| Hotline: 0983.970.780

Tay nghề "Hai Lúa" tiến bộ rõ

Thứ Hai 27/09/2010 , 10:02 (GMT+7)

Ròng rã suốt 7 ngày Hội thi thu hoạch lúa, 15 máy GĐLH đã trình diễn hết những ưu điểm, tính năng kỹ thuật...

* Máy gặt đập liên hợp 4LL-1.8 Cty nhựa Hoàng Thắng xếp hạng nhất

Ròng rã suốt 7 ngày (18-24/9/2010) chạy thi ngang dọc trên khắp cánh đồng hơn 40 ha lúa chín vàng ở xã Trường Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, 15 máy gặt đập liên hợp (GĐLH) của 12 nhà chế tạo máy (10 máy nội địa và 5 máy nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc) đã trình diễn hết những ưu điểm, tính năng kỹ thuật, khả năng lội đồng tốt trong vụ lúa hè thu.

Đây là lần thứ 4 liên tiếp Hội thi máy thu hoạch lúa các tỉnh phía Nam năm 2010, do Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tổ chức thành công.

Kết quả bình tuyển cho thấy các máy Việt Nam sản xuất thích ứng với điều kiện đồng ruộng ĐBSCL hơn máy ngoại nhập, nhất là ở các tiểu vùng trong điều kiện đất đai khác nhau: vùng lũ, vùng đất trầm thủy, vùng ven biển hay trong vụ đông xuân khô ráo, vụ hè thu mưa dầm, đất lún lầy, lúa đổ ngã. Kết quả có 1 hạng nhất: máy GĐLH loại 4LL-1.8 của Cty Nhựa Hoàng Thắng; 2 giải nhì: máy loại 4ISZ-2.0 cơ sở Tư Sang 2 và máy Năm Sanh của Cơ khí Năm Sanh; 3 giải ba: máy 4LL-2.2Z Cty Nhựa Hoàng Thắng; máy GĐ2.0TLD – Cty Cơ Khí An Giang; máy 4LZ-2.0Z của cơ sở Đức Ngươn và còn lai 4 máy đạt giải khuyến khích.

BTC và Ban giám khảo nhận xét: Hội thi năm nay có số máy tham gia dự thi nhiều và đa dạng. Các máy có kết cấu đạt yêu cầu; kiểu dáng mỹ thuật công nghiệp đạt, máy đẹp. Đó là sự nỗ lực cải tiến mới hơn, tốt hơn rất nhiều của các nhà sản xuất. Trong đó có 6 máy cải tiến bộ phận trống dọc hoàn thiện hơn về kết cấu; có 8 máy trống ngang và 1 cái gặt tuốt. Đa số máy hoạt động chất lượng tốt hơn như: năng suất cao 0,3-0,5ha/giờ; độ tróc vỡ không đáng kể, dưới 0,3%; độ sạch cao, đa số trên 95%; hoạt động được trên nền đất yếu độ lún 2 tấc (20cm) và lúa đổ ngã trên nền khô vẫn gặt được tốt.

Đối với người lái máy có tay nghề khá giỏi điều kiển vận hành máy tốt cũng là một yếu tố giảm được tổn thất trên đồng. Đặc biệt tiến bộ kỹ thuật lần này là xích cao su Nguyễn Đỉnh – “Made in Việt Nam” lần đầu tiên được 3 nhà chế tạo máy Năm Sanh, Hiệp Hùng và Vạn Phúc đưa vào hội thi chạy tốt, kỹ thuật đạt.

Tuy nhiên, cho đến nay, đa phần các mẫu máy GĐLH nội địa còn phụ thuộc nhiều vào 3 yếu tố cơ bản: động cơ, hộp số và bánh xích…Hơn nữa các nhà chuyên môn vẫn còn ưu tư: Đa số các nhà chế tạo, cải tiến máy GĐLH trong nước chưa hiện đại được về trang thiết bị chế tạo; chưa ứng dụng công nghệ thích hợp cho từng chi tiết, tiêu chuẩn hóa các chi tiết máy trong sản xuất...

Với đa số nông dân sau khi xem xét từng tính năng hoạt động thực địa trên đồng thừa nhận: Thật khó so sánh và biết được độ chênh lệch kỹ thuật giữa các máy sản xuất trong nước. Nhưng nhìn chung, tay nghề của các nhà chế tạo mày đã có bước tiến rõ rệt. Dù vậy, theo yêu cầu của nông dân, máy GĐLH vẫn phải tiếp tục cải tiến hơn nữa. Máy phải gặt đẹp, cắt ngọt, không sót lúa; độ lún lầy máy có thể chạy tốt trên ruộng sình lầy, cắt được lúa đổ ngã và có độ bền chứ không chấp nhận khi ra đồng chạy ì ạch, hư hỏng nằm đồng.

Máy GĐLH 4LL-1.8 do Cty Nhựa Hoàng Thắng sản xuất, năng suất gặt 0,3-0,6/ha/giờ; hao phí tổng cộng dưới 3%, tỉ lệ tróc vỡ hạt dưới 2%, mức làm sạch trên 98%; kích thước (dài, rộng, cao), mm: 4.650X.1938X2.136; khối lượng máy 2.300kg; giá 180 triệu đồng/máy
Trong lúc máy ngoại nhập Nhật sản xuất có giá trên 500 triệu đồng, các nhà sản xuất máy trong nước và một số máy nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc đưa máy về dự thi nên tiếp tục cải tiến sao cho phù hợp với ruộng đồng Việt Nam và hạ giá thành, vừa sức đầu tư của nông dân làm lúa qui mô vừa và có thể mở dịch vụ gặt đập.

Đánh giá cuộc thi, ông Tống Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư Quốc gia nhận định: “Trong sản xuất lúa ở nước ta đang có 2 bùng nổ về mặt tiến bộ kỹ thuật: Đồng bằng sông Hồng ứng dụng rộng rãi máy gieo sạ hàng; còn ĐBSCL đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa thu hoạch lúa bằng máy GĐLH. Hội thi năm nay ở Sóc Trăng cho thấy tay nghề và sự sáng tạo của các nhà sản xuất đã nâng lên rõ rệt. Và một thành công khác nữa là cải thiện, củng cố các mô hình liên kết. Liên kết Trung ương và địa phương; Sở NN-PTNT, Ngân hàng NN-PTNT Sóc Trăng; liên kết nông dân với các chủ máy, các DN đầu vào cung ứng giống, phân bón, thuốc sinh học; liên kết giữa nông dân và các nhà khoa học Viện lúa ĐBSCL trong việc cung cấp chế phẩm sinh học; giống lúa mới. Theo đó, cùng với những cải tiến về mặt cơ giới hóa sản xuất, các mối liên kết trên phát huy hiệu quả sẽ thúc đẩy sản xuất ở ĐBSCL phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.