| Hotline: 0983.970.780

Tây Nguyên giữa mùa mưa, sao hối hả khoan giếng?

Thứ Ba 16/08/2016 , 14:01 (GMT+7)

Tây Nguyên đang giữa mùa mưa nhưng bà con nông dân nơi đây lại đổ xô đi khoan giếng. Lý do, dự báo lượng mưa năm nay ít, có thể hạn hán năm tới sẽ khốc liệt hơn rất nhiều...

Đắt như... thợ khoan giếng

Thấy hàng xóm khoan giếng giữa mùa mưa, chị Nguyễn Thị Nguyệt ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, Đăk Lăk cũng chạy đôn chạy đáo tìm thợ về khoan giếng cho bằng được.

Chị Nguyệt cho biết: "Nghe mọi người nói đang là mùa mưa nên thợ khoan giếng có rảnh rang hơn một chút, ai có nhu cầu khoan giếng bây giờ may ra còn thuê được thợ, đợi mùa khô thì khó tìm lắm.

Hỏi dò mãi, cuối cùng tôi cũng tìm được một nhóm thợ. Vì bận rộn nương rẫy nên tôi khoán họ khoan và tính tiền theo mét, mỗi mét họ lấy 180.000 đồng, giếng của gia đình tôi phải khoan tới 130m mới đủ nước tưới một buổi. Tổng chi phí khoan giếng hết 23,5 triệu, tiền mua ống nhựa, máy bơm hết 5 triệu, tính ra gần 30 triệu đồng".

"Giếng nhà tôi khoan, may còn có nước, năm tới chẳng lo đối diện với mùa khô nữa. Nhiều gia đình khoan phải chỗ không có nước mới khổ chứ, lúc đó cả chủ nhà và thợ đều chẳng ai vui vẻ gì, thợ thì mất công khoan, chủ thì bù tiền dầu", chị Nguyệt cho biết thêm.

Không chỉ người trồng cà phê, hồ tiêu mới đổ xô đi tìm thợ khoan giếng mà ngay những gia đình thiếu nước sinh hoạt cũng đi kêu thợ về. Điển hình như anh Hiền, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột.

Theo anh Hiền mua khô vừa qua, nước máy bị cúp liên tục hàng tuần, nhà lại không có giếng, việc thiếu nước sinh hoạt đối với gia đình anh như một cực hình khi hàng ngày phải sang nhà hàng xóm xin từng can nước về dùng.

Anh Hiền chia sẻ: "Nhớ cảnh không có nước vừa rồi rợn hết cả người, vì vậy tôi phải tìm thuê thợ về. Chỗ tôi mạch nước ngầm sụt mạnh nên khoan tới 150m mới có nước, trung bình một mét mất 170 ngàn đồng, chi phí máy bơm, vật tư nữa mất gần 30 triệu đồng".

14-06-38_c-phe-thieu-nuoc-2
Nhiều diện tích cây trồng ở Tây Nguyên bị chết trong đợt khô hạn vừa qua

 

Theo anh Phạm Văn Hùng, chủ một giàn khoan giếng ở xã Cư Buar, TP Buôn Ma Thuột, thì từ đầu mùa mưa năm 2016 đến nay anh đã khoan được gần 20 giếng. Khoan chưa xong chỗ này thì khách đã gọi đi nơi khác, anh đành phải sắp lịch. Mỗi giếng 100m phải khoan mất 5 ngày với giá 12 triệu đồng.

Đó là thuận lợi, còn trường hợp mũi khoan không gặp mạch nước thì phải chọn địa điểm khác, có khi khoan được một giếng mất nửa tháng…

Không chỉ người dân ở Đăk Lăk đang đổ xô đi khoan giếng mà đi khắp các tỉnh Đăk Nông, Gia Lai, Kom Tum, Lâm Đồng… cũng không khó để bắt gặp cảnh tượng người dân chạy đôn chạy đáo tìm thợ khoan giếng giữa mùa mưa. Đó là cảnh tượng ít ai nghĩ tới.

 

Đi trước đón đầu

Mùa khô 2016 vừa qua, Tây Nguyên trải qua cơn đại hạn khốc liệt, diện tích cây trồng bị chết khá lớn, nhất là những loại cây mũi nhọn. Hầu hết các hộ nông dân đều thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, giếng đào và suối đều cạn kiệt. Do vậy, bà con nông dân khoan giếng mùa mưa nhằm đón đầu mùa khô.

Là gia đình phải chịu cảnh khốc liệt của hạn hán trong mùa khô 2016 vừa qua, ông Bùi Văn Long ở xã Hòa Đông, huyện Krông Păc, Đăk Lăk đang bận rộn với trông coi tốp thợ khoan giếng tại rẫy cà phê nhà mình.

Ông Long cho biết: "Gia đình tôi có 5 sào cà phê xen tiêu, mùa khô vừa qua cơn đại hạn ở Tây Nguyên đi qua đã làm 1/3 diện tích cà phê và toàn bộ hồ tiêu trong vườn chết khô vì không đủ nước tưới. Tôi tìm thợ về khoan giếng, dự tính sâu 120m. Hy vọng năm tới sẽ có nước tưới cho diện tích cây trồng này".

14-06-38_khon-gieng-2
Ảnh: Văn Thanh

 

Còn ông Nguyễn Bá Khẩn, Buôn Ama Tha ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk lại phải kêu người tới khoan lại cái giếng cũ đã sâu 80m do không đủ nước tưới trong mùa khô vừa rồi.

Ông Khẩn cho biết: "Mấy năm trước, do không có nước tưới nên gia đình tôi đã khoan một giếng với độ sâu 80m, tuy nhiên mùa khô vừa qua, cái giếng này đã cạn nước. Bây giờ tôi phải tìm người về khoan sâu thêm 50 - 60m nữa may ra mới có nước.

Giá khoan lại giếng cũ họ đòi tới 260 ngàn đồng/m, trong khi khoan giếng mới có 170 - 180 ngàn đồng/m thôi. Biết là tốn kém nhưng vẫn phải chấp nhận khoan thêm, biết làm sao được".

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi Đăk Lăk, mực nước ngầm ở tỉnh này những năm qua tụt giảm mạnh. Ngoài biến đổi khí hậu khiến lượng mưa thấp, diện tích rừng suy giảm, thì việc người dân khoan giếng để khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất một cách tràn lan gây nguy cơ thủng tầng nước ngầm cũng khiến mực nước giảm sâu.

Đáng chú ý là theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, nguồn nước ngầm giảm nhiều, phổ biến thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 3 - 6m, một số vùng do khoan giếng để khai thác nước ngầm tầng sâu đã làm cho lượng nước ngầm ở tầng nông giảm mạnh hoặc không có nước.

Thiết nghĩ, việc bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang đổ xô đi khoan giếng, đón đầu cho mùa khô năm tới là việc làm không ngạc nhiên. Tuy nhiên một khi nguồn nước ở tầng nông dưới mặt đất bị suy kiệt thì muốn có nhiều nước, càng ngày người ta càng khoan nhiều giếng và phải khoan sâu hơn.

Do vậy việc quản lý khai thác nước ngầm cần sớm quy hoạch, xây dựng các phương án quản lý, phân bổ nguồn tài nguyên nước một cách hợp lý, đồng thời cần chú trọng công tác trồng rừng tái sinh góp phần điều hòa khí hậu, ổn định mực nước ngầm.

 

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.