, bảo quản, nâng cao giá trị cá ngừ. 

Tàu khai thác cá ngừ ở các tỉnh Nam Trung bộ chủ yếu bằng gỗ, công nghệ SX lạc hậu nên chất lượng cá rất kém. Mới đây chiếc tàu composite chuyên đánh bắt cá ngừ được hạ thủy tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã mở ra hướng mới, thêm sự lựa chọn cho ngư dân.

14-31-33_tu-ynmr-bng-composite-them-su-lu-chon-cho-ngu-dn

Tàu composite chuyên khai thác cá ngừ do Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (Trường ĐH Nha Trang) và Cty Yanmar (Nhật Bản) phối hợp thiết kế, chế tạo. Chiếc tàu này có ký hiệu Yanmar 01, chiều dài 18 m, rộng 4,5 m và cao 2,8 m, công suất 350 CV.

Kích thước của con tàu này rất phù hợp khai thác cá ngừ nhằm góp phần hỗ trợ ngư dân trong việc khai thác, bảo quản, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho ngư dân để phát triển ngành khai thác cá ngừ Việt Nam bền vững.

Ông Phan Tuấn Long, PGĐ Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy cho biết, từ những năm 1990, Viện đã chế tạo vỏ tàu bằng vật liệu composite. Trước kia để đóng mới một chiếc tàu composite thì nguồn tiền đầu tư cao gấp đôi so với đóng tàu gỗ, ngoài ra kỹ thuật lúc đó vẫn chưa cải tiến nhiều. Độ bền va đập kém, trọng lượng thân tàu thấp nên dù tàu có độ bền đến 30 năm ngư dân cũng không đóng tàu bằng vật liệu này.

Tàu Yanmar 01 vừa hạ thủy có những đặc điểm nổi bật như: Tàu được chế tạo hoàn toàn bằng composite, có 9 hầm bảo quản lạnh với kết cấu cách nhiệt và kín nước, tổng dung tích các khoang 20 m3; dung tích nhiên liệu 6.000 lít đảm bảo cho tàu hoạt động liên tục trong 20 ngày; ngoài ra một số tính năng khác như két chứa nước ngọt dung tích 3.000 lít, hệ thống lái thủy lực, thiết bị chiếu sáng với công nghệ đèn LED…

Yanmar 01 là chiếc tàu cá đầu tiên trong dự án đóng mới 180 tàu cá composite của Cty Yanmar tại các tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên và Bình Định theo mô hình của Cty CP Đánh cá Nhật Bản có sự góp vốn của ngư dân. Bên cạnh đó Cty Yanmar đã có kế hoạch đào tạo ngư dân cách thức khai thác, bảo quản cá ngừ theo tiêu chuẩn, chất lượng của Nhật.

Với ngư dân, điều quan trọng nhất là tàu phải khai thác hiệu quả mỗi chuyến biển và chiếc tàu composite đã đáp ứng được tiêu chí này.

Ông Long cho biết thêm: "Hiện nay giá thành đóng mới môt chiếc tàu composite đã giảm nhiều so với trước kia, các hạn chế về kỹ thuật đã được khắc phục. Đặc biệt tàu composite có ưu điểm nổi bật nhất so với tàu gỗ là tiết kiệm được nhiên liệu đến 30% so với tàu gỗ.

Ngoài ra tàu có độ bền cao, các năm đầu không phải bảo dưỡng; trong khi đó tàu gỗ hay tàu thép hàng năm đều phải sửa chữa. Chi phí bảo trì chỉ bằng 1/10 so với tàu gỗ, lại dễ chế tạo, khi hư hỏng dễ sửa chữa".

Sắp tới Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thuỷ và Cty Yanmar tiếp tục hợp tác đóng mới thêm 20 chiếc tàu composite như Yanmar 01, theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm, sau khi hoàn thành sẽ chuyển giao cho ngư dân.

Tại cuộc họp về giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cá ngừ do Bộ NN-PTNT tổ chức vào đầu tháng 7/2014 tại TP Nha Trang, ông Ykio KikjChi, đại diện Cty Yanmar Việt Nam cho biết: "Hiện trên thế giới có rất nhiều nước sử dụng tàu composite khai thác cá ngừ, riêng Nhật Bản có đến 95% tàu khai thác cá ngừ được làm từ composite. Tàu cá composite mà Cty Yanmar đóng tại Việt Nam dựa trên thực tế khai thác cá ngừ tại Nhật Bản và chúng tôi sẽ cung cấp cả gói gồm tàu khai thác (ngư dân được mua 100% giá trị tàu), đào tạo kỹ thuật khai thác cá ngừ cho ngư dân VN nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Anh Đinh Văn Quý, chủ tàu Anh Kiệt ký hiệu KH-99344TS ở Khánh Hòa nói: "Tàu composite của tôi do Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy cung cấp, đã được hạ thủy vào cuối năm 2013, với chi phí khoảng 1,7 tỷ đồng. Sau nửa năm sử dụng tôi thấy ưu điểm là tiết kiệm nhiều chi phí, không phải bảo dưỡng định kỳ như tàu gỗ. Tôi tiếp tục đặt Viện đóng mới 1 chiếc tàu composite nữa để đánh cá".

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.