| Hotline: 0983.970.780

Tàu Trung Quốc hết sức hung hãn!

Thứ Hai 02/06/2014 , 10:09 (GMT+7)

Thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90152 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm Đặng Văn Nhân khẳng định: "Vẫn biết, thời điểm này ra vùng biển đó, tàu Trung Quốc áp đảo về số lượng và rất hung hãn, nhưng ai nấy đều tỏ rõ quyết tâm giữ ngư trường này bằng mọi giá”.

Sau khi được tàu kéo VT 57 đưa về đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), 10 ngư dân trên tàu cá ĐNa 90152 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm chiều 26/5 tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã về đến Đà Nẵng đêm 29/5.

Mấy hôm nay, hầu như ngày nào họ cũng bận rộn tiếp các đoàn đến thăm hỏi, động viên. Đáp lại tình cảm nồng ấm từ đất liền, thuyền trưởng Đặng Văn Nhân cho biết: “Ít ngày nữa, anh em chúng tôi lại ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản. Là ngư dân không thể không bám biển.

Tàu ĐNa 90152 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm, mọi người sẽ ra khơi trên tàu khác. Vẫn biết, thời điểm này ra vùng biển đó, tàu Trung Quốc áp đảo về số lượng và rất hung hãn, nhưng ai nấy đều tỏ rõ quyết tâm giữ ngư trường này bằng mọi giá”.

Khi được hỏi về tình huống bị tàu Trung Quốc đâm chìm, người thuyền trưởng dạn dày sóng gió, ở tuổi 42 này cho biết: “Chiều 26/5, khi biên đội 9 chiếc của chúng tôi đang hoạt động bình thường trên biển, tại toạ độ 15,17 độ vĩ bắc, 111,025 độ kinh đông, cách nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan  trái phép chừng 17 hải lý về phía tây nam, khá nhiều tàu Trung Quốc lao tới và cứ thế nhằm vào tàu cá của ngư dân ta đâm húc.

Khi thấy tàu ĐNa 90898 TS gần đó, bị chiếc tàu sắt khá to tấn công, tôi nhận định thế nào chúng cũng đâm vào tàu mình, nên bảo anh em chuẩn bị tư thế đối phó. Vừa điều khiển tàu vòng ra phía sau tàu ĐNa 90508TS, thì tàu họ cắt ngang lao tới với tốc độ rất nhanh.

Lúc đó, tôi đánh lái để tránh, nhưng không kịp. Cú đâm như trời giáng vào phía sau làm tàu chúng tôi chòng chành, gần như quay ngang. Cứ tưởng sau cú đâm đó chúng bỏ đi. Ai ngờ, chúng lùi lại lấy đà, rồi tăng tốc đâm thẳng vào mạn phải.

Cú đâm thứ 2 này làm tàu lật úp, tất cả ngư dân bị hất té xuống biển. Phải hơn 10 phút chống chọi với sóng biển, tàu ĐNa 90508 TS mới trờ tới, thả thúng, ném phao kéo chúng tôi lên. Bị lật úp, song tàu cá ĐNa 90152 TS không chìm hẳn.

Đêm đó, tàu Kiểm ngư KN 771 đến kéo. Sáng hôm sau, khoảng 8 giờ tàu kéo VT đến thay thế tàu kiểm ngư và đón anh em chúng tôi qua, chăm sóc sức khỏe rồi đưa về đất liền”, anh Nhân kể về tình huống bị tàu TQ đâm chìm.

Lớn tuổi nhất trên tàu ĐNa 90152 TS, anh Nguyễn Văn Hòa (SN 1960), ở tổ 72, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, không giấu nổi sự phẫn nộ khi mọi người hỏi về sự cố tàu bị đâm chìm. “Những người trên tàu 11202 của Trung Quốc hung hãn và tàn ác hết chỗ nói. Đã hơn 30 năm bám biển, chưa khi nào tôi phải chứng kiến tình huống gay cấn như thế.

Mục đích của họ là đâm chìm tàu chúng tôi. Quá tàn bạo. Họ thừa biết chúng tôi chỉ là ngư dân đi làm ăn bình thường trên biển, thế mà giữa thanh thiên bạch nhật, ngang nhiên cho tàu đâm húc 2-3 lần, chìm mới bỏ đi. Rất may, tàu bạn gần đó cứu kịp thời, nếu không anh em chúng tôi đã nằm lại giữa biển”.

Hỏi anh Hòa, có ra khơi nữa không. Có chứ. Anh quả quyết. Chuyến vừa rồi, nếu không bị tàu Trung Quốc đâm chìm có khi nghỉ vài chuyến mới đi lại. Nay tình thế như vầy, không thể ở nhà lâu hơn, ít hôm nữa xuống tàu khác ra lại Hoàng Sa.

Trở về sau sự cố bị tàu Trung Quốc đâm chìm, ngư dân trên tàu ĐNa 90152 TS đều nôn nóng xuống tàu ra biển. Không còn cơ hội sát cánh bên nhau, họ phải chấp nhận chia lẻ đi trên nhiều tàu khác. Anh Trần Ngọc Lưỡng, quê ở phường Bình Phước, TP Nha Trang  (Khánh Hòa), đưa cả vợ con ra Đà Nẵng sinh sống cho biết: "Vài năm trở lại đây, thu nhập không bằng dạo trước, do liên tục bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu, gây khó dễ. Từ đầu năm đến nay đi 4 chuyến, chỉ hơn chục triệu đồng chứ mấy.

Thu nhập thấp, nhưng không ai có ý định chia tay với nghề. Chắc chỉ dăm ba hôm nữa em sẽ lại ra Hoàng Sa trên tàu của người quen. Chỉ cần vắng bóng tàu cá ngư dân mình ở ngư trường truyền thống đó, tàu Trung Quốc sẽ tràn sang và mặc sức càn quét tài nguyên hải sản theo kiểu hủy diệt!".

Sinh năm 1995, là thuyền viên nhỏ tuổi nhất trên tàu cá ĐNa 90152 TS, Nguyễn Văn Bình, ngụ phường Xuân Hà, Thanh Khê (Đà Nẵng) tâm sự: "Lúc bị tàu Trung Quốc đâm, em đang nấu cơm ở phía sau. Bỗng dưng thấy tàu rung lắc, chao đảo, chạy ra, thấy tàu Trung Quốc to đùng, đang lùi lại lấy đà để đâm tiếp. Chưa kịp định thần, cú đâm thứ 2 này làm tàu lật úp. Do đứng ở giữa nên khi tàu lật úp em bị “nhốt” vào phía dưới, phải vật lộn hồi lâu mới thoát ra được".

Hoàn cảnh khá ngặt nghèo, vợ mất cách đây mấy năm, một mình nuôi đứa con trai 7 tuổi, mỗi khi ra biển anh Trần Đình Phương, ngụ tổ 26, phường Xuân Hà, phải gửi con về ngoại. Chuyến biển này tưởng có thu nhập để trang trải cuộc sống, không ngờ tàu Trung Quốc cướp luôn cả con tàu trị giá 4,5 tỷ đồng (gồm cả ngư lưới cụ), làm ngư dân như anh trở về chỉ 2 còn bàn tay trắng.

Rất may, trong cơn hoạn nạn, anh và các ngư dân nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời từ chính quyền các cấp, cơ quan chức năng và cả cộng đồng. Ngư dân ngoài 30 tuổi này bộc bạch: Qua sự cố tàu bị đâm chìm, mới thấy hết bản chất thâm độc của Trung Quốc. Họ muốn cướp trọn biển Đông. Và cũng chính sự cố này càng thôi thúc ngư dân kiên cường bám biển hơn bao giờ hết. Có thể nói, chưa khi nào khí thế ra Hoàng Sa của ngư dân Đà Nẵng hừng hực như lúc này.

Ngày 31/5, tàu cá ĐNa 90152 TS đã được kéo về vịnh Đà Nẵng, cách bờ chừng 2 hải lý. Chiếc tàu chỉ nổi vật vờ phần mũi. “Cú đâm làm vỡ thân tàu, dẫn đến chìm ngay sau đó. Âm mưu của những người trên tàu Trung Quốc quá thâm độc, đâm chìm tàu hòng khuất phục ý chí bám biển Hoàng Sa của ngư dân Đà Nẵng. Nhưng họ đã nhầm. Chìm tàu này sẽ đóng tàu khác.

Từ nguồn hỗ trợ của chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể và cả cộng đồng, chắc chắn phải triển khai ngay việc đóng tàu mới công suất lớn hơn, để nhanh chóng ra lại Hoàng Sa. Phải giữ ngư trường đó bằng mọi giá…", ông Trần Văn Vốn, chồng bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu đánh bắt xa bờ kỳ cựu, gằn giọng khi đi trên ca nô vừa từ nơi tàu neo lại ở vịnh Đà Nẵng bước lên bờ.

Xem thêm
Khẩn trương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật Đất đai

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh khẩn trương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để sớm đưa Luật Đất đai số 31/2024/QH15 vào cuộc sống.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Đồng bào bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Trạm bơm 'giữ nhiều kỷ lục nhất' của ngành Thủy lợi vận hành chính thức

Sau 3 ngày thử nghiệm, trạm bơm dã chiến Xuân Quan đã chính thức đi vào hoạt động, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm hệ thống Bắc Hưng Hải.

Bình luận mới nhất