| Hotline: 0983.970.780

Tàu vỏ thép 67 nằm bờ sửa chữa, ngư dân khốn đốn

Thứ Năm 18/05/2017 , 13:15 (GMT+7)

Trong khi chờ các công ty đóng tàu sửa chữa hư hỏng, chủ nhân của những chiếc tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 ở Bình Định đang lâm cảnh khốn đốn vì không có thu nhập nuôi sống gia đình.

Chiếc tàu cá vỏ thép Khánh Đỏ BĐ 99086 TS của ngư dân Đinh Công Khánh ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) nằm bờ bấy lâu nay giờ mới được Cty TNHH MTV Nam Triệu bắt đầu tiến hành sửa chữa.

16-05-55_2
Tàu Khánh Đỏ BĐ 99086 TS (nằm bên trong) chưa biết ngày nào mới có thể ra khơi.

Theo ngư dân Đinh Công Khánh, tàu của anh bị hỏng hộp số, trục bô, vừa rồi nhân viên của Cty Nam Triệu tháo máy móc và các phần hư hỏng mang vào Sài Gòn sửa chữa. Ngày nào con tàu Khánh Đỏ BĐ 99086 TS có thể ra khơi chủ nhân của nó vẫn chưa biết được.

Ba tháng ròng rã tàu cá của anh Khánh nằm bờ tại cảng cá Đề Gi thuộc xã Cát Khánh, anh gần như kiệt quệ khi tiền thu vô không có mà phải chi ra muôn thứ khoản. “Tàu nằm bờ suốt 3 tháng nay, 1 đồng thu vào không có. Đến ngày 25/5 tui phải trả nợ ngân hàng quý II gần 300 triệu đồng, không biết lấy tiền đâu ra. Tàu có 20 bạn thuyền, trước đây 1 tháng trung bình mỗi bạn thuyền thu nhập được7 triệu đồng. 3 tháng nay tàu không hoạt động được, cả 20 thuyền viên đều không thể chờ, đòi bỏ tàu của tui sang đi tàu khác kiếm tiền nuôi vợ con. Mỗi ngày tui còn mất 100 ngàn đồng tiền bến bãi và thuê người trông giữ tàu”, anh Khánh bức xúc.

Trong khi đó, tàu thép Lê Gia 01 BĐ 99016TS của ngư dân Lê Văn Thãi ở thôn An Quang Tây (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) được nhân viên của Cty TNHH MTV Nam Triệu sửa chữa hơn 1 tháng nay nhưng vẫn chưa khắc phục xong sự cố.

16-05-55_1
Tàu vỏ thép hư hỏng nằm bờ tại Cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định).

“Tàu sửa hơn tháng nay vẫn chưa xong, ngư dân chúng tôi biết lấy gì sinh sống, lấy gì trả nợ ngân hàng. 10 ngày nữa là đến hạn phải trả nợ ngân hàng nhưng tôi chưa biết lấy tiền đâu ra. Ngân hàng có phạt, quy nợ xấu thì tôi cũng phải chịu chứ giờ hết cách.

Chuyện sửa chữa toàn bộ hư hỏng trên con tàu thì không còn phải bàn nữa, đây là lỗi của đơn vị đóng tàu khiến không hoạt động được, phải nằm bờ, thì phía công ty phải đền bù cho ngư dân các khoản tiền thu nhập của bạn thuyền, tiền lãi ngân hàng và tiền gốc theo quý cho chúng tôi. Nếu không chúng tôi chỉ còn biết trả lại tàu. Hiện nay, để trả tiền nợ, tiền bạn thuyền, tôi đã phải thế chấp cả sổ đỏ nhà ở rồi”, ông Thãi ngán ngẩm.

Cũng theo ông Thãi, đơn vị đóng tàu là Cty TNHH MTV Nam Triệu đã đổ lỗi cho ngư dân không biết vận hành dẫn tới hư hỏng máy là không đúng. “Ngư dân chúng tôi có thể không biết Facebook, không biết Zalo, nhưng quy trình vận hành máy thủy thì rành 6 câu, bởi ai cũng đã có mấy chục năm bám biển. Trước khi nổ máy chúng tôi đều kiểm tra dầu, nhớt, nước, điện… có đầy đủ không, sau khi đáp ứng các thông số kỹ thuật chúng tôi mới nổ máy.

Thậm chí khi vận hành chỉ mới chạy một nửa công suất cho phép của tàu mà hư vẫn hư. Thuyền trưởng thì cũng đã qua lớp đào tạo vận hành tàu vỏ thép, công ty đổ lỗi cho ngư dân là quá phi lý. Theo tinh thần của Nghị định 67 ngư dân không phải trả tiền thiết kế tàu, nhưng Cty TNHH MTV Nam Triệu đã thu của tôi số tiền 323 triệu đồng tiền chi phí thiết kế theo bản dự toán”, ông Thãi bức xúc cho biết thêm.

Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu trong tháng 6/2017, Cty TNHH MTV Nam Triệu và Cty TNHH Đại Nguyên Dương phải hoàn thành việc khắc phục các sự cố hư hỏng theo đúng như hợp đồng để ngư dân mở biển làm ăn.

+ Thượng tá Võ Quý Tuấn, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Bình Định cho biết, "đã nghe các thông tin liên quan đến tàu vỏ thép, nhưng Công an tỉnh Bình Định vẫn chưa nhận được tin báo hay văn bản chính thức đề nghị, yêu cầu điều tra các vấn đề liên quan đến vấn đề này”.

+ Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị 2 công ty đóng tàu nói trên cần hỗ trợ một phần kinh phí nằm bờ cho ngư dân, vì do hư hỏng tàu phải neo bờ mất thu nhập, đồng thời các công ty đóng tàu phải hoàn trả lại chi phí thiết kế tàu cá cho ngư dân. UBND tỉnh Bình Định sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm