| Hotline: 0983.970.780

"Tàu không số" ăn Tết tại Vũng Rô

Chủ Nhật 29/01/2012 , 08:40 (GMT+7)

Hồi vào Phú Yên công tác, biết anh Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu 41, con tàu đã ba lần đưa vũ khí vào Vũng Rô thành công, hiện sống ở Tuy Hòa, tôi đã tìm đến đó.

Tàu không số vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam. Ảnh do máy bay trinh sát Mỹ chụp

Hồi vào Phú Yên công tác, biết anh Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu 41, con tàu đã ba lần đưa vũ khí vào Vũng Rô thành công, hiện sống ở Tuy Hòa, tôi đã tìm đến đó.

Anh Thạnh ở trong ngôi nhà không mấy lớn, nhưng tạo được cảm giác thoáng. Có sân, có vườn. Anh Thạnh cao, lớn. Đã trên bẩy mươi, nom vẫn sung sức, tráng kiện. Những gian nan vất vả của thời tuổi trẻ dường như không ảnh hưởng đến sức khoẻ khi đã bước vào ngưỡng thất thập.

Anh rất vui, thậm chí xúc động khi biết mục đích của tôi. Những chuyện của một thời, hình như đã được sắp đặt, suy ngẫm, nên khi tôi gợi ý, anh bắt vào ngay. Kể say sưa. Lưu loát. Sôi nổi. Chuyện mấy chục năm, anh vẫn nhớ từng chi tiết.

Sau khi kể tôi nghe những chuyến anh và đồng đội đưa tàu chở vũ khí vào miền Nam những năm chiến tranh, anh nói:

- Trong rất nhiều những chuyến đi ấy, có một chuyến rất đáng nhớ, ấy là chuyến thứ ba vào Vũng Rô đầu năm 1965... Sau chuyến thứ hai chở vũ khí vào Vũng Rô thắng lợi, Tư lệnh quân chủng gọi tôi lên và giao nhiệm vụ: tiếp tục đưa vũ khí vào Vũng Rô lần thứ ba. Ông nói: “Để tạo yếu tố bất ngờ, tầu 41 phải vào bến đúng đêm giao thừa”. Vậy là được đón Tết tại Phú Yên thật rồi! Nhận xong mệnh lệnh, lòng tôi nôn nao, khấp khởi. Đưa vũ khí về quê đã là điều may mắn, nay lại được đón Tết tại nơi mình sinh thành, nơi đã bao năm xa cách, còn gì sung sướng hơn!...

Những ngày đó bọn tôi bận túi bụi. Lo dầu, lo nước. Lo thực phẩm và nhận vũ khí... Bận, vẫn không quên sắm Tết. Đây là sáng kiến của thuỷ thủ trưởng Trần Nhợ. Ông già này thiệt tình cảm. Biết tin tàu vào Vũng Rô đêm giao thừa, anh nói: Tôi đã đi nhiều chuyến, đưa vũ khí vào nhiều bến, nhưng vào chiến trường dịp Tết thì chưa lần nào. Đây là một sự kiện đáng nhớ của tàu ta. Bởi vậy tôi đề nghị cũng nên chuẩn bị cái gì đó tươm tươm, đặng vào đấy ta vui cùng anh em ở bến. Ý kiến của anh được mọi người vui vẻ đồng tình, ủng hộ...Vậy là, chúng tôi phân công nhau, người gói bánh chưng, người gói bánh tét, người lo rượu, thuốc, trà... rộn rịch như thể không phải sắp đi vào vùng địch kiểm soát với bao nguy hiểm...

Rồi anh kể rằng chuyến đi đó của tàu 41 không mấy thuận, gió mùa đông bắc tràn về, sóng to, không những thế, trên đường đi lại thường xuyên gặp địch, phải vòng tránh, nên gần đến giờ cập bến mà tàu vẫn còn cách núi Đá Bia 60 hải lý. Thạnh rất lo. Với tốc độ này, có thể vào bến trễ giờ quy định. Anh mời máy trưởng Phan Nhạn lên hội ý. Phan Nhạn là thợ máy giỏi, nhiều kinh nghiệm. Anh gắn bó cùng thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh trong nhiều chuyến đi. Vui có, gian khổ có... Thạnh coi Nhạn không chỉ là máy trưởng, mà hơn thế, đó là một người bạn. Những lúc khó khăn anh thường trao đổi để cùng giải quyết...

- Thế nào, anh muốn tàu đi nhanh nữa? - Vừa bước vào buồng lái, hiểu được tâm trạng thuyền trưởng, Phan Nhạn hỏi.

- Có thể sử dụng tốc độ dự bị được không? - Thạnh hỏi - Tôi muốn vào Vũng Rô trước lúc giao thừa.

- Được! Máy rùng đó, nhưng tôi có cách xử lý...

… 23 giờ, tàu 41 vào được Vũng Rô. Thạnh cho thả trôi. Trời tối đen. Hết thảy thuỷ thủ đều lên boong, thấp thỏm ngóng vào bờ. Thạnh đi tới, đi lui, chốc lại đưa tay nhìn đồng hồ. Có lúc, anh ngước nhìn lên Đèo Cả. Nơi đó loang loáng ánh đèn pha ô tô.

- Sắp giao thừa rồi!- Có ai đó nói bâng quơ...

- Thuyền trưởng, có thuyền ra!

Thạnh quay nhìn xuống. Từ hõm núi trước mặt, một chiếc thuyền con đang hướng tới. Một lúc thuyền cập mạn tàu.

Anh Sáu Suyền, Bí thư Tỉnh ủy, bến trưởng cùng anh Chín Cao và năm cán bộ nữa của bến leo lên. Thạnh giang rộng hay tay ôm lấy Sáu Suyền.

- Anh Sáu!- Thạnh nghẹn ngào. Rồi lần lượt ôm từng người...

Người của bến và thuỷ thủ lần lần bắt tay nhau. Vui quá! Mừng quá! Mọi người hỏi han sức khoẻ, chúc năm mới. Tíu tít...

- Các anh vô thiệt đúng lúc. Sắp sang năm mới rồi...

Chợt phía Đèo Cả, nhiều pháo hiệu vọt lên. Thạnh lo lắng đánh mắt nhìn. Sáu Suyền giải thích:

- Giao thừa... Bọn địch trên đó bắn pháo hiệu đón Tết... Vậy là đã bước sang năm mới, chúc anh em thuỷ thủ sức khoẻ, chúc mấy anh chở được nhiều vũ khí cho miền Nam đánh giặc, Bắc Nam sớm sum họp...

Thạnh nói:

- Thay mặt thuỷ thủ trên tàu, xin chúc sức khoẻ anh Sáu, xin chúc sức khoẻ các anh. Chúc nhân dân Phú Yên đánh giặc thắng lợi... Hơn mười năm rồi mới lại được ăn Tết trên quê hương, thưa các anh, xúc động lắm - Giọng Thạnh nghẹn ngào.

Mọi người lại bắt tay nhau:

- Chúc mừng năm mới!

- Chúc mừng một năm có nhiều thắng lợi.

- Chúc năm sau tàu 41 chở được nhiều vũ khí hơn năm nay...

- Báo cáo thuyền trưởng, Bác Hồ chúc Tết! - Từ trong buồng báo vụ, chiến sỹ thông tin bước ra, thông báo.

Mọi người cùng nhào tới phía buồng lái. Yên lặng. Từ chiếc đài bán dẫn, phát ra giọng nói của Bác Hồ:

Đồng bào và chiến sỹ yêu quý!- Có tiếng khóc.

Chào mừng Ất Tỵ xuân nǎm mới, Nhà nước ta vừa tuổi hai mươi, miền Bắc xây dựng đời sống mới vui tươi, miền Nam kháng chiến ngày càng tiến tới, đồng bào hai miền thi đua sôi nổi, đấu tranh anh dũng, cả nước một lòng, Chủ nghĩa xã hội ngày càng thắng lợi! Hoà bình thống nhất ắt hẳn thành công!

 

- Bác!... Tiếng Bác Hồ...- Sáu Suyền nghẹn ngào và gương mặt gầy xọp của anh, giàn dụa nước mắt. Có ai đó sụt sịt.

- Thưa Bác, nhân dân Phú Yên xin hứa sẽ đánh giặc giỏi để Bác vui lòng, để Nam Bắc sớm được sum họp, thoả lòng mong đợi của Bác- Sáu Suyền xúc động nói - Chúng con quyết không phụ tấm lòng của Bác, của nhân dân miền Bắc... Có vũ khí rồi, chúng ta nhất định sẽ lập nhiều chiến công hơn nữa.

Tiếng pháo trong chiếc đài bán dẫn nổ dồn dập. Đêm đó, giống như hai lần trước, tàu ém vào vách đá Bãi Chùa. Và ngụy trang kỹ.

Sáng mồng một, thuỷ thủ và đại diện của bến cùng đón Tết. Con tàu đã được nguỵ trang, nép bên vách núi. Ngồi trên boong tàu, có cảm giác như ngồi trong một lùm cây kín... Cười vui, thăm mom, nói chuyện rôm rả. Cuộc tiếp xúc có bánh chưng, bánh tét, có kẹo, có thuốc lá... Tất cả những thứ bầy ra bàn đều không có “mác”. Mọi người ngồi quây quần bên cành mai vàng... Khuôn mặt ai cũng hồ hởi... Các thuỷ thủ trong vai chủ nhà, chạy qua rót nước chỗ này, lại tiếp thuốc chỗ kia. Bận rộn, tíu tít.

- Thưa anh Sáu và các anh các chị ở bến Vũng Rô - Hồ Đắc Thạnh nói - Tôi là người con của Phú Yên. Thời gian qua vinh dự được chở vũ khí về cho quê hương đánh giặc, vui sướng vô cùng. Hôm nay lại được ăn Tết tại quê nhà, không có hạnh phúc nào lớn hơn. Thay mặt anh em thuỷ thủ, chúc các đồng chí lãnh đạo bến và bà con ta một năm mới nhiều thắng lợi... Biết vô Vũng Rô đúng vào dịp Tết, thuỷ thủ tàu có món quà nho nhỏ tặng bến, đó là hai chiếc đàn ghi ta...

Mọi người vỗ tay. Trần Suyền nói với một cô gái:

- Cháu thay mặt đoàn thanh niên, lên nhận và chúc Tết các anh thuỷ thủ đi!

Cô gái bẽn lẽn đứng dậy, đón hai chiếc đàn từ tay Thạnh. Rồi cô nói:

- Bác Hồ và Đảng lo cho chúng tôi còn hơn ba má lo cho con. Đồng bào miền Bắc còn gian khổ nhưng đã chắt chiu gom góp lo cho miền Nam, từng khẩu súng, từng viên đạn để đánh giặc. Các anh thuỷ thủ không ngại hy sinh gian khổ, đưa súng đạn vô đây, nhân dân Phú Yên, bà con Tuy Hoà cảm động lắm... - Cô gái nghẹn ngào.

- So với đồng bào chiến sỹ miền Nam, so với nhân dân Phú yên, sự hy sinh gian khổ của chúng tôi đã thấm vào đâu...- Chính trị viên Trần Hoàng Chiếu đỡ lời.

Trần Suyền ghé tai cô gái :

- Cháu chưa chúc Tết thuỷ thủ đó nghe... Nào, mạnh bạo lên...

Cô gái đứng dậy, gạt nước mắt:

- Xin thay mặt các đoàn viên thanh niên đang làm nhiệm vụ ở Vũng Rô, chúng tôi xin chúc các anh thuỷ thủ dồi dào sức khoẻ, mong các anh chở nhiều vũ khí cho Vũng Rô hơn nữa... Và khi các anh trở ra Bắc, cho chúng tôi gởi lời kính chúc Bác Hồ, kính mong Bác sống lâu muôn tuổi. Kính chúc sức khoẻ Trung ương Đảng và lãnh đạo Hải quân.

Tiếng vỗ tay ran ran. Mọi người cười, nói vui vẻ. Chiếu tiếp lời:

- Mỗi lần trở về miền Bắc, chúng tôi đều báo cáo với đơn vị và kể với đồng đội những tấm gương chiến đấu dũng cảm của nhân dân Phú Yên; và sự chịu đựng gian khổ, thiếu thốn cùng những mất mát của nhân dân Tuy Hoà. Ai cũng khâm phục và đều cố gắng làm hết sức mình để đền đáp những mất mát, hy sinh đó...

Trần Suyền nói:

- Kể tới hy sinh mất mát của nhân dân Phú Yên thật vô bờ. Xin kể với anh em thuỷ thủ câu chuyện này: Cách đây bẩy ngày, máy bay địch ném bom, rồi đổ quân càn vào Phú Lạc, giết một lúc chín mươi sáu đồng bào. Rất nhiều người bị thương... - Trần Suyền chỉ vào một cháu bé mới mười tuổi, đội khăn tang, ngồi bên cạnh. Trong trận càn năm ngoái, ba cháu nhỏ này hy sinh. Ngày ngày cháu phải đi lưới, đi câu nuôi mẹ và hai em nhỏ. Trận càn vừa rồi, địch đặt mìn giật hầm giết chết mẹ cháu... Vậy mà cháu vẫn đòi với xã, xin được đi Vũng Rô vận chuyển vũ khí...Hưng, cháu nói với mấy chú Hải quân vài lời đi.

Mọi người quay về phía cháu bé. Cháu rơm rớm nước mắt:

- Cháu chỉ có một nguyện vọng là các chú các bác tiêu diệt thật nhiều giặc, để trả thù cho cha mẹ cháu. Và cho cháu được đi vận chuyển vũ khí...

Mọi người im lặng. Mười Bang nói:

- Báo cáo các anh, ở Phú Lạc nhà nào cũng có khăn tang, nhưng mọi người đều gạt nước mắt, bỏ Tết để xin đi công tác... Do vậy so với hai chuyến trước, lần này số người vận chuyển còn đông hơn.

- Không mấy khi được cùng nhau đón Tết trong điều kiện đặc biệt thế này, xin anh Sáu và bà con nâng cốc, ăn bánh, ăn kẹo từ miền Bắc đưa vào...

Rượu được nâng lên. Không khí trở lại vui vẻ. Một người cầm điếu thuốc lá, đánh diêm, rồi nói:

- Thuốc cũng không có nhãn, kẹo cũng không có nhãn, không hình vẽ... hay thiệt.

- Vậy tàu mới có tên là “tàu không số”- Người ngồi bên cạnh nói - Để giữ bí mật mà...

Một phụ nữ đứng lên:

- Tôi đề nghị, đã là quà miền Bắc thì phải chia đều. Lúc nữa tôi xin cầm bánh kẹo và thuốc lá về cho đội của mình...

Boong tàu chật tiếng cười. Thạnh nói:

- Thưa các anh các chị, của ít lòng nhiều. Tuy không là bao, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ, lúc nữa mời các anh các chị chuyển cho những người không có mặt.

Tiếng vỗ tay lại nổi lên.

Các cựu binh đoàn tàu không số hội ngộ ở bến K15 - cột mốc số 0 Đồ Sơn, Hải Phòng

Rồi đêm ấy, đêm mồng một Tết năm Ất Tỵ, chúng tôi và anh em ở bến tổ chức dỡ hàng - anh Thạnh kể tiếp - Chiếc cầu tàu làm bằng cây rừng không chịu nổi lượng người qua lại, nên dân công du kích phải dầm mình dưới nước để chuyển hàng. Từ đèo Cả, chốc chốc có ánh pháo hiệu vọt lên. Nơi đó vẫn rì rầm vọng tới tiếng ô tô vượt dốc...

Trở về quê lần thứ ba này, có một chuyện mà cho tới tận bây giờ, mấy chục năm rồi, tôi vẫn không thể quên. Khi tàu chuẩn bị rời bến, một phụ nữ đi tìm tôi. Gặp ai cũng hỏi: “Có thấy thuyền trưởng Thạnh đâu không?”. Khi tôi xuống cầu tàu, chị xấn vô, đưa ra một bọc nhỏ gói trong chiếc khăn: “Bà con Phú Yên xin gửi theo tàu nắm đất Vũng Rô, nắm đất Tuy Hòa, một vùng đất giặc chà đi xát lại nhiều lần, nhưng vẫn kiên cường hướng theo cách mạng; nơi từng ăn trái sung thay cơm để đánh giặc, vẫn một lòng hướng theo Bác Hồ, theo Đảng... Tấm lòng và lời hứa của Phú Yên gói gọn trong này...”.

Tôi run run đỡ nắm đất quê hương, xúc động đưa lên môi: “Thưa cô bác, chúng con xin nhận nắm đất này, và coi đây là lời dặn dò thiêng liêng của đất mẹ Phú Yên... Chúng con nguyện xứng đáng...”. Tôi không nói hết được ý mình, bởi lúc ấy, giọng tắc nghẽn và nước mắt đã chảy giàn trên má...

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm