| Hotline: 0983.970.780

Tây Nam bộ phải phát triển bền vững

Chủ Nhật 29/04/2012 , 09:15 (GMT+7)

Giai đoạn 10 năm (2001-2010), ĐBSCL đã có bước phát triển nhanh, đạt 11,7%/năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực II, III và giảm tỷ trọng khu vực I.

Giai đoạn 10 năm (2001-2010), ĐBSCL đã có bước phát triển nhanh, đạt 11,7%/năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực II, III và giảm tỷ trọng khu vực I.

Giá trị SX năm 2010 đạt 336.924 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2001, bình quân tăng 11,87%/năm. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2010 đạt 9,3 tỷ USD... Nhân đợt triển lãm- hội chợ "Thành tựu 10 năm xây dựng & phát triển ĐBSCL", từ ngày 27/4- 1/5/2012 tại TP Cần Thơ, NNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban thường trực BCĐ Tây Nam bộ.


Ông Nguyễn Phong Quang

Với tư cách là Phó trưởng ban thường trực, xin ông đánh giá về thành tựu của BCĐ Tây Nam bộ trong giai đoạn 10 năm (2001-2010)?

10 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, về kinh tế-xã hội, chúng ta đã làm được một số việc cơ bản, tựu trung ở 7 vấn đề lớn sau:

1. Chuyển dịch được cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; nhờ đó, hiệu quả SX được nâng cao, tổ chức huy động được tốt các nguồn lực đầu tư; đồng thời góp phần làm cho môi trường đầu tư được cải thiện. Cụ thể, chúng ta đã xuất khẩu đạt 6,83 tỷ USD, tốc độ tăng bình quân đạt 17,8%; huy động được vốn đầu tư đạt 627 ngàn tỷ đồng; trong đó vốn doanh nghiệp và xã hội là 488 ngàn tỷ đồng, chiếm 77,8%.

2. Nông, lâm, ngư nghiệp đã có bước phát triển toàn diện thể hiện qua năng suất, chất lượng ngày càng cao. Mặt khác, cũng đã từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, phát huy được lợi thế sản phẩm chủ lực của vùng (lúa gạo, thủy sản, trái cây) góp phần làm cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng nhanh.

Cụ thể, về lúa gạo, đã tăng năng suất lúa từ 4,3 tấn/ha năm 2001 lên 6,3 tấn; nâng sản lượng từ 16 triệu tấn lên 21,6 triệu tấn, tăng 35%. Hàng năm xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD. Về trái cây, cuối năm 2010, đã có hơn 400.000 ha cây ăn trái. Về kinh tế biển, đã có bước phát triển theo chiều sâu là chuyển từ khai thác gần bờ sang chủ động nuôi trồng, khai thác xa bờ.

3. Công nghiệp dần được chú trọng phát triển, đi dần vào khai thác các thế mạnh của vùng về công nghiệp chế biến nông sản; bước đầu tập trung đầu tư phát huy lợi thế về công nghiệp dầu khí, năng lượng, nhiệt điện và cơ khí.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tăng liên tục trong các năm, đến năm 2010 đạt 156 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 18,8%/năm. Đặc biệt, ngành chế biến thủy sản phát triển nhanh với 60 mặt hàng, chiếm trên 1/2 khối lượng và giá trị xuất khẩu. Đến cuối năm 2010, chúng ta đã thành lập mới 11/17 khu công nghiệp được quy hoạch, thu hút 300 dự án, lấp kín khoảng 67% diện tích đất cho thuê, giải quyết việc làm cho trên 70 ngàn lao động.

4. Thương mại, dịch vụ, du lịch, thông tin và tuyên truyền có bước phát triển khá nhanh, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ và đời sống nhân dân. Cụ thể, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng từ 43,5 ngàn tỷ đồng năm 2001 lên 279 ngàn tỷ năm 2010, tăng bình quân 20,8%/năm.

Kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 4,6 tỷ USD/năm, tăng 17,8%/năm; năm 2010 đạt 6,83 tỷ USD. Ngoài ra, đã xây mới 494 chợ, nâng tổng số đến nay lên 1.790 chợ (chiếm 20,9% số chợ cả nước); đồng thời, bước đầu hình thành trung tâm thương mại quy mô lớn ở Cần Thơ và các trung tâm cấp tỉnh theo mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra.

Về du lịch, đã chú ý phát huy tiềm năng, thế mạnh, liên kết với TP. HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau) trong khai thác, phát huy lợi thế vùng sông nước. Năm 2010, toàn vùng thu hút hơn 19 triệu lượt khách, trong đó có 1,46 triệu lượt khách quốc tế.

5. Hạ tầng giao thông, thủy lợi có bước phát triển, gắn kết giao thông liên vùng, góp phần làm thay đổi nhanh diện mạo đô thị, nông thôn và vùng đồng bào dân tộc ít người; bước đầu đáp ứng được nhu cầu đầu tư, phát triển và an sinh xã hội. Cụ thể, đã xây dựng mới trên 10 tuyến quốc lộ, tổng chiều dài hơn 2.500 km, gần 70 tuyến tỉnh lộ, mở mới 9.117 km, nâng cấp 23.218 km đường các loại, xây dựng 11.453 cầu kết nối với hệ thống quốc lộ; trong đó, có cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Hàm Luông…

Hệ thống thủy lợi, cụm, tuyến dân cư, nhà ở vùng ngập sâu và xây dựng phát triển đô thị được quan tâm đầu tư. Đã huy động trên 4.600 tỷ đồng xây dựng các công trình kiểm soát lũ lụt; hoàn thành 35 công trình thủy lợi vừa và lớn, trong đó có 12 công trình phục vụ trên 2.000 ha đất nông nghiệp, 20 công trình kiểm soát lũ lụt ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười…

6. Công tác giáo dục- đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân, đồng bào dân tộc được cải thiện. Cụ thể, mạng lưới trường, lớp từ mầm non đến phổ thông phát triển rộng khắp các địa bàn dân cư, phân bố ngày càng hợp lý hơn. Các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có trường dân tộc nội trú.

Mạng lưới y tế trong vùng được tăng cường và mở rộng, cơ sở vật chất bệnh viện tỉnh, huyện, trạm y tế xã được đầu tư, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng nâng cao. Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ phục vụ chiếm 71%, đạt 5,7 bác sĩ/1 vạn dân. Hoạt động văn hóa - xã hội được tổ chức với nhiều hình thức, nội dung phong phú.

7. Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo được các cấp ủy, chính quyền quan tâm nhiều hơn. Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đều được tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi. Các cấp ủy địa phương cơ bản hoàn thành các nội dung xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị theo hướng trong sạch vững mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ngày càng được nâng cao.

Còn những tồn tại lớn nào mà ông quan tâm?

Theo tôi, có 3 tồn tại cần được quan tâm khắc phục trong giai đoạn tới:

1. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng tiềm năng của vùng; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, yếu tố rủi ro cao; một số nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 21-NQ/TW chưa đạt được.

Cụ thể, chúng ta chưa khai thác tốt tiềm năng và đạt hiệu quả các mặt hàng nông sản chủ lực, kinh tế mũi nhọn của vùng, chưa tạo được nhiều thương hiệu mạnh. Nền kinh tế nông nghiệp vẫn còn ở quy mô nhỏ, rủi ro cao, bị đe dọa bởi nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP của khu vực còn thấp. Thu hút đầu tư chưa nhiều, nhất là đầu tư nước ngoài. Một số kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi chưa hoàn chỉnh, đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

2. Về giáo dục- đào tạo, dạy nghề, văn hóa - xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém so với một số vùng, miền khác. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu, các chỉ số giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong vùng còn thấp so với các vùng khác.

3. Hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan và ở cơ sở từng lúc, từng nơi còn hình thức.

Là lãnh đạo thường trực BCĐ Tây Nam bộ, ông sẽ ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ nào trong 5 năm tới?

Tây Nam bộ cần tập trung hoàn thiện và chỉ đạo chặt chẽ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, phát triển hạ tầng đồng bộ, thống nhất của từng ngành, từng địa phương trong toàn vùng; nhất là giao thông vận tải, thủy lợi, thủy sản, giáo dục- đào tạo, dạy nghề, y tế…, bảo đảm tiết kiệm được nguồn lực và hiệu quả về kinh tế.

Mặt khác, cần tập trung đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cao làm nền tảng để phát triển toàn diện kinh tế vùng nông thôn, xây dựng và phát triển mô hình làng, xã theo tiêu chí nông thôn mới. Ngoài ra, cũng cần gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái. Khai thác tiết kiệm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, có giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và các tác động tiêu cực về môi trường.

Xin cám ơn ông! 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.