| Hotline: 0983.970.780

Tàu xa bờ Quảng Bình chưa đạt kích thước chuẩn: Xử lý thế nào?

Thứ Hai 12/08/2019 , 08:29 (GMT+7)

Ông Nguyễn Ngọc Tiếp - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) chỉ tay về phía mấy con tàu đang neo bờ: “Không thực hiện theo quy định thì không được, nhưng thực hiện thì toàn xã chúng tôi có cả trăm con tàu phải chấp nhận neo bờ”.

07-34-06_nnvn__1-_hng_trm_tu_c
Hàng trăm tàu cá có công suất lớn ở Quảng Bình phải vào bờ hoạt động.

Đó là thực trạng nhiều tàu cá Quảng Bình dù công suất đủ lớn nhưng kích thước tàu lại chưa đạt chuẩn để vươn khơi theo quy định mới.
 

Tàu ở khơi phải quay vào… lộng

Từ tháng trước đến giờ, ông Tiếp phải luôn đi chia sẻ với ngư dân quy định mới về việc gia hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi. Theo đó, tàu cá của ngư dân đủ điều kiện ra khơi phải có chiều dài 15m trở lên.

“Đang giữa mùa khai thác vụ cá nam nhưng triển khai theo quy định chiều dài tàu đang gây khó khăn rất lớn cho ngư dân chúng tôi” - ông Tiếp nói.

Ông Đồng Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết, toàn xã có đội tàu xa bờ trên 180 chiếc. Trong đó có 127 chiếc tàu cá xa bờ (có công suất từ 400-700 CV) nhưng chiều dài không đủ 15m nên không thể ra khơi được.

“Để không vi phạm, chúng tôi sẽ phải chuyển vùng biển hoạt động. Có nghĩa là, đội tàu này đang đánh bắt ở biển khơi phải quay vào… lộng để hoạt động”, ông Vinh nói. Theo ngư dân, việc nhiều tàu có công suất lớn quay vào bờ hoạt động đang gây áp lực lên vùng lộng vốn đã cạn kiệt nguồn lợi.

Ngồi trên bờ nhìn ra con tàu, ngư dân Võ Ngọc Quân (xã Cảnh Dương) cứ vần vò hai bàn tay sần sùi chai sạn.

“Con tàu của tôi có công suất 550 CV. Lúc đóng tàu chỉ quan tâm đến công suất phù hợp nghề trên biển là tốt rồi chứ ai quan tâm đến chiều dài con tàu” - anh bộc bạch. Mấy năm liền đánh bắt ở biển xa bây giờ bị cấm phải vào vùng lộng vì con tàu của anh Quân chỉ dài được 14,5m.

Qua hai chuyến đi vùng lộng, anh thấy rất khó vì chi phí bỏ ra rất lớn cho con tàu mà sản lượng đánh bắt vùng lộng rất thấp. “Thực lòng thì cũng không ai sắm con dao lớn để mổ bò lại đưa ra dùng chuyên mổ gà bao giờ” - anh Quân ví von.

Cũng trong tâm trạng đó, ngư dân Nguyễn Văn Luận (ở phường Quảng Phúc - TX Ba Đồn, chủ tàu cá QB 98532) cho biết, trước đây các chủ tàu chỉ quan tâm đến công suất, nghề làm và ngư lưới cụ cho phù hợp mà không chú ý đến kích thước tàu. “Nay buộc phải quay về vùng lộng” - anh nói.

Cách đây 4 năm, anh Luận đi dồn vốn và vay thêm đóng con tàu mới để đi biển xa nên thu nhập khá cao. Bây giờ đo lại thì tàu thiếu theo quy định đúng 0,3m. Vậy là chịu cứng. Mấy chuyến biển ở vùng lộng thu nhập thấp, anh Luận cũng ngán ngẩm. Mấy bạn tàu đi chung quý nhau lắm, nhưng vì cuộc sống nên thông cảm với chủ tàu để rồi xin sang tàu khác đi biển xa.

Nhiều ngư dân đành phải neo tàu rồi đi theo tàu bạn ra khơi. Anh Nguyễn Văn Long (xã Cảnh Dương) cho rằng nếu hoạt động được phải chuyển đổi nghề và sắm lại ngư lưới cụ hoạt động gần bờ. “Chuyển nghề cũng tiêu tốn hàng trăm triệu đồng và chưa biết hiệu quả ra sao nên tôi và nhiều người phải neo tàu để đi với tàu bạn đó” - anh Long nói.

“Bạn thương nhau nhưng phải đành vậy thôi. Ai cũng phải nuôi vợ con mà. Giờ đi với tôi bây giờ mỗi chuyến được vài trăm bạc làm sao sống” - anh Luận thở dài.
 

Tỉnh kiến nghị tháo gỡ

Theo ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, trước đây khi ngư dân đóng tàu theo chương trình phát triển thủy sản của Nhà nước thì không đề cập đến kích thước. Vì vậy, người ta căn cứ vào nghề, vào vùng đánh bắt, thời tiết và thói quen đi biển để đóng tàu cho phù hợp chứ không biết đến kích thước phải dài ít nhất 15m.

“Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, chuyển tiêu chí từ công suất sang chiều dài của tàu. Với khung thời gian 2 năm là quá ít để ngư dân tìm cách chuyển đổi” - ông Lợi nhìn nhận.

Điều đáng quan tâm nữa là vùng lộng và biển gần bờ ở Quảng Bình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự cố môi trường biển từ năm 2016. Đến nay, việc phục hồi chưa được đáng kể thì phải gán thêm hàng trăm lượt tàu có công suất lớn (nhưng chiều dài dưới 15m) càn quét đêm ngày gây nên áp lực lớn cho nguồn lợi thủy sản ven bờ.

07-34-06_nnvn__2-_viec_ci_hon
Việc cải hoán tàu cá dưới 15m đang tạm dừng cũng gây khó khăn cho ngư dân.

Ngư dân Phan Thế Đức (xã Quang Phú) vốn làm nghề câu gần bờ tỏ ra lo lắng: “Ngư dân gần bờ chúng tôi cũng đã khó khăn trong thu nhập nay thấy anh em họ dùng tàu công suất lớn làm sạch biển gần bờ như vầy thì càng khổ thêm. Làm ngư dân quen rồi, chả lẽ bỏ nghề đi phụ hồ”.

Hiện, Quảng Bình được giấy phép hoạt động vùng khơi cho 1.043 tàu và còn gần 600 tàu cá không đủ chuẩn về kích thước phải quay về vùng lộng hoặc gần bờ.

Từ thực tế đó, tỉnh Quảng Bình có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT bổ sung 558 hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi. Trong đó, có 32 giấy phép xin cho các tàu cá đã được cấp văn bản chấp thuận cải hoán vỏ từ dưới 15m lên trên 15m trước thời điểm tỉnh nhận được CV 2030/BNN-TCTS ngày 25/03/2019 của Bộ NN- PTNT; 377 giấy phép cho các tàu cá dài dưới 15m nhưng công suất trên 90 CV đã từng được cấp phép khai thác vùng khơi trước đó; 149 giấy phép cho tàu có chiều dài dưới 15m (theo hồ sơ đăng kiểm) nhưng chiều dài thực tế lại từ 15m trở lên.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến hy vọng: “Được Trung ương quan tâm để ngư dân chúng tôi sớm được tháo gỡ khó khăn là điều đáng mừng. Đó cũng là động lực giúp cho ngư dân Quảng Bình vượt qua khó khăn”.

Ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trao đổi, nếu các tàu này không được cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của chủ tàu, ngư dân. “Chưa kể, tàu vùng khơi buộc phải vào vùng lộng sẽ gia tăng áp lực khai thác vùng ven bờ và không thực hiện được chủ trương khuyến khích, vận động ngư dân vươn khơi” - ông Ngân nhấn mạnh.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Ngư dân Quảng Nam được mùa mực biển

Giá mực cao, sản lượng nhiều hơn các năm trước nên sau một đêm đánh bắt trên biển, các ghe thuyền ở Quảng Nam có thể thu về hàng chục triệu đồng.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất