Một tàu ngầm lớp Borei của Nga. Ảnh: Livejournal. |
Cục Thiết kế Afrikantov thuộc Tập đoàn nguyên tử quốc gia Rosatom của Nga tuyên bố đã thử nghiệm thành công "lò phản ứng hạt nhân vĩnh cửu" có khả năng cung cấp năng lượng cho các tàu ngầm thế hệ mới trong suốt thời gian phục vụ, RT ngày 7/8 đưa tin.
Báo cáo thường niên của Afrikantov cho hay đơn vị này đã nâng cấp thiết kế mới của "vùng hoạt", trái tim của các lò phản ứng hạt nhân, giúp nó hoạt động lâu hơn mà không cần tiếp thêm nhiên liệu, đồng thời tạo ra năng lượng lớn gấp nhiều lần các thiết kế cũ.
Các lò phản ứng hạt nhân lắp trên tàu ngầm Nga hiện nay phải được tiếp thêm nhiên liệu sau chu kỳ vài năm, theo một quá trình gồm nhiều công đoạn và rất tốn kém.
"Quá trình tiếp nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm kéo dài một tháng và được coi là hoạt động quan trọng số một. Trong thời gian này, tàu sẽ gần như mất hoàn toàn năng lực chiến đấu", Đô đốc hải quân Nga Đô đốc Vladimir Popov cho biết.
Theo Popov, nhờ phát minh này, năng lực sẵn sàng chiến đấu của hải quân Nga sẽ gia tăng đáng kể. Lò phản ứng mới sẽ được trang bị trên tàu ngầm thế hệ thứ tư lớp Borei và Yasen.
Tuyên bố của Rosatom được đưa ra trong bối cảnh Moskva gần đây liên tục công bố những thành tựu trong phát triển vũ khí hạt nhân, trong đó nổi bật nhất là tên lửa hành trình trang bị động cơ hạt nhân có "tầm bắn gần như không giới hạn", có khả năng cơ động mạnh để vòng tránh các hệ thống phòng thủ của Mỹ và tấn công từ hướng bất ngờ nhất.
Tên lửa hành trình này được Nga định danh là Burevestnik, có nét tương đồng với với tên lửa X-101 của Nga hay Tomahawk của Mỹ, nhưng mang đặc điểm khác biệt lớn với động cơ hạt nhân, giúp cải thiện đáng kể phạm vi tiêu diệt mục tiêu.